| Hotline: 0983.970.780

Thực hư giống lúa kháng được sâu bệnh

Thứ Sáu 25/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

Thực tế sản xuất tại Nghệ An, chưa thấy có giống lúa nào có cái mác “kháng bệnh bạc lá hay bệnh đạo ôn” mà không bị bệnh.

Chuyện những giống lúa từng một thời kháng được sâu bệnh

Thời gian qua, nhiều công ty sản xuất, kinh doanh giống cây trồng giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các tờ quảng cáo khi bán giống đã giới thiệu giống lúa A, giống lúa B… có khả năng kháng bệnh nọ, bệnh kia, làm cho người nghe, nhất là bà con nông dân lúc đầu rất tin tưởng. Thế nhưng chỉ sau 1 – 2 vụ sản xuất, té ra thật mà không thật!

Nông dân tại Nghệ An phun phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa đông xuân 2022. Ảnh: THNA.

Nông dân tại Nghệ An phun phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa đông xuân 2022. Ảnh: THNA.

Cách đây hơn 15 năm, tôi nhớ mãi giống lúa IR1820, do Viện Bảo vệ thực vật nhập từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đem về gieo cấy ở Việt Nam. Giống lúa này được giới thiệu là kháng bệnh đạo ôn vào loại tuyệt đối. Nghệ An là cái nôi của bệnh đạo ôn, nên đã vội vàng đưa giống lúa này vào gieo cấy trên quy mô khá lớn.

Vụ lúa xuân đầu tiên, rồi tiếp nối vụ lúa xuân thứ 2, giống lúa này tỏ ra kháng bệnh đạo ôn thật. Thế nhưng sang tới vụ xuân thứ 3, thứ 4…, mức độ kháng giảm dần và đến các vụ lúa xuân sau này thì khả năng kháng bệnh đạo ôn của giống hầu như không còn nữa và ngày càng bị nhiễm nặng hơn. Cho đến vụ xuân từ khoảng năm 2005 trở lại đây, ngành nông nghiệp Nghệ An đã chính thức loại bỏ hẳn giống lúa IR1820 ra khỏi danh sách các giống lúa được cơ cấu vào các vụ sản xuất do bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn.

Sau giống lúa IR1820, tiếp đến là giống lúa CR203 cũng được giới thiệu là giống lúa chống rầy rất tốt. Vì vậy nó được mang cái tên CR203. Giống lúa này có ưu điểm ngắn ngày, gieo cấy rất phù hợp trong vụ lúa xuân ngắn ngày (xuân muộn) và trong vụ hè thu.

Nghệ An là nơi khởi đầu của vụ lúa hè thu ở các tỉnh từ phía bắc miền Trung trở ra. Vì vậy khi có giống lúa CR203 ra đời, Nghệ An chớp lấy thời cơ mở rộng diện tích gieo cấy trên quy mô rộng lớn ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Kết quả thật đáng mừng, vì 2 - 3 vụ sản xuất đầu chưa thấy bị nhiễm rầy gây cháy lúa. Nhưng các vụ sản xuất sau đó, bắt đầu thấy bị nhiễm rầy và càng về sau mức độ lúa bị nhiễm rầy gây cháy lúa càng nặng, đến mức phải bỏ đi để thay thế các giống lúa khác.

Chỉ nên nói "có khả năng chống chịu tốt"

Trên đây là chuyện ngày xưa cách đây đã lâu rồi. Câu chuyện những năm gần đây và đến tận bây giờ có một số giống lúa (kể cả lúa thuần và lúa lai) được giới thiệu và quảng cáo là những giống lúa kháng được bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn…

Đạo ôn là bệnh nguy hiểm, thường xuyên xuất hiện ở vụ đông xuân phía Bắc. Ảnh: NNVN.

Đạo ôn là bệnh nguy hiểm, thường xuyên xuất hiện ở vụ đông xuân phía Bắc. Ảnh: NNVN.

Đơn cử một số giống thuần được tích hợp gen kháng bệnh bạc lá như: Giống lúa Bắc thơm 7 KBL, BC15 - KBL, LT2 – KBL. Lúa lai có giống Nhị ưu 838 KBL, LC212…

Tích hợp gen kháng bệnh đạo ôn có một số giống: BC15, MTL547, TBR225…

Thế nhưng sự thật, qua thực tế sản xuất tại Nghệ An, chưa thấy có giống lúa nào có cái mác “kháng bệnh bạc lá hay bệnh đạo ôn” mà không bị bệnh. Ngay trong vụ lúa xuân 2022 hiện nay, Nghệ An đã có hơn 1.000 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn và lại tập trung nặng vào các giống như BC15, TBR 225…

Từ thực tế nói trên, tôi cho rằng không nên dùng thuật ngữ giống lúa “kháng” bệnh này, bệnh kia mà thay vào đó chỉ nên nói “có khả năng chống chịu tốt” bệnh này, bệnh kia, hay sâu này, sâu kia. Điều này vừa thực tế, vừa hợp lý, vừa không làm mất lòng tin của người sản xuất.

Đối với bà con nông dân, tôi cho rằng hãy làm tốt các biện pháp sau đây để làm tăng khả năng chống chịu các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa nói riêng và cũng có thể áp dụng vào các loại cây trồng khác.

Một: Chỉ nên gieo cấy các loại giống lúa có phẩm cấp, chất lượng tốt từ hạt giống có cấp chất lượng là giống xác nhận trở lên. Các cây trồng khác cũng nên gieo trồng hạt giống, cây giống đã qua chọn lọc hoặc phục tráng để tăng sức sống, tăng khả năng chống chịu… Không nên lấy giống liền vụ đã qua sản xuất nhiều năm, bởi chắc chắn sức sống sẽ giảm, khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận sẽ kém và nhất là chống chịu sâu bệnh sẽ rất kém.

Nông dân cần tập trung tuân thủ những quy trình sản xuất lúa giúp tăng khả năng chống chịu, giảm nguy cơ sâu bệnh hại thay vì quá trông chờ vào 'điều thần kỳ' ở những giống lúa được quảng cáo là kháng sâu bệnh. Ảnh: NNVN.

Nông dân cần tập trung tuân thủ những quy trình sản xuất lúa giúp tăng khả năng chống chịu, giảm nguy cơ sâu bệnh hại thay vì quá trông chờ vào "điều thần kỳ" ở những giống lúa được quảng cáo là kháng sâu bệnh. Ảnh: NNVN.

Hai: Các loại cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng không nên gieo cấy, trồng trỉa quá dày, vừa tốn giống, vừa làm tăng chi phí sản xuất không cần thiết, vừa tạo ra môi trường thích hợp cho các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển.

Nhất là cây lúa, càng gieo cấy mật độ dày càng tạo ra vùng “tiểu khí hậu riêng” ngay trên thửa ruộng đó, như: Ẩm độ không khí cao trong quần thể cây lúa, ánh sáng hạn chế do các lá che khuất nhau… Điều này sẽ tạo cơ hội cho sâu, bệnh, như rầy các loại, nấm bệnh đạo ôn, khô vằn… phát sinh, phát triển. Riêng với cây lúa, thực tế ở Nghệ An cho thấy nếu gieo sạ chỉ nên gieo từ 2 – 2,5 kg giống/sào (500 m2) và nếu gieo mạ để cấy, chỉ cần 1,2 – 1,5 kg giống/sào (500 m2), cấy 1 – 2 tẻ/khóm, mỗi m2 cấy 36 – 38 khóm là tốt nhất.

Về phân bón, nếu đất chua, đất sâu sục bùn, đất ngập úng nước khó tiêu thoát nước… cần được bón tối thiểu 13 – 15 kg vôi bột/sào trước hoặc sau khi cày bừa lần thứ nhất. Trước khi gieo cấy cần bón đủ phân, bón cân đối, bón đúng lúc, bón hợp lý trên từng loại đất khác nhau. Tốt nhất nên bón nhiều phân hữu cơ kết hợp với phân hóa học.

Phân hóa học bón tỉ lệ cân đối đạm, lân, kali, tốt nhất là 1 - 0,8 – 1 hoặc 1 - 0,6; 0,7 - 0,9. Trên đất sét, đất thịt thì bón ít lần và bón tập trung. Trên đất cát pha, thịt nhẹ thì chia nhỏ phân ra, bón tăng thêm số lần khi bón thúc lúa đẻ nhánh.

Bón như vậy vừa chống lãng phí phân bón do khả năng giữ nước, giữ phân của loại đất này rất kém, vừa tránh được tình trạng sẵn có phân bón, đất lại không có khả năng giữ lại được nên cây lúa sẽ hút nhanh, hút mạnh vào thân cây và sẽ tạo ra hiện tượng lúa tốt cây, tốt lá nhưng thân yếu, từ đó tạo cơ hội cho bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, rầy nâu phát sinh, phát triển phá hoại.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.