| Hotline: 0983.970.780

Thuyền theo lái gái theo chồng, mẹ chồng già trước, ưu tiên trước!

Thứ Tư 30/01/2019 , 06:50 (GMT+7)

Năm ngoái vợ chồng cháu được mẹ cho phép ra với bố cháu. Năm nay bà ra thông điệp sớm, mẹ già hơn, mẹ cũng góa, con trai con dâu, cháu nội phải ở bên bà, không xê dịch...

Cô kính mến!

Cháu vào Nam theo chồng, nhưng chồng cũng người Bắc nên cuộc sống vợ chồng không có gì khác biệt phải cầu viện cô. Có điều, bố cháu sống một mình cô ạ, vì bố mẹ cháu bỏ nhau khi chị em cháu còn bé và mẹ cháu cũng đã qua đời, người vợ lần hai của bố sau thời gian dài chung sống, cũng đã về với hai đứa con của bà ấy cô ạ.

Em gái cháu mua đất xây nhà cho bố có bàn thờ ông bà nội và nó cũng ở cạnh bố cháu. Nó mạnh cô ạ, nó giỏi hơn cháu nhiều. Nhưng đường hôn nhân của nó không êm ái như cháu. Năm nay bố cháu bảy mươi lăm tuổi, ông bắt đầu có bệnh nọ kia phải đi viện hai lần trong năm nay đấy cô.

Nhưng mẹ chồng cháu năm nay cũng tám mươi. Năm ngoái vợ chồng cháu được mẹ cho phép ra với bố cháu. Năm nay bà ra thông điệp sớm, mẹ già hơn, mẹ cũng góa, con trai con dâu, cháu nội phải ở bên bà, không xê dịch. Bà bảo từ rày về sau cứ thế, tết tây ở Bắc, tết ta phải ở bên bà, bàn thờ, nhà nội, không được cãi.

Sao có chuyện khăng khăng như thế, đúng không cô? Tùy cơ ứng biến, đúng không cô? Bố cháu buồn lắm, sao bà thông gia ra cái điều vậy cô nhỉ. Em gái cháu khóc tu tu trên điện thoại, nói sau giao thừa chị ra đi, chị đi mỗi mình chị đi, bố mong lắm. Sao xẻ đôi gia đình ra được hở cô?

Cháu suy nghĩ nhiều. Tết năm ngoái cho nội, Tết nay cho ngoại, nhưng cháu không thể thuyết phục khi mẹ chồng ra tối hậu thư như thế. Chắc bà có con trai, bà hiểu tình mẫu tử, thì bà cũng nên biết cho cháu, tình phụ tử cũng đâu có kém gì. Máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đó mà cô. Sao bà nỡ làm thế với con dâu chớ.

Cháu xin cô một lời khuyên!

---------------------

Cháu thân mến!

Tết là đoàn tụ, sum vầy. Luôn luôn như vậy. Nên mới có cảnh cháy vé ra Bắc, sân bay Tân Sơn Nhất nghẹt thở, trong khi đó người vào Nam quá lưa thưa, bởi ai cũng về nguồn. Người Bắc ở Nam đã quá đông lên, thực tế ấy cho thấy gì?

Ngoài việc Nam tiến là quy luật, đất lành, đất rộng, khí hậu tuyệt vời, còn do tâm lý. Nhà nào, gia tộc nào cũng có người Bắc vào đây. Một làn sóng rủ nhau đi, an cư lạc nghiệp rất nhanh, làm ăn nhiều cơ hội, khấm khá cả.

Điều đó nói rằng, không vì người về Tết ngoài ấy đông mà người ta suy xét, thôi, mình đừng đi nữa. Không, tâm lý về nguồn, tâm lý đám đông, tâm lý Tết nhất nó kéo người ta đi, nó cuốn người ta vào mà càng đông càng kích thích, đông mà mình vẫn có suất mới vui. Như ngày hội, như bóng đá, vui, quá đông vui, thế là phải có mặt mới xong.

Nhưng cháu ạ, bố mẹ nào cũng quan trọng. Bố của cháu, đã có em cháu và cháu ngoại ông ấy lo. Lo chu đáo bằng cách ở gần, sống bên cạnh luôn, vậy là tuổi già của ông quá may mắn. Mẹ chồng cháu nhiều tuổi hơn, bà muốn con trai và cháu nội không xa nữa trong ngày Tết không phải bà ghê gớm hay ích kỷ.

Có một quy luật tuổi tác là sau bảy mươi, sau tám mươi, hai quãng sau ấy rất khác nhau. Sau bảy mươi, chưa hề gì, con người chưa thấy hề hấn mấy, đàn ông cũng như đàn bà. Nhưng sau tám mươi, ai cũng coi đó là khúc quanh quan trọng, rất khác đó cháu.

Mẹ chồng cháu cảm thấy sợ khi năm ngoái con trai con dâu và cháu nội không Tết cạnh bên, tuổi 79 cũng là cái mốc để sợ. Bà sợ cô đơn, bà sợ không có ai khi ấy, bà ức sự vô lý của tuổi già và bà đánh tiếng trước như vậy cho những năm sau.

Có điều, bố cháu cũng cần cháu. Vậy cũng nên đối thoại với mẹ chồng và cả với chồng, giao thừa có nhau nhé, giữ nguyên. Nhưng cháu có thể ra với bố ngày mồng 1 hoặc mồng 2 chứ. Có câu mồng một tết nội, mồng hai tết ngoại, mồng 3 tết thầy. Giao thừa vợ chồng phải ở bên nhau, nhà của mình, tự xông đất cho mình. Và mồng một có thể tùy nghi, hoàn cảnh nào nên xuôi theo đó.

Sao cho cha mẹ hai bên hài lòng, thấy mình không nặng không nhẹ ai cả. Nhưng cũng nên nhớ, thuyền theo lái gái theo chồng, mẹ chồng già trước, ưu tiên trước, cháu nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm