| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Sẽ đề nghị Thủ tướng phê bình những tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ

Thứ Năm 23/05/2024 , 19:27 (GMT+7)

Mặc dù số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS rất cao, hơn 98%, nhưng tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển hằng ngày còn nhiều, gây khó khăn trong việc kiểm soát.

Còn 511 tàu cá chưa lắp VMS

Chiều 23/5, tại Hà Nội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Ban Chỉ đạo IUU Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp về tình hình, kết quả lắp đặt, quản lý và sử dụng thiết bị VMS với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Trưởng Ban chỉ đạo IUU Bộ NN-PTNT chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Trưởng Ban chỉ đạo IUU Bộ NN-PTNT nói: 'Thời gian chỉ có 3 tháng, trong khi khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhất định chúng ta phải làm được'. Ảnh Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Trưởng Ban chỉ đạo IUU Bộ NN-PTNT nói: "Thời gian chỉ có 3 tháng, trong khi khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhất định chúng ta phải làm được". Ảnh Hồng Thắm.

Cuộc họp có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT như: Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản; đại diện các cơ quan, đơn vị từ Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông); Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật); Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Lãnh đạo Sở NN-PTNT 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển; Lãnh đạo các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình VMS.

Tại cuộc họp, ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến ngày 21/5, số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.584/29.095 tàu cá (đạt tỷ lệ 98,25%).

Số lượng tàu cá chưa được lắp đặt tại các tỉnh còn 511 tàu. Các tỉnh có số lượng nhiều tàu chưa lắp đặt như Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Quảng Bình, Bến Tre và Nghệ An.

Còn theo Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản, Cục Thủy sản Hà Lê, tỷ lệ số lượng tàu cá có kết nối trung bình hằng ngày qua hệ thống VMS hiện nay đạt khoảng 60%; trong đó, một số tỉnh có số lượng tàu cá nhiều và tỷ lệ tàu cá duy trì kết nối hằng ngày rất cao từ 70 - 90%.

Tuy nhiên cũng một số tỉnh dù có số lượng tàu cá nhiều nhưng tỷ lệ tàu cá duy trì kết nối hằng ngày thấp dưới 50%. Đặc biệt, một số tỉnh có số lượng tàu cá không nhiều chỉ khoảng vài trăm tàu, nhưng tỷ lệ tàu cá duy trì kết nối hằng ngày rất thấp như Đà Nẵng 28%, Hà Tĩnh 34%, Hải Phòng 46%.

Môi trường pháp lý đầy đủ, chỉ đạo sát sao, vấn đề là tổ chức thực hiện

Mặc dù số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS rất cao, hơn 98%, nhưng rất nhiều tàu cá không duy trì hoạt động.

Tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển hằng ngày còn nhiều, gây khó khăn trong việc kiểm soát không biết tàu có đi khai thác trên biển hay không. Nhiều tàu di chuyển ngư trường tắt thiết bị VMS nhưng địa phương chưa nắm được tàu hiện đang ở đâu.

Tình trạng chủ tàu và ngư dân hiện nay cố ý tự tháo lắp thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác trên biển gửi sang tàu khác đang diễn ra có tổ chức rất tinh vi nhằm đưa tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Mất kết nối do lỗi kỹ thuật của các nhà cung cấp thiết bị.

Ông Hải cho biết, xử lý tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống VMS là hai yếu tố quan trọng quyết định chúng ta có gỡ được “thẻ vàng” IUU hay không, hay lại “chuyển màu”.

“Tuy nhiên hiện nay, tính hiệu quả, hiệu lực của hệ thống VMS vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế”, ông Hải nhấn mạnh.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm IUU trong thời gian tới cần phải làm nghiêm hơn nữa. Ảnh: Kim Sơ.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm IUU trong thời gian tới cần phải làm nghiêm hơn nữa. Ảnh: Kim Sơ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: “Chúng ta đã có Luật Thủy sản năm 2017, có hiệu lực năm 2019; hai nghị định mới 37 và 38, sửa đổi, bổ sung và thay thế Nghị định 26 và 42; 8 thông tư và 1 thông tư sửa đổi. Như vậy môi trường pháp lý đã đầy đủ.

Đồng thời, cũng đã có hàng loạt công điện chỉ đạo trước đây, kết luận, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Ban Bí thư cũng đã ra Văn bản số 81 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU. Vấn đề là tổ chức thực hiện".

Thứ trưởng chỉ đạo, dựa trên các số liệu báo cáo ngày hôm nay, các đơn vị phối hợp rà soát lại xem việc tổ chức thực hiện như thế nào.

Thứ trưởng cho hay, trước mắt sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình những tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.

“Nếu tỉnh nào cũng vào cuộc quyết liệt thì chúng ta sẽ sớm chấm dứt được tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, giải quyết được các vấn đề về quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng ghi nhận và tiếp thu kiến nghị của các Bộ, ngành, khẳng định sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan để chung tay cùng với các tỉnh quyết tâm, quyết liệt giải quyết và thực sự đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng đề nghị, Kiên Giang đã xét xử vụ án đầu tiên về vi phạm IUU, còn 2 vụ nữa cũng sớm xử lý để phía Ủy ban Cchâu Âu thấy rằng "chúng ta rất quyết liệt, rất tích cực". Đặc biệt vụ cá kiếm phải điều tra đến cùng, triệt để. 

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm IUU trong thời gian tới cần phải làm nghiêm hơn nữa.

“Thời gian chỉ có 3 tháng, trong khi khối lượng công việc rất lớn, nhưng nhất định chúng ta phải làm được”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghề nuôi tôm lao dốc không phanh: Bao giờ cho đến ngày xưa?

'Lên voi xuống chó' là câu nói chuẩn xác nhất về thực trạng chua chát của nghề nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An, lúc này đây mọi thứ đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

Khó khăn xử lý tàu cá vi phạm mất kết nối thiết bị VMS

Xử lý triệt để, đủ sức răn đe với các tàu cá vi phạm IUU để người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định, từng bước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Lê Gia làm nhà máy thủy sản đóng hộp kết hợp tham quan trải nghiệm

Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia vừa khánh thành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản, kết hợp tham quan trải nghiệm.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm