Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, tỉnh có vùng sản xuất dừa nguyên liệu 22.467ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 19.398ha, sản lượng đạt ước 246.063 tấn/năm.
Trái dừa của Tiền Giang được tiêu thụ dưới 2 dạng là dừa tươi và dừa khô. Dừa tươi uống nước nguyên trái được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, chủ yếu là thị trường TP.HCM và miền Đông Nam bộ. Dừa khô được cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến sâu trong và ngoài tỉnh, chủ yếu cho các doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre.
Trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 141 cơ sở và 3 doanh nghiệp chuyên thu mua, sơ chế và chế biến các sản phẩm về dừa. Các cơ sở tập trung nhiều tại huyện Châu Thành (41 cơ sở), Chợ Gạo (45 cơ sở) và huyện Tân Phú Đông (25 cơ sở). Huyện Chợ Gạo có diện tích dừa lớn nhất cả tỉnh nên trên địa bàn huyện có gần 80 tổ hợp tác sản xuất, thu mua dừa trên diện tích hơn 2.000ha.
Đặc biệt, ngành NN-PTNT Tiền Giang đã chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra trực tuyến đối với 3 vùng và 2 cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua. Ngành NN-PTNT tỉnh đã giao đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu và phân công cán bộ hỗ trợ tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tiền Giang đã tổ chức tập huấn cho các vùng trồng, doanh nghiệp, nhà vườn, cơ sở đóng gói… để hỗ trợ thực hiện theo các yêu cầu của nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.
Theo đó, toàn tỉnh có 47 mã số vùng trồng dừa tươi với diện tích gần 3.500ha. Các doanh nghiệp xuất khẩu dừa ở Tiền Giang đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc tận vườn trồng theo Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Vùng trồng được cấp mã số là vùng ghép (từ 20 - 30ha) để bảo đảm một hộ vi phạm không ảnh hưởng đến cả mã số vùng trồng.
Ba vùng trồng ở Tiền Giang được Tổng cục Hải quan Trung Quốc lựa chọn kiểm tra là dừa Chợ Gạo (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo), Trinity Vn – Coconut (xã Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành) và Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Farm (Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo). Hai cơ sở đóng gói được chọn là Thiên Hà (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), Global Food (xã Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo).
Kết quả bước đầu, các vùng trồng và cơ sở đóng gói được kiểm tra không mắc các sai sót, sẽ thiện các góp ý được đoàn kiểm tra nêu ra. Hiện các đơn vị rất phấn khởi, sẵn sàng cho việc thực hiện xuất khẩu dừa tươi chính ngạch sang Trung Quốc.
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến quy định xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc cho hơn 15 tỉnh, thành trồng dừa.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lô hàng khi xuất khẩu. Nếu các lô hàng vi phạm phải tạm dừng để không ảnh hưởng đến các cơ sở khác.
Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu dừa tươi cần thực hiện đúng quy định trong nghị định thư và phải thu mua từ các vùng trồng được cấp mã số để xuất khẩu.
Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị từng nhà vườn, hộ kinh doanh phải có trách nhiệm chung tay thực hiện tốt những quy định vì có chung mã số vùng trồng.
Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, cần phải làm tốt hơn để đưa ngành dừa bứt phá, giúp người trồng dừa nâng cao thu nhập, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu.
Để ngành hàng dừa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, các cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan sớm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kinh tế dừa ĐBSCL để phục vụ công việc trồng, sản xuất, xuất khẩu bài bản, hiệu quả hơn.