| Hotline: 0983.970.780

Tiếng gọi tình yêu cao nguyên

Chủ Nhật 17/09/2017 , 09:30 (GMT+7)

Họ từng có một mối tình đẹp như mơ. Cô và anh ta cùng học xây dựng. Bốn năm sinh viên là thời gian cả hai vẽ những bức tranh tuyệt đẹp về tương lai, trong đó hai người cùng đi du lịch trong tuần trăng mật, cùng đọc một quyển sách trước khi đi ngủ, cùng vào bếp làm món ăn, cùng nghe một bản nhạc ưa thích…

08-13-03_trng_10-2
Ảnh minh họa

Nhưng tất cả những điều đó đều tan biến khi họ ra trường. Sau 2 năm chạy khắp nơi xin việc, anh ta đã lặng lẽ rời bỏ cô và đứa con cô đang mang để làm rể một nhà thầu xây dựng, chấp nhận lấy cô vợ già đui và xấu xí. Đổi lại, anh ta có được một vị trí trong công ty và một căn hộ chung cư ở thành phố.

Để có thể sống, nuôi con mà không ăn bám gia đình và chấm dứt nỗi đau thất tình, khi con gái 2 tuổi, cô gửi con cho mẹ, quyết định nhận công việc tại một công trường thủy điện trên cao nguyên. Đã là mùa thu nhưng mặt trời vẫn như đổ lửa khiến công trường ngùn ngụt nắng. Trong khi mọi người tỏ ra bình thản thì cô cứ há hốc mồm ra thở. Người cô lúc nào cũng khô rốc như sắp bốc cháy. Cổ họng thì luôn rào rạo như có cát.

Đôi khi, trưởng phòng kỹ thuật Bình chạy từ trên tầng đang xây dang dở, xuống quán giải khát dưới đất, mua cho cô bịch nước chanh đá hay ly sữa đậu nành… rồi hộc tốc chạy lên, rạng rỡ nhìn cô hút từng hơi, ừng ực, ngon lành. Cái nhìn như có ma lực của anh khiến cô bối rối. Cô hỏi: “Sao anh nhìn em dữ vậy? Trông em lạ lắm sao?”. Bình cười: “Lạ lắm! Trong mắt em không chỉ đầy nắng cao nguyên mà còn có cả nước hồ, long lanh ướt”. Nghe vậy, cô chợt thấy tim mình rạo rực.

Cô hay được khen là đẹp. Nhưng không ai khen cô kiểu như Bình. Cô nghe công nhân bàn tán, Bình là con cưng của giám đốc công ty. Nhiều lần Bình được đích thân ông ấy gọi về làm phó nhưng anh luôn từ chối. Được anh chàng cao to đẹp trai như Bình để ý, cô không khỏi có chút kiêu hãnh. Nhưng cô biết, làm sao một phụ nữ đã có con như cô có thể với tới một người như Bình?

Dù suốt nhiều ngày sau đó, cô phải ở trên công trường theo dõi thi công mà vẫn chưa thể quen với nắng cao nguyên. Nắng chói chang màu mật, ong ong hun khô mọi thứ. Và bụi. Bụi mù mịt cuốn lên cùng với những cơn gió bỏng rát. Cô nhìn khuôn mặt Bình lấp ló dưới vành mũ bảo hộ màu vàng, thầm nghĩ, sao mà anh bình thản thế? Anh như được hun đúc để quen với nắng gió. Bờ vai của anh sao mà vững chãi? Thật hạnh phúc cho ai đó được nương tựa. Bình chợt quay sang cô: “Mặt em đỏ đừ thế kia! Mệt lắm phải không? Em vào chỗ mát kia nghỉ đi! Để anh mua cho chai nước ngọt!”.

Cô phảy tay, lắc đầu: “Không sao đâu! Em chịu được mà!”. Nhưng hình như Bình không nghe thấy. Anh lao xuống cái cầu thang đang xây dở để rồi khi lên đến nơi, vừa hổn hển trao cho cô bịch nước cam vàng óng, vừa nhìn cô bằng ánh mắt hết sức dịu dàng: “Em khát lắm! Đúng không?”. Cô gật đầu nhưng không nhìn anh. Cô sợ ánh mắt anh. Ánh mắt ấy cũng nóng bỏng như mặt trời cao nguyên. Ánh mắt có thể thiêu đốt cô thành tro bụi…

Một buổi chiều, sau khi tắm rửa, Bình rủ cô đi chơi. Phía trên công trường, dọc bờ sông chừng nửa cây số có khu rừng thông tuyệt đẹp. Không gian vắng vẻ. Chỉ có cô và Bình, đi sát bên nhau. Anh kể cho cô nghe về những ngày tháng cũ, khi chỗ này chưa là công trường mà chỉ có nắng, cây dại và cỏ tranh bạt ngàn… Tuy mắt cô đang nhìn thẳng vào mặt Bình. Nhưng cô chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Dường như cô quên hết thực tại. Quên cả đứa con gái nhỏ của mình. Ngày cô đi, nó áp cái má mịn như nhung vào má cô, bập bẹ: “Mẹ đi nhanh về nhé!”. Nó tưởng cô gửi nó cho bà ngọai để đi chợ như mọi ngày. Thấy cô chợt yên lặng, Bình rụt rè nắm tay cô, mỉm một nụ cười hồn hậu: “Công việc vất vả lắm phải không em? Từ từ rồi sẽ quen thôi!”.

Cô khẽ khàng rút tay về, chậm rãi lùi lại sau Bình. Bình sẽ thế nào khi biết sự thật về cô? Bình quay phắt lại, nhìn sâu vào mắt cô, dịu dàng: “Phải rời thành phố, về cái nơi khỉ ho cò gáy này để làm việc với bọn anh, với em là rất khó khăn và thật sự vất vả. Vì vậy, anh rất thương em nên cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ…”. Ngập ngừng vài giây, Bình tiếp tục: “Anh đã biết tất mọi chuyện nên em đừng ngại. Nếu em không từ chối, hãy cho anh làm ba bé Na!”.

Cô đứng sững, ngơ ngác. Bình nói gì? Làm ba bé Na? Bình nói thật hay chỉ là đùa giỡn? Cô vội vã quay đầu chạy thẳng về phía lán trại. Bình đuổi theo, quàng tay ôm chặt cô vào vồng ngực to rộng của anh: “Hãy tin anh! Anh sẽ đem hạnh phúc cho mẹ con em!”.

…Thời gian trôi qua, tổ ấm của cô và Bình đã có thêm một thành viên mới là cu Tin. Giờ đây, không chỉ cô mà cả cu Tin và bé Na đều đã quen với ánh nắng chói chang của cao nguyên…

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm