| Hotline: 0983.970.780

Thuỷ điện phá đất canh tác: Giải quyết dứt điểm, không để đơn thư kéo dài

Thứ Sáu 11/03/2022 , 07:40 (GMT+7)

Lào Cai Chính quyền địa phương ra "tối hậu thư" yêu cầu thuỷ điện Bắc Cuông giải quyết dứt điểm việc đền bù hoa màu, đất canh tác cho người dân trước ngày 15/3/2022.

Người dân bản Đao đi lại tạm bợ bằng cầu tre vì cầu bê tông kiên cố bị sập sau khi thuỷ điện Bắc Cuông dâng nước. Ảnh: H.Đ

Người dân bản Đao đi lại tạm bợ bằng cầu tre vì cầu bê tông kiên cố bị sập sau khi thuỷ điện Bắc Cuông dâng nước. Ảnh: H.Đ

Thuỷ điện đến, cuộc sống người dân xáo trộn

Việc thuỷ điện Bắc Cuông của Công ty Cổ phần năng lượng Phúc Thái dâng nước gây ngập hoa màu, đất canh tác gây ảnh hưởng cuộc sống hàng chục hộ dân ở bản Đao, xã Xuân Hoà (huyện Bảo Yên, Lào Cai). Thế nhưng, thay vì xử lý, giải quyết ngay vướng mắc với người dân thì thuỷ điện này lại chây ì, kéo dài khiến người dân bức xúc. Mặt khác, vì những tồn tại không được xử lý ngay, nên sau nhiều tháng, việc xác định thiệt hại giữa các bên chưa tìm được sự đồng thuận.

"Thuỷ điện mỗi khi dâng nước lên rồi lại rút xuống làm lở đất canh tác nhà tôi. Mới hôm qua, hôm kia mưa bé, mưa xuân thôi cũng ngập khiến nhà tôi không nuôi trồng được gì. Gia đình tôi chủ yếu canh tác để duy trì cuộc sống hằng ngày nhưng hầu như cây trồng đều chết dần, chết mòn không sống nổi", bà Lý Thị Uyên, người dân bản Đao cho biết.

Cũng theo người dân, thuỷ điện dâng nước lên thất thường, không phải lúc mưa lũ mới xảy ra ngập úng.

Còn ông Cổ Văn Tân sống ở bản Đao bức xúc, "từ khi thuỷ điện Bắc Cuông dâng nước, nhà tôi bị nứt do đất phía sau nhà tụt xuống. Khi phản ánh, xã và thuỷ điện xuống kiểm tra thì phía thuỷ điện cho rằng vết nứt không phải do thuỷ điện gây ra".

Rõ ràng, thuỷ điện mang đến những lợi ích chung nhất định nhưng cũng đã có những tác động đáng kể đến môi trường sống của người dân địa phương.

Ông Hoàng Ngọc Kiều, Trưởng thôn bản Đao (xã Xuân Hoà, huyện Bảo Yên) cho biết, năm 2016, người dân bản Đao góp tiền xây dựng cầu dân sinh bằng bê tông để đi qua suối. Có cầu sinh hoạt của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. Thế nhưng, năm 2019, sau khi thuỷ điện Bắc Cuông dâng nước ngập cầu, đến khi nước rút thì cầu đã sập từ lúc nào. Hiện nay, người dân bắc tạm cầu tre để đi lại. Việc này hết sức nguy hiểm đặc biệt với các cháu nhỏ.

Thế nhưng, việc cầu dân sinh của bản Đao bị sập, chính quyền xã lại cho rằng không hoàn toàn do thuỷ điện Bắc Cuông gây ra.

Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, "cầu do người dân xây thủ công nên về mặt kỹ thuật không đảm bảo. Chính vì vậy, sau khi thuỷ điện dâng nước, móng trụ cầu bị ngâm nước liên tục 2-3 ngày đã dẫn tới sụt lún và làm sập cầu. Về việc này, Uỷ ban nhân dân xã cũng đề nghị phía thuỷ điện hỗ trợ phần nào cho người dân sinh sống trên địa bàn khắc phục việc đi lại".

Cũng theo UBND xã Xuân Hoà, thuỷ điện Bắc Cuông trước đây là dự án thuộc về một công ty khác sau đó đã được bán lại cho Công ty Cổ phần năng lượng Phúc Thái xây dựng, đưa vào hoạt động.

Người dân bản Đao phản ánh việc dâng nước gây sụt lún đất, nứt nền nhà nhưng phía thuỷ điện Bắc Cuông không chấp nhận. Ảnh: H.Đ

Người dân bản Đao phản ánh việc dâng nước gây sụt lún đất, nứt nền nhà nhưng phía thuỷ điện Bắc Cuông không chấp nhận. Ảnh: H.Đ

Giải dứt điểm không để người dân bức xúc

Sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, chính quyền địa phương cùng sở, ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã làm việc với phía thuỷ điện Bắc Cuông để giải quyết dứt điểm việc đền bù hoa màu, đất canh tác của người dân do thuỷ điện này gây ra.

Liên quan nguyên nhân khiến thuỷ điện Bắc Cuông chây ì bồi thường, theo ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai), trước đây thuỷ điện Bắc Cuông tự thoả thuận, mua phần đất ven suối, phần đất bị ngập (nằm trong thiết kế) của người dân do đó ranh giới rõ ràng.

Mặt khác, do việc tự ý mua đất của người dân sau đó công ty thuỷ điện đề nghị tỉnh cấp bìa và triển khai dự án. Nên khi xây dựng thuỷ điện không thực hiện giải phóng mặt bằng vì vậy huyện cũng không lưu hồ sơ về vấn đề này.

"Sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện và Sở Công thương tỉnh đã làm việc với phía thuỷ điện và yêu cầu công ty thực hiện cắm lại toàn bộ mốc giới theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp. Từ đó, có căn cứ xác định phần đất của người dân chưa được đền bù, phần đất đã thực hiện đền bù. Sau đó, giải quyết dứt điểm trước 15/3/2022. Tại buổi làm việc, phía thuỷ điện đã đồng ý cùng người dân đo đạc thực tế, khôi phục cọc mốc", ông Hà nhấn mạnh.

Người dân bản Đao phản ánh cuộc sống của họ bị xáo trộn sau khi thuỷ điện Bắc Cuông đi vào hoạt động. Ảnh: H.Đ

Người dân bản Đao phản ánh cuộc sống của họ bị xáo trộn sau khi thuỷ điện Bắc Cuông đi vào hoạt động. Ảnh: H.Đ

Cũng theo ông Hà, khoản tiền 30 triệu đồng là do thuỷ điện Bắc Cuông chuyển cho xã Xuân Hoà để hỗ trợ, bồi thường sản lượng cho người dân canh tác trên diện tích 17.000m2 đất bị tác động bởi thuỷ điện. Tuy nhiên, thời gian qua tại xã Xuân Hoà, Covid-19 lây lan mạnh do đó xã chưa họp dân và triển khai thống nhất phương án hỗ trợ, bồi thường được. Trong trường hợp người dân chấp thuận thì giữa các bên sẽ lập biên bản rõ ràng để chấm dứt tình trạng đơn thư, phản ánh kéo dài.

Đồng thời, thống nhất với phía thuỷ điện, năm nào để xảy ra ngập úng ảnh hưởng việc canh tác thì phải hỗ trợ sản lượng cho người dân năm đó.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đã đưa vào kế hoạch xây dựng lại cầu dân sinh để phục vụ việc đi lại của người dân bản Đao.

Đối với thuỷ điện Phúc Long gây sạt lở nhà dân đặc biệt ở khu vực tổ 2A thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, Lào Cai), ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, phía thuỷ điện đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để tính toán ảnh hưởng chính xác đối với từng hộ để đền bù, hỗ trợ theo đơn giá quy định của nhà nước.

  • Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.