Khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi
Những năm gần đây, xã Sơn Bình của huyện Tam Đường (Lai Châu) hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng cây ăn quả ôn đới trên 19ha; cây chanh leo 36,5ha thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Cùng với đó, thể tích nuôi cá nước lạnh lên tới 17.600m3, sản lượng 155 tấn. Có được thành quả này, có sự góp sức không nhỏ của của ngành thủy lợi.
Xã Sơn Bình hiện có 10 công trình thủy lợi với 31km kênh mương trong đó đã cứng hóa được 19,2km còn lại là kênh đất 11,8km. Các công trình thủy lợi này phục vụ tưới tiêu tổng diện tích lúa mùa 329ha, thủy sản 7,3ha, cây màu các loại 418ha.
“Để đảm bảo công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của cấp trên về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình, nhất là trước, trong và sau mưa lũ, lập kế hoạch đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền duy tu, sửa chữa kịp thời các công trình bị hư hỏng, xuống cấp”, ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết.
Xã cũng kiện toàn tổ thủy nông cơ sở với 6 thành viên. Các thành viên này luân phiên kiểm tra, khơi thông kênh mương, phát quang, dọn dẹp rác thải đảm bảo dẫn nước tới ruộng để người dân sản xuất. Với công trình thủy lợi bị hư hỏng không lớn, tổ thủy nông huy động thêm bà con dân bản chủ động khắc phục, sớm đưa hệ thống thủy lợi vào phục vụ sản xuất.
Ông Chảo A Sử, Tổ trưởng Tổ quản lý vận hành đường nước thủy lợi xã Sơn Bình cho biết, hằng ngày chúng tôi phân công công việc cho các thành viên kiểm tra hệ thống thủy lợi, đường nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Đặc biệt trong mùa mưa bão hoặc vào mùa vụ gieo cấy, luôn phải chuẩn bị nhiều phương án cho các tình huống sự cố có thể xảy ra. Cùng với việc duy tu, bảo dưỡng các công trình, các thành viên trong tổ còn điều tiết để các thôn đều được sử dụng nước hợp lý, đảm bảo.
Ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp
Trên địa bàn xã Sơn Bình hiện có 3 nhà máy thủy điện hoạt động. Chính vì vậy, việc điều tiết nguồn nước phải hợp lý theo từng mùa vụ, nhất là thời điểm khô hạn kéo dài, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước cùng với các công trình thủy lợi.
Ông Phạm Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 702, đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện Nậm Thi cho biết, hiện nay vận hành nhà máy chủ yếu là người lao động thường trú tại địa phương, được đào tạo bài bản, đảm bảo vận hành công trình. Hoạt động của nhà máy thủy điện đáp ứng quy định của nhà nước, quy trình về vận hành hồ chứa, dòng chảy tối thiểu đã được phê duyệt. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu xả nước theo thời gian phát điện dài nhất cho bà con lấy nước, đảm bảo mục tiêu sản xuất nông nghiệp.
“Có thời điểm công ty đã xả hồ tích nước như thời điểm tháng 4 năm ngoái, thậm chí dừng một bên hồ 15 đến 20 ngày, dừng phát điện để ưu tiên bà con lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho bà con ở dưới hạ lưu”, ông Phạm Văn Toàn nhấn mạnh.
Theo dự báo, chuỗi chu kỳ El Nino sẽ diễn ra 2 năm liên tiếp, tuy nhiên mức độ hạn hán năm nay được các nhà máy thủy điện đánh giá có phần nhẹ hơn so với năm ngoái. Vì vậy, ngoài duy trì phát điện hàng ngày và đảm bảo dòng chảy tối thiểu, công ty còn phối hợp với các nhà máy trên cùng một dòng suối để bà con nhân dân lấy nước.
Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, trên địa bàn xã có 3 nhà máy thủy điện gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Thi 1, Nhà máy thủy điện của Hợp tác xã Ngũ Chỉ Sơn và Nhà máy thủy điện Chu Va 2. Cả 3 nhà máy thủy điện này nằm trên suối Nậm Dê.
Trong mùa khô, UBND xã Sơn Bình phối hợp các nhà máy thủy điện xả nước cho bà con canh tác. Đến thời điểm này, nước phục vụ sinh hoạt và nước phục vụ tưới tiêu sản xuất được các nhà máy thủy điện đáp ứng hài hòa lợi ích thủy điện và lợi ích kinh tế của bà con nhân dân trên địa bàn xã.