| Hotline: 0983.970.780

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 'Việt Nam phải là nông nghiệp'

Thứ Năm 14/09/2023 , 20:40 (GMT+7)

Là người suốt đời phụng sự vì cơ đồ Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng rất đặc biệt coi trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Tùng Đinh. 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Tùng Đinh

Rạng sáng ngày 14/9/2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần, hưởng thọ 65 tuổi. Trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan báo chí, mạng xã hội ngập tràn thông tin bày tỏ tiếc thương một người đặc biệt. Và trong nỗi thành kính tiếc thương chúng tôi lại nhớ về cuộc trò chuyện cũng rất đặc biệt với ông tại tư gia trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) vào dịp Xuân Tân Sửu 2021.

Cuộc trò chuyện ngày hôm ấy thực sự khiến chúng tôi vừa bất ngờ và hiểu thêm nhiều điều về ông. Rằng bên trong một con người của hành động với những phẩm chất quyết liệt, một bộ óc chiến lược bằng chiều sâu trí tuệ và sự kiên định hiếm có đã được thể hiện trong suốt cuộc đời hơn 40 năm quân ngũ lẫy lừng còn là người đặc biệt coi trọng vai trò, sứ mệnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển của dân tộc, đất nước.

Mỗi câu nói, mỗi dẫn chứng, mỗi câu chuyện ông kể vừa là bài học đúc rút từ thực tiễn đồng thời toát lên tư tưởng mang tầm chiến lược quốc gia. Đầy trăn trở, đau đáu nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn. “Phải đo độ bền vững của quốc gia bằng nông nghiệp”, “Đánh giặc có thể bằng gậy tầm vông, súng, tên lửa nhưng ăn thì chỉ có gạo”, “Tăng được 1 USD xuất khẩu từ nông nghiệp sẽ bớt đi được một gánh nặng ở Biển Đông”, “Nói đến nông nghiệp phải nói đến người nông dân, họ cần gì, họ làm được gì, đó mới là điều quyết định”, “Bớt hình thức đi, hãy để nông dân là chủ thể”…

Lần đầu tiên được nghe những chia sẻ gan ruột của vị tướng có hơn 12 năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giúp chúng tôi hiểu rằng, dường như với ông, nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là gốc rễ, nền tảng của mọi vấn đề dân tộc mà còn là lợi thế cạnh tranh, là sức mạnh của Việt Nam. 

Suốt cuộc trò chuyện rất nhiều lần ông nhắc đi nhắc lại: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng quan trọng nhưng với Việt Nam phải là nông nghiệp. Chính vì thế chúng ta phải đưa nông nghiệp lên hàng đầu, đo độ bền vững của đất nước bằng nông nghiệp, phải tôn vinh ngành nông nghiệp, tôn vinh những người nông dân…

Nói như thể một chuyên gia đã dày công nghiên cứu lâu năm và nói đến tận cùng gốc rễ tam nông và cuối cùng đúc rút: Có những nguyên tắc, nguyên lý tồn tại xuyên suốt thời đại Hồ Chí Minh, đó là nếu chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân thì sẽ không có kinh tế nhà nước, còn nếu không quan tâm đến lợi ích của người nông dân thì cũng không có nguồn lực cho kinh tế nhà nước tồn tại…

Trong xã hội, đặc tính của người nông dân là làm nhiều nói ít, nên hiểu được họ không dễ và nếu không hiểu được họ thì đừng nói đến nông nghiệp. Hiện nay, nói đến nông nghiệp là nói đến giống, khoa học kỹ thuật, thời tiết… nhưng theo tôi nói đến nông nghiệp phải nói đến người nông dân, họ cần gì, họ làm được gì, đó mới là điều quyết định.

Tình cảm đặc biệt và một sự coi trọng đặc biệt của một vị tướng với nông nghiệp, đặc biệt là với người nông dân. Lắng nghe ông chia sẻ, chúng tôi tự hỏi rằng, tình cảm đó, sự coi trọng đặc biệt đó phải chăng có phần xuất phát từ việc ông là con trai Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà quân sự được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương để “thổi luồng gió mới trên đồng ruộng” những năm 1961?

Hay là vì quá trình hơn 40 năm công tác ở một lĩnh vực trọng yếu của quốc gia đã giúp ông đúc rút “nông nghiệp phát triển thì đất nước sẽ vững, quốc phòng sẽ mạnh”? Có lẽ là cả hai. Và quan trọng hơn cả là những quan điểm thẳng thắn, gan ruột của ông dường như đã được kết tinh từ cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, Nhân dân.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng quan trọng nhưng với Việt Nam phải là nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng quan trọng nhưng với Việt Nam phải là nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhìn lại cuộc đời của ông có thể thấy rõ cốt cách, thái độ, tư tưởng phụng sự Tổ quốc, Nhân dân luôn có trong từng suy nghĩ, quyết định từ lúc thiếu thời cho đến sự nghiệp lẫy lừng sau này.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15 tháng 5 năm 1959 tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong giấy tờ lý lịch chính thức ghi sinh năm 1957. Sinh thời ông thường bảo, sở dĩ hồ sơ như thế là vì ông đã khai vống thêm 2 tuổi để đủ tuổi xin đi bộ đội.

Tháng 8/1983, chàng trai trẻ Nguyễn Chí Vịnh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, nay là Trường Đại học Thông tin liên lạc, được phong quân hàm Trung úy. Ra trường, vì là con của cán bộ cấp cao, được đặc cách gửi sang học tập tại Liên Xô nhưng ông từ chối, quyết tâm xin đi chiến trường Campuchia. Đó là quyết định mà sau này ông vẫn thường chia sẻ đã khiến nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng “đau đầu” bởi “anh Thanh chỉ có mỗi thằng con, giờ đi như vậy lỡ có làm sao thì biết ăn nói thế nào".

Trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó Tổng cục trưởng rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng, tháng 2/2002, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng, tháng 12/2004 được thăng quân hàm Trung tướng. Ở bất cứ cương vị nào, tư tưởng phụng sự Tổ quốc, Nhân dân với ông cũng là bổn phận xuyên suốt.

Tháng 3/2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng. Tháng 10/2009 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Luật. Từ cuối năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng để toàn tâm, toàn ý thực hiện trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại khi Quân đội nhân dân Việt Nam đang dần trở thành một mũi chủ công trong thế trận bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bằng biện pháp hòa bình. Một nhà chiến lược xuất sắc của Việt Nam cũng bắt đầu tỏa sáng sau những năm tháng âm thầm phục vụ tại một lĩnh vực bí mật nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điển hình như việc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam vào năm 2010. Từ đó ông quyết liệt tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đưa Cảng Quốc tế Cam Ranh đi vào hoạt động, trở thành biểu tượng cụ thể và sinh động về chính sách quốc phòng “4 không” và “1 tùy” hiện nay của Việt Nam. Cũng chính Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được giao khởi thảo Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, cẩm nang để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về đối ngoại, chính Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2010. Giống như một kiến trúc sư của hợp tác an ninh khu vực, ông đã không mệt mỏi thúc đẩy đối thoại, bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trong nỗ lực hóa giải những thách thức đối với khu vực.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tháng 1/2011 khi ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là cột mốc đánh dấu Đại hội đầu tiên có văn kiện đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng.

Tháng 10/2013, Tiến sĩ Nguyễn Chí Vịnh được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận học hàm Giáo sư chuyên ngành Khoa học Quân sự, cũng trong năm đó ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Có lẽ một trong những thách thức nhất trong hơn 12 năm đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là vấn đề Biển Đông. Trong giai đoạn đầy biến động căng thẳng, với khả năng ứng phó với những vấn đề địa chính trị phức tạp và kỹ năng đặc biệt của người lính làm đối ngoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành công mọi lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Hiểu sâu sắc nhất tầm quan trọng của quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới, ông luôn dốc hết sức mình chăm chút cho những mối quan hệ này, nhằm củng cố và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, tăng mặt đồng thuận, giảm điểm bất đồng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tham mưu để Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần đầu tiên ở cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tháng 3/2014.

Sau đó, cơ chế hợp tác này được nâng lên cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và diễn ra hằng năm, tạo đột phá trong quan hệ quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung, vốn gặp không ít trắc trở bởi vấn đề Biển Đông.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành công mọi lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành công mọi lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông cũng đã đặt nhiều tâm huyết vào việc Việt Nam tham gia Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO). Từ những bước chân tìm hiểu thực địa ở châu Phi năm 2013 của ông, ngày nay các chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam đã và đang là những sứ giả hòa bình của của Việt Nam, một quốc gia với danh tiếng luôn có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của thế giới.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đóng vai trò rất quan trọng thực hiện các dự án tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng và Biên Hòa nhằm hàn gắn vết thương quá khứ, góp phần mở ra nhiều cánh cửa hợp tác, để Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện như ngày hôm nay. Trong khi đó, Cuba đối với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là “Hai trái tim chung nhịp đập”.

Từ đối nội đến đối ngoại, từ biện pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài, công lao cống hiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đối với sự nghiệp an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước đã luôn xuyên suốt bằng bổn phận phụng sự Đất nước, Nhân dân. Như PGS.TS Bùi Chí Trung, một người gần gũi với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ: Thế hệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh, đã đổ bao xương máu vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những con người tiêu biểu của thế hệ kế tiếp, phụng sự suốt đời vì cơ đồ Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15/5/1957. Quê quán tại xã Quảng Thắng, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ghi nhận công lao đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí những phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng được trao tặng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất của Campuchia; Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) của Campuchia; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga; Huân chương Antonio Maceo của Nhà nước Cộng hòa Cuba; Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản.

Tháng 12/2021, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được nghỉ công tác sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ chức trách của một người quân nhân đã cống hiến hết mình cho quân đội, cho đất nước.

Xem thêm
Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bão mới Usagi chuẩn bị đi vào Biển Đông

Bão Toraji đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, bão mới Usagi sẽ đi vào Biển Đông vào ngày mai (16/11).

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.