| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ cam Văn Chấn: [Bài 2] Vực dậy bằng canh tác hữu cơ

Thứ Tư 10/01/2024 , 14:38 (GMT+7)

YÊN BÁI Thường xuyên áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, theo hướng sinh học bền vững, thân thiện môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất để vực dậy thủ phủ cam ngày nào.

Nhiều hộ dân đã áp dụng quy trình sản xuất cam theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều hộ dân đã áp dụng quy trình sản xuất cam theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Tiến.

Ủ cá tươi, đỗ tương với với men vi sinh làm phân hữu cơ

Những ngày đầu năm 2024, chúng tôi đến thăm vườn cam của ông Cao Văn Văn Mạnh ở xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Chỉ còn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán, những quả cam lúc lỉu trên cành đang nhuộm màu đỏ rực.

Bài liên quan

Từ tháng trước ông Mạnh đã chủ động tưới phân hữu cơ cho toàn bộ diện tích cam Đường canh của gia đình để bổ sung dưỡng chất giúp quả cam tăng độ ngọt đậm. Phân hữu cơ được ông chế biến bằng cách ủ cá tươi với với men vi sinh và đỗ tương. Trong quá trình chăm sóc, phân bón được ông ngâm ủ kỹ từ 6 tháng trở lên mới đưa vào sử dụng, việc phòng trừ sâu bệnh cũng được ông sử dụng các chế phẩm sinh học do cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn. Ngoài ra, việc làm cỏ cho vườn cam ông Mạnh dùng máy phát, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Theo ông Mạnh, nhờ chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ mà hiện nay gia đình ông duy trì được vườn cam Đường canh hơn 20 năm tuổi. Trước đây, gia đình ông cũng thâm canh, chăm sóc theo cách truyền thống, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Phương pháp này cho hiệu quả tức thì, giảm công lao động nhưng có hại cho sức khỏe con người và hủy hoại môi trường.

Từ năm 2014, sau khi cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn cách trồng cây ăn quả theo phương thức hữu cơ, gia đình ông đã áp dụng làm theo. Sau 2 năm thực hiện cho thấy cây cam phát triển khỏe mạnh hơn, chất lượng, mẫu mã cam được thương lái đánh giá cao, năng suất tăng từ 10 - 15% và giảm 1/3 chi phí về đầu tư, chăm sóc so với trước đây.

Sản xuất hữu cơ giúp giảm chi phí đầu tư và tăng năng xuất cam. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản xuất hữu cơ giúp giảm chi phí đầu tư và tăng năng xuất cam. Ảnh: Thanh Tiến.

Ở thôn Khe Sừng xã Tân Thịnh hiện có gần 80 ha cam, trong đó cam Đường canh chiếm đến 70% diện tích, còn lại là các giống cam Vinh, cam sen, cam sành… Cây cam không chỉ giúp cho người dân thoát nghèo, mà còn giúp cho nhiều hộ trở thành hộ khá, giàu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chính vì vậy các phương pháp sản xuất theo hướng sạch, thân thiện với môi trường đang được nhiều hộ dân áp dụng để phát triển vùng trồng cam bền vững.

Ông Vũ Tiến Dũng - Bí thư Chi bộ thôn Khe Sừng cho biết: thời gian qua, nhiều địa phương trong huyện cây cam chết hàng loạt do lạm dụng phân bón và thuốc hóa học trong việc trừ cỏ và phòng chống sâu bệnh. Vì vậy, để bảo vệ tốt diện tích cam hiện có thôn đã vận động người dân sản xuất cây cam theo hướng hữu cơ, vừa không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng cam, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giảm ô nhiễm môi trường sinh thái.

HTX trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP

Rời thôn Khe Sừng, chúng tôi đến thăm HTX Trồng cây ăn quả Bình Thuận (xã Bình Thuận). Khác với hình ảnh đìu hiu, ảm đạm ở xã Thượng Bằng La hay thị trấn Nông trường Trần Phú, nơi đây đang nhộn nhịp người tưới cây, người cắt quả, từng đoàn thương lái lên tận đồi cam để đặt hàng, thu mua. Những hàng cam trải dài từ chân đồi thoai thoải đến đỉnh cao, từ xa đã thấy đỏ rực của màu quả chín xen lẫn màu xanh thẫm của của tán cây.

HTX cây ăn quả Bình Thuận được thành lập năm 2017 với 9 thành viên là những hộ tâm huyết và có diện tích cam lớn trên địa bàn 2 xã Chấn Thịnh và Bình Thuận. HTX đã phân chia thành các nhóm sản xuất để tập trung diện tích trồng thành vùng hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún làm ảnh hưởng tới năng suất lao động và việc áp dụng các biện pháp cơ giới hóa. 

Các hộ thành viên trong HTX làm cỏ bằng máy phát để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Các hộ thành viên trong HTX làm cỏ bằng máy phát để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, HTX có 90 ha cam, trong đó hơn 70 ha đã cho thu hoạch với các giống cam Vinh, cam sen, cam V2, cam Đường canh. Các thành viên tham gia vào HTX cũng được cung ứng các giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, họ còn tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ nhau áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap trong các khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản sản phẩm. 

Với quyết tâm xây dựng thương hiệu cam sạch, các thành viên trong HTX thay đổi tập quán sản xuất từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang sinh học. Quá trình canh tác từ tự do, cảm tính được chuyển sang một quy trình kỹ thuật tỉ mỉ, có ghi chép nhật ký sản xuất từng ngày, đảm bảo phun thuốc đúng dòng, đúng bệnh, cách ly đủ ngày. Nhờ đó, năm 2020, HTX đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 68 ha cam; sản phẩm cam Đường canh được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Anh Đỗ Quang Trọng - Giám đốc HTX cây ăn quả Bình Thuận bên vườn cam đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Đỗ Quang Trọng - Giám đốc HTX cây ăn quả Bình Thuận bên vườn cam đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Hà Thị Hải Yến, thành viên HTX chia sẻ, hiện nay nhiều thương lái tận Hà Nội đã đến tận đồi tham quan và đặt hàng trước, sản phẩm cam đã được chứng nhận an toàn, chất lượng tốt nên giá lúc nào cũng cao hơn nơi khác. Gia đình chị có hơn 2,5 ha cam, nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năm nay thời tiết thuận lợi năng suất dự kiến sẽ tăng so với năm ngoái, đạt khoảng 50 tấn cam các loại, toàn bộ số cam sẽ cắt bán từ nay cho đến Tết âm lịch. 

Bài học về sự phát triển nhanh, thiếu quy hoạch, chạy theo số lượng vẫn còn hiện hữu, từ vùng cam hơn 2500 ha, giờ chỉ còn hơn 1.000 ha. Nguyên nhân đã được các nhà khoa học đầu ngành chỉ ra là “sử dụng các biện pháp thâm canh lý, hóa học triệt để (lạm dụng phân bón, thuốc hóa học), ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cây cam, gây hủy hoại môi trường, không tuân thủ nguyên tắc thâm canh hữu cơ, sinh học bền vững”.

Chính vì vậy, để tránh vết xe đổ, phát triển bền vững vùng cây ăn quả, huyện Văn Chấn đang tập trung vận động người dân áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác hữu cơ, theo hướng sinh học bền vững, thân thiện môi trường, ít sử dụng hóa chất. Tổ chức bón vôi bột cho những vườn trồng đất chua và diệt tuyến trùng hại rễ; tạo rãnh thoát nước để tránh úng ngập và lây lan nguồn bệnh trong đất. Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ hoai mục… để cung cấp dinh dưỡng cho cây, đồng thời cải tạo đất và giảm nguồn nấm bệnh trong đất.

Sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ là hướng phát triển lâu dài và bền vững cho thủ phủ cam Văn Chấn. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ là hướng phát triển lâu dài và bền vững cho thủ phủ cam Văn Chấn. Ảnh: Thanh Tiến.

Tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP, hữu cơ… Đây không chỉ là hướng đi phát triển bền vững nhằm bảo vệ diện tích cam hiện có, bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng mà còn nâng cao được chất lượng sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Anh Đỗ Quang Trọng - Giám đốc HTX cây ăn quả Bình Thuận cho biết thêm, việc canh tác cam theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón, thuốc hóa học theo đúng quy trình nghiêm ngặt. Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ nên diện tích cam của các thành viên luôn sinh trưởng phát triển tốt, với năng suất khoảng 30 tấn/ha mang lại thu nhập 400 triệu đồng. HTX luôn mong muốn đưa sản phẩm của HTX đến các siêu thị lớn nên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng bằng cách sản xuất an toàn, chú trọng mẫu mã và quảng bá thương hiệu.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.