Tác động sức khỏe của động vật đồng hành cần được quan tâm
Ngày 25/1, Đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người phối hợp với Cơ quan Phúc lợi xã hội Four Paws đồng chủ trì và khởi động nhóm công tác Động vật đồng hành.
Nhóm động vật đồng hành được kỳ vọng và đánh giá là một nhóm kỹ thuật có nội dung thời sự, thu hút được nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, từ văn phòng quốc hội tới các Bộ ban ngành, bởi tính thời sự, nhân văn đối với các con vật này, cụ thể: số lượng động vật đồng hành tại Việt Nam, đặc biệt là chó và mèo, có xu hướng gia tăng đều đặn.
Chúng trở thành những người bạn thân thiết và thành viên trong gia đình. Các bệnh viện/phòng khám, khách sạn sang trọng và dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao dành cho chó và mèo cũng đã trở nên ngày càng phổ biến.
Mặc dù động vật đồng hành có nhiều ý nghĩa tích cực đối với con người nhưng cũng có một số tác động đến sức khỏe cần được quan tâm và cần phải cùng nhau giải quyết, đặc biệt là bệnh dại gây chết người vẫn tiếp tục chưa được kiểm soát triệt để.
Báo cáo tham luận của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tại Hội nghị nêu một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, phòng và chống bệnh dại tại Việt Nam. Theo đó, trên tổng đàn chó, mèo đạt hơn 7,4 triệu con, tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng chỉ đạt khoảng 47% và chỉ có 12 (19%) tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 70% tổng đàn.
Trong khi đó, chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vacxin dại, công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lòng lẻo; hầu hết địa phương chưa có đội chuyên trách bắt chó thả rông.
Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội.
Địa phương còn hạn chế trong việc xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vacxin dại cho chó theo đúng quy định. Phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế ở một số địa phương còn rất hạn chế.
Đại diện Cục Thú y thông tin thêm, năm 2023, cả nước đã xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật tại 202 xã thuộc 106 huyện của 31 tỉnh, thành phố.
Giám sát chủ động tại 7 tỉnh với 1.146 trường hợp điều tra, phát hiện 55% dương tính bệnh dại khi lấy mẫu của 113 con chó nghi mắc bệnh dại.
Để thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ NN-PTNT về phòng, chống bệnh dại, ông Khanh đề xuất, bên cạnh công tác thắt chặt quản lý đàn chó, mèo, tiêm vacxin phòng dại, cần tăng cường năng lực xét nghiệm, giám sát bệnh dại trên động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại…
Đối với địa phương, cần yêu cầu tiêm phòng vacxin dại cho chó mèo định kỳ hàng năm, quản lý đàn chó mèo nuôi, tăng cường điều trị dự phòng bệnh dại trên người và xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành.
Khung Đối tác Một sức khỏe đồng hành cùng động vật
Ngày 9/5/2023, Four Paws International trở thành thành viên chính thức của Khung Đối tác Một sức khỏe Việt Nam (One Health Partnership - OHP) về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Theo đó, Nhóm công tác kỹ thuật trong Khung đối tác về Sức khỏe và Phúc lợi động vật đồng hành cũng đã được thành lập. FOUR PAWS đã và đang làm việc chặt chẽ với Ban thư ký Khung đối tác Một sức khỏe (MSK) xây dựng Điều khoản tham chiếu của Nhóm công tác kỹ thuật nhằm cải thiện phúc lợi và sức khỏe của động vật đồng hành liên quan đến việc giải quyết các rủi ro trong Khung đối tác MSK.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết đây sẽ là diễn đàn cho các bên liên quan đến phúc lợi và sức khỏe động vật đồng hành, bao gồm các thành phần kinh tế khác nhau.
Diễn đàn cũng là nơi thảo luận về bệnh dại và các biện pháp có thể thực hiện nhằm tăng cường nỗ lực của Việt Nam và các đối tác trong việc loại trừ bệnh dại, bao gồm các vấn đề liên quan đến buôn bán thịt chó và mèo; thảo luận về chính sách và pháp luật hiện hành liên quan đến động vật đồng hành, (phúc lợi động vật) tại Việt Nam.
Thúc đẩy chung các vấn đề chính sách cụ thể để Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan hành động; thảo luận và thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro về sức khỏe thể chất và tinh thần do tương tác với động vật đồng hành.
Ông Đăng cho hay, cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó có vấn đề sở hữu thú cưng có trách nhiệm; quản lý động vật đồng hành thả rông. Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề kiểm soát bệnh dại trong quản lý nhân đạo động vật đồng hành thả rông. Nạn trộm cắp chó và mèo là vấn đề gắn liền với hoạt động buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam đã gây ra nhiều bức xúc, bất bình trong người dân.
“Mục tiêu kiểm soát bệnh dại của Việt Nam vào năm 2030 phụ thuộc rất nhiều vào việc quản lý nhân đạo đàn chó mèo, chiến lược tiêm phòng cho chó và mèo, cũng như một số yếu tố khác, bao gồm giáo dục cộng đồng và khả năng tiếp cận vắc xin. Về các quy định liên quan đến đối xử nhân đạo đối với động vật đồng hành, hiện tại, Việt Nam không có quy định cụ thể nào đối với chó và mèo", ông Đăng cho biết.
Ông Vũ Thanh Liêm, Vụ Phó Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban Thư ký đối tác MSK nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhìn lên và nhìn sang các bạn láng giềng, như Hàn Quốc, Campuchia đều đã có những quy định triệt để trong việc bắt nhốt, giết mổ trái phép chó mèo, thì không có cớ gì Việt Nam không làm được và học hỏi theo những tiến bộ quốc tề về phúc lợi động vật nói chung và động vật đồng hành nói riêng”.
Tại Việt Nam đã có nhiều quyết định tại Luật Chăn nuôi; Luật Thú y… liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, việc tuân thủ vướng vào rất nhiều khó khăn vì nhận thức, đầu tư cơ hạ tầng, chuồng trại, điều kiện giết mổ, điều kiện y tế vv… Ở chiều ngược lại, cũng có rất nhiều thuận lợi về điều kiện hội nhập, sự tự nguyện áp dụng quy trình quốc tế để hội nhập và đáp ứng yêu cầu của quốc tế của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã về thú y, chăn nuôi…
Về phía cơ quan đồng chủ trì FPI, Trưởng chiến dịch động vật đồng hành khu vực Đông Nam Á, bác sỹ Karan Kukreja đánh giá cao Khung khổ Đối tác MSK giai đoạn 2021 đến 2025.
Khung đối tác MSK có vai trò điều phối và hỗ trợ Việt Nam trong vai trò đi đầu trong việc giải quyết các rủi ro MSK, cả các căn bệnh hiện tại cũng như sự lan tỏa của các mầm bệnh mới nổi trong tương lai.
Đồng thời khẳng định cam kết đồng chủ trì cho các cuộc họp lần 2, và đóng góp vào triển khai mục tiêu và nhiệm vụ của Đối Tác MSK thông qua các cơ chế hợp tác cấp cao và cấp kỹ thuật.