| Hotline: 0983.970.780

Thương tâm 6 người chết ngạt

Thứ Sáu 06/09/2013 , 09:53 (GMT+7)

Một nhân viên đã chủ quan trong lúc lấy mẫu dầu cá để phân tích, rồi gặp nạn trong bồn chứa khiến vụ tai nạn làm chết 6 người.

Một nhân viên đã chủ quan trong lúc lấy mẫu dầu cá để phân tích, rồi gặp nạn trong bồn chứa khiến vụ tai nạn làm chết 6 người. Đó là khẳng định của ông Hồ Mạnh Dũng, GĐ Ban điều hành dự án nhà máy tinh luyện mỡ cá IDI, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.

Sáng 5/9, ông Hồ Mạnh Dũng, GĐ Ban điều hành dự án nhà máy tinh luyện mỡ cá cho biết, đây là một trong những nhà máy trực thuộc Cty CP Đầu tư phát triển Đa Quốc Gia IDI – chuyên SX cá tra philê XK. Nhà máy này đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, được vận hành thử nghiệm hơn một tháng nay. Đây là nhà máy chế biến tinh luyện mỡ cá tra đầu tiên, hiện đại nhất khu vực Châu Á.

Theo thông lệ, mỗi tuần nhà máy phải cử người đến lấy mẫu dầu cá tại các bồn chứa. Mỗi lần như vậy, về nguyên tắc phải có 3 người cùng đi. Khoảng từ 9 giờ đến 9 giờ 20 phút sáng 4/9, anh Triệu Bá Trà, Lâm Thanh Phong và Trần Tấn Lợi được phân công đi lấy mẫu trong bồn cao khoảng 6m.


Toàn cảnh khu vực bồn chứa dầu cá – nơi xảy ra tai nạn

Lúc này, mực dầu cá trong bồn xuống thấp (khoảng 1/3 bồn), nên anh Phong dùng một dụng cụ lấy mẫu thả xuống (một sợi dây được cột vào một vật bằng inox). Tuy nhiên, do sợi dây ngắn nên anh Phong không thể thả đến khu vực chứa dầu. Thay vì tìm sợi dây khác nối cho dài hơn, anh Phong lại chủ quan trực tiếp leo xuống bằng cầu thang trong bồn để thực hiện lấy mẫu.

Do trong bồn thiếu oxy, anh Phong khó thở, mất sức, rồi vuột tay té xuống bồn. Đứng phía trên nhìn thấy, anh Lợi tưởng anh Phong bị trượt tay, liền kêu cứu, rồi leo xuống tiếp ứng, anh này sau đó cũng bị ngạt vì thiếu oxy rớt xuống bồn.

Tiếp đến, anh Trà cùng ban giám đốc và một số nhân viên khác cùng đến tiếp ứng, dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc. Sau đó, mọi người đã tháo nắp dưới bồn để đưa người ra ngoài  thì anh em đều đã chết. Riêng anh Đặng Văn An vừa leo xuống bồn được vài bậc thang, thấy khó thở, anh đã leo ngược trở lên rồi ngất xỉu bên ngoài bồn chứa dầu.

Ông Dũng cho biết thêm, bồn chứa dầu cá được đậy nắp thường xuyên, nên lượng oxy rất thấp. Thông thường, khi mở nắp bồn phải chờ một thời gian nhất định để tăng lượng oxy vào bồn lúc đó mới tiến hành công việc. Tuy nhiên, anh Phong đã chủ quan, còn mọi người thấy đồng nghiệp bị nạn đã không ngại nguy hiểm đến ứng cứu.

Đây là sự hy sinh, mất mát quá lớn, Cty sẽ tổ chức lễ truy điệu tại nhà cho các anh em. Ông Dũng cũng khẳng định, trong bồn không hề có khí độc như một số nguồn tin đã nêu. Cùng ngày xảy ra vụ việc công an tỉnh Đồng Tháp kiểm tra hiện trường và đo lượng oxy ở các thùng chứa mỡ cá khác, lượng oxy đo được chỉ 2% là quá thấp, không thể cung cấp cho con người.


Đại diện TLĐ LĐ Việt Nam trao tặng 3 triệu đồng/người cho thân nhân những người xấu số

Toàn bộ nhà máy có khoảng 50 cán bộ, công nhân viên, sau khi xảy ra sự cố, nhà máy đã tạm ngừng hoạt động.

Phía Cty IDI cũng đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn và trao số tiền hỗ trợ 100 triệu đồng/người gia đình nạn nhân. Ngoài ra, Cty đã cử các đoàn đến phụ lo đám tang, trong đó, có một đoàn ra Thanh Hóa  lo đám tang cho gia đình anh Lê Đình Thái và anh Lê Xuân Thuận.

Những ngày này, ở xã Bình Thạnh, huyện Lấp Vò, thật vắng lặng. Một bầu không khí tang thương bao trùm lên vùng quê nghèo. Thi thể anh Mai Hữu Tôn, GĐ Nhà máy tinh luyện mỡ cá IDI được đưa về nhà trong buổi chiều cùng ngày làm đám tang.

Ông Mai Văn Trường (ba của anh Tôn) rưng rưng nước mắt, kể: “Khoảng 10 giờ sáng, khi tôi đang chạy xe ôm ở gần nhà thì có người quen điện thoại báo tin, chỗ Cty của con ông làm việc vừa xảy ra tai nạn làm nhiều người chết. Nghe xong, tôi và vợ chạy đến Cty xem thử. Khi vợ chồng tôi vừa đến nơi thì nó đã lìa đời, trên mình dính đầy dầu cá”.

Sáng ngày 5/9, ông Ngô Minh Đông, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Chánh Văn phòng phía Nam (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã dẫn đoàn đến viếng chia buồn từng gia đình có nạn nhân bị tai nạn. Đồng thời trao tặng 3 triệu đồng/người cho nạn nhân chết và trao 2 triệu đồng cho người bị thương.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.