| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện phải xả nước phục vụ SX vụ HT

Chủ Nhật 27/04/2014 , 09:37 (GMT+7)

Từ ngày 10/5 đến 31/5 các nhà máy thủy điện xả nước phục vụ SX vụ HT. Theo đó, thủy điện A Vương xả 39 m3/s; Đăk Mi 4 là 50 m3/s và Sông Tranh 2 là 110 m3/s.

* Gần 30.000 ha thiếu nước

Cuối tuần qua, tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 và A Vương cùng các ban ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đã có cuộc họp bàn thống nhất lịch xả nước hồ chứa thủy điện phục vụ SX vụ HT lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

TRÔNG CẬY VÀO THỦY ĐIỆN

Tại hội thảo, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Trung trung bộ cho biết: Từ giữa tháng 11/2013 đến hết 3/2014, trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng lượng mưa rất thấp, bốc hơi rất lớn, do đó nguồn nước bổ sung cho hồ đập thiếu nghiêm trọng.

Cũng trong thời gian qua, lưu lượng nước thượng nguồn các con sông chảy về hạ du rất thấp, như tại Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam dưới 5 m3/s. Dự báo giữa tháng 5 đến tháng 6/2014 lượng mưa không đáng kể; từ tháng 7 - 9/2014 nắng nóng kéo dài nên Quảng Nam, Đà Nẵng thiếu nước nghiêm trọng. Nguồn nước sẽ được bổ sung từ tháng 9 trở đi.

Trước tình hình hạn hán gay gắt, một số trạm bơm tại Đà Nẵng bị xâm nhập mặn, như trạm bơm An Trạch nồng độ mặn lên đến 3,5 phần nghìn. Còn tại trạm bơm Cầu Đỏ (cung cấp nước sinh hoạt) trong 1 tháng trở lại nguồn nước sụt giảm, như năm trước đạt 1,8 m thì năm nay còn 1,6 m nên rất khó khăn trong việc cấp nước. Ngoài ra, các hồ đập nhỏ trên địa bàn Đà Nẵng đã cạn kiệt, trong vụ ĐX phải bơm từ sông hồ lên phục vụ SXNN, vụ HT sắp tới nếu thủy điện không xả nước thì nguy cơ thiếu nước xảy ra trên diện rộng.

Ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng cho biết: Trong vụ HT Đà Nẵng SX khoảng 4.000 ha, trong đó, lúa 2.523 ha còn lại hoa màu khác. Để đủ nguồn nước thì Đà Nẵng cần 200.000 m3/ngày đêm, do đó, thủy điện Đăk Mi 4 phải xả nước để cung cấp SX, sinh hoạt.

Ông Trần Đình Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết: Với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, Đà Nẵng đã làm hết cách để tiết kiệm nguồn nước, kể cả tranh thủ các nguồn hồ đập, nhưng các hồ đập nhỏ của Đà Nẵng đã cạn. Vì vậy để bảo đảm sự sống ở hạ du không còn cách nào khác là các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt thủy điện trên thượng nguồn phải chung tay cùng tìm cách tháo gỡ bằng mọi cách. Chính xác là thủy điện phải điều tiết xả nước, nếu mực nước dưới cửa tràn cũng phải mở cống xả đáy cho xả nước cứu vùng hạ du.

Còn tại Quảng Nam trước tình trạng hạn hán, thủy điện tích nước nên hạ lưu các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt và Bàn Thạch bị mặn xâm nhập với nồng độ lớn. Ngoài ra, các hồ đập trên địa bàn mực nước không còn nhiều, có hồ đã ở mực nước chết. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành đắp đập trên sông Vĩnh Điện và Bàn Thạch để ngăn mặn giữ ngọt. Trong vụ HT nếu lũ tiểu mãn không xuất hiện thì SXNN và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho hay: Trong vụ HT tỉnh gieo trồng 15.000 ha lúa và 10.000 ha màu, trong đó đáng ngại nhất là 3.000 ha lúa ở dọc sông Thu Bồn. Tổng số diện tích này trông cậy cả vào thủy điện, nhờ thủy điện lo dùm. Do đó, rất cần sự phối hợp, quan tâm của chủ hồ thì mới cứu được. Nếu không có lũ tiểu mãn mà thủy điện không xả nước thì “kiến bò qua sông”.

“Đề nghị thủy điện nên làm nông nghiệp, nên quan tâm đến lịch trình của nông nghiệp. Chúng tôi xin gửi gắm 30.000 lúa và hoa màu của nông dân Quảng Nam và Đà Nẵng vào các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, nước uống cho người dân kể cả nước uống cho trâu, bò ở phía cánh Bắc Quảng Nam cũng hưởng xái vào nguồn nước của Đà Nẵng từ thủy điện xả xuống”, ông Quang nói.


Thủy điện mùa mưa gây ngập lụt, mùa nắng gây thiếu nước

THỦY ĐIỆN PHẢI XẢ NƯỚC

Tại buổi làm việc có nhiều ý kiến cho rằng hiện việc thủy điện cam kết xả nước phục vụ SXNN, sinh hoạt nhưng chưa có ai giám sát. Mọi công tác chỉ nói qua điện thoại, văn bản nên lượng nước thủy điện xả về hạ du không biết như thế nào, do đó cần phải có người giám sát.

Ông Trần Đình Quỳnh cho biết: Theo kế hoạch, vụ HT TP Đà Nẵng sẽ gieo cấy từ ngày 15/5, do đó từ ngày 10 - 31/5 thủy điện Đắk Mi 4 phải có kế hoạch xả nước. Thủy điện xả làm sao mà mực nước tại Trạm bơm Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc phải đạt cao trình trên là 2,8 m thì lúc đó đảm bảo cho một phần của Quảng Nam và TP Đà Nẵng. “Trong trường hợp không được cao trình này thì chúng tôi sẽ đề nghị các nhà máy quan tâm để bảo đảm sự sống cho hạ du. Năm trước mình làm được thì năm nay phải được”, ông Quỳnh nói.

Tương tự như Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đề nghị thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương xả nước từ ngày 15/5 đến 31/5, riêng Đăk Mi 4 sẽ xả cùng lúc với Đà Nẵng để đáp ứng được lưu lượng nước cho hạ du. “Các nhà máy thuỷ điện cần thực hiện đúng theo quy chế phối hợp phòng chống hạn của tỉnh Quảng Nam đã ban hành để đảm bảo nước phục vụ SX, sinh hoạt cho đến ngày 31/8/2014. Thủy điện phải xả cho hài hòa, thủy điện cân đối làm sao lấy được tiền, Quảng Nam có nước SXNN, sinh hoạt. Đề nghị là quản lý chặt chẽ, cố gắng vừa xả vừa giữ”, ông Nguyễn Thanh Quang đề nghị.

Khi được hỏi về việc xả nước phát điện, ông Ngô Xuân Khế, Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy điện A Vương cho rằng: Từ khi Thủy điện A Vương đưa vào vận hành phát điện đến nay là 6 năm mà không thực hiện được mức quy định đề ra. Chúng tôi chỉ biết “liệu cơm gắp mắn” để tránh thiệt hại cho nông dân.

“A Vương sẽ xả nước phát điện đúng lịch đưa ra nhưng Thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 phải xả chứ 2 thủy điện này không xả thì cũng không thể có nước cho hạ du. Ngoài ra cũng không nên ràng buộc A Vương về lưu lượng về xả, nếu xả hết thì lấy nước đâu ra phát điện”, ông Khế cho hay.

Sau khi nghe nhiều ý kiến giữa các bên, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi kết luận: Từ ngày 10/5 đến 31/5 các nhà máy thủy điện xả nước phục vụ SX vụ HT. Theo đó, thủy điện A Vương xả 39 m3/s; Đăk Mi 4 là 50 m3/s và Sông Tranh 2 là 110 m3/s. Tuy nhiên cũng theo điều kiện thực tế từng địa phương mà các nhà máy thủy điện có kế hoạch xả làm sao đảm bảo nguồn nước.

“Trong thời gian này, các địa phương cũng như các ngành chức năng cần linh hoạt điều phối xả nước cho phù hợp giữa lợi ích của thủy điện và lợi ích của địa phương. Nếu như địa phương có yêu cầu thì thủy điện cần phải xả để đảm bảo SXNN, sinh hoạt. Trong trường hợp EVN không thực hiện, chúng tôi có văn bản gửi Chính phủ đề nghị xem xét xử lý”, ông Hùng nhấn mạnh.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Một xã thu 135 tỷ đồng mỗi năm từ cây ổi

HẢI DƯƠNG Cây ổi chiếm 95% diện tích canh tác của xã Liên Mạc. Cây ổi dễ áp dụng VietGAP, nhanh cho khai thác kinh doanh, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với trồng vải.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).