| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Tiếp 'thượng khách 4 chân' trên độ cao nghìn mét

Thứ Sáu 18/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Không cần phải gọi món hay đặt bàn từ trước, những cá thể tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo đều đặn được phục vụ hàng ngày.

Nhân viên trung tâm đang chăm sóc gấu tại khu bán hoang dã. Ảnh: AAF.

Nhân viên trung tâm đang chăm sóc gấu tại khu bán hoang dã. Ảnh: AAF.

Ngôi nhà ấm áp

Bài liên quan

Tiết trời đã chớm thu nhưng cái nắng tại Vườn quốc gia Tam Đảo vẫn chưa dịu lại. Trong bầu không khí có khi đặc quanh, lắm lúc lên tới hơn 36 độ C, một vài cái đầu đen ló ra. Chúng lơ đễnh nhìn về phía mảng cỏ xanh mướt, nơi các công nhân viên của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đang mải mê làm việc. Người lúi húi giấu đồ ăn xuống đất, người lại trèo lên thang và đặt từng miếng nhỏ trái cây vào góc khuất trên thân cây.

Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của du khách, chị Đỗ Thu Hằng, phụ trách giáo dục tại trung tâm giải thích, rằng mọi người đang cố gắng khôi phục lại các giác quan cho gấu. Đa số gấu trước khi về trung tâm đều trong tình trạng giam cầm lâu ngày. Chúng bị “thui chột” những bản năng tự nhiên như đánh hơi, tìm mồi và cần được huấn luyện lại.

Để quá trình huấn luyện hiệu quả hơn, thực đơn của gấu sẽ được thay đổi từng ngày và không lặp lại trong tuần. Ngoài các món ăn thông thường như rau củ quả, mật ong, cán bộ trung tâm còn chuẩn bị thêm cả sữa chua, thạch, mứt và cả kem. Ban đầu, họ không bọc đồ ăn, sau đó nâng dần độ khó bằng cách giấu vào trong hộp nhựa, ống tre hoặc vùi dưới suối. Một số cá thể gấu bị hạn chế vận động, cần được kích thích tăng trưởng cơ bắp, sẽ phải thường xuyên tìm đồ ăn trong hốc đá hoặc các cành cây cao, vừa rèn luyện sức mạnh vừa kích thích cả khứu giác lẫn thị giác.

Sau khi đi một vòng quanh nhà gấu, chị Hằng dẫn chúng tôi vào khu chuẩn bị đồ ăn rồi mở chiếc tủ lạnh cỡ lớn ra. Hai khối đá đã được làm đông đặt trong chiếc âu nhựa, phía trong có nhiều mảng sáng lấp lánh. Hỏi mới biết, trong khối đá này là thạch - một món khoái khẩu của gấu những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, để thưởng thức được thạch, gấu phải vượt qua một bài kiểm tra nhỏ về IQ. Thông thường, chúng sẽ nôn nóng phá vỡ lớp đá dày nhưng việc này chỉ những cá thể khỏe mạnh mới làm được. Đa số phải lựa cách khác.

“Tôi từng chứng kiến một cá thể gấu ném cả tảng đá này xuống hồ. Sau đó, chúng sẽ tắm ngay tại đó, vừa để hạ nhiệt cơ thể vừa chờ nước đá tan rồi nhâm nhi miếng thạch đá mát lành”, chị Hằng kể.

Trong diện tích hơn 10ha ở khu bảo tồn gấu, những vật dụng rèn luyện gấu như vậy rất nhiều. Chỗ này dựng một cây cầu bằng gỗ cao ngang hông người lớn, chỗ kia treo lủng lẳng vài chiếc lốp xe cỡ lớn. Nghe mấy chị ở bếp bàn tán, rằng từng có ý tưởng xây hẳn một hòn non bộ để gấu tập leo trèo, luyện thêm sức cho cơ tay. Chúng tôi không chắc cảm nhận của mình có đúng không, nhưng nhìn một loạt dụng cụ mà cán bộ Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam chuẩn bị, chẳng khác nào họ đang xây một khu resort cho các thượng khách 4 chân ở độ cao 1.000m. Ở đó, gấu được chơi, được tập gym, thư giãn và tìm lại niềm vui cuộc sống.

Các cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, thuộc địa bàn Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Các cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, thuộc địa bàn Vườn quốc gia Tam Đảo. Ảnh: Tùng Đinh.

Chị Hằng kéo chúng tôi về thực tại khi huơ trước mắt một vật dụng bằng gỗ, hình dạng giống cái chày cỡ nhỏ, ở giữa thân đục lỗ tương đối lớn. Theo lời chị, đây là bài tập ưa thích của gấu tại trung tâm, nhất là với những cá thể mới trở lại cuộc sống bán hoang dã. Cán bộ trung tâm sẽ để đồ ăn vào trong dụng cụ, để gấu tự nhiên khám phá. Con thì thò tay vào trong để lấy, con thì nằm ngửa để dốc đồ ăn thẳng vào miệng. Một số ít kém kiên nhẫn hơn thì sẽ quăng quật món đồ này, hoặc dùng sức phá nát để lấy đồ ăn bên trong.

Mỗi bài tập, mỗi cách huấn luyện cho gấu đều được nhân viên trung tâm ghi chép tỉ mỉ, nhằm đưa những thay đổi phù hợp. Chẳng hạn, nếu gấu hờ hững hoặc thường xuyên bỏ bữa, nhân viên thú y sẽ được mời tới thăm khám. Hoặc nếu gấu mải chơi, phớt lờ tiếng chuông báo giờ ăn, chúng sẽ được quan sát chặt chẽ trong vài tuần sau đó. Trường hợp cần thiết thì chuyển nhà, cho gấu có cơ hội tìm bạn mới.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao về cứu hộ gấu, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam triển khai xây dựng cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Đây là trung tâm do Tổ chức Động vật châu Á viện trợ không hoàn lại hơn 10 triệu USD và đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt.

Với quy mô hơn 12ha, trung tâm sẽ cứu hộ, chăm sóc khoảng 300 cá thể gấu được tiếp nhận từ các cơ sở nuôi tư nhân, các vụ vi phạm. Dự kiến, trong tháng 8 này, những chú gấu đầu tiên sẽ được đưa về nhà mới.

Những mảnh đời khác nhau

Nhìn những cá thể gấu khỏe mạnh, đắm mình trong khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, ít ai ngờ rằng chúng từng chịu đau thương thế nào trong quá khứ.

Chị Đỗ Thu Hằng kể cho chúng tôi nghe về cá thể gấu tên Grier. Trước khi về với Tam Đảo, nó bị mù cả hai mắt, không còn khả năng sinh tồn nếu thả về tự nhiên. Vì thế, Grier được trung tâm ký cam kết chăm sóc trọn đời.

Những ngày đầu cá thể gấu chó này về trung tâm, cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn. Theo lời chị Hằng, Grier sống khép mình, gần như sợ sệt trước mọi yếu tố bên ngoài. “Dựa vào kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng gấu rất sợ tiếng kim loại va vào nhau. Một số cá thể còn sợ cả ánh sáng”, chị nói.

Từng chút một, các cán bộ trong trung tâm phải làm quen và trấn an nỗi sợ của gấu. Trong quá trình ấy, họ phải khám sức khỏe định kỳ cho gấu như cân nặng, đo huyết áp, kiểm soát khối lượng thức ăn. Tới khi nào thấy gấu “dạn người”, không còn biểu hiện lo lắng như đứng đung đưa toàn thân liên tục hàng tiếng đồng hồ, thì sẽ thả về khu bán hoang dã.

Đồ ăn sẽ được giấu vào những khúc tre, ống nhựa như này để đánh thức bản năng của gấu. Ảnh: Tùng Đinh.

Đồ ăn sẽ được giấu vào những khúc tre, ống nhựa như này để đánh thức bản năng của gấu. Ảnh: Tùng Đinh.

Trường hợp của Grier, sau một vài tháng, cá thể này đã tự tìm kiếm thức ăn trong các trụ gỗ, trên cây hay trong các món đồ chơi. Nó không còn cô đơn và có thể tự tin nô đùa với những người bạn mới trong ngôi nhà chung.

Chử Bích Ngọc, nhân viên trung tâm cho biết thêm, gấu được cứu hộ tới Tam Đảo đa số đều được người dân nuôi với mục đích lấy mật bán. Dù tác động bằng các kỹ thuật nào thì tất cả phương pháp đều phải xâm lấn, gây đau đớn và tổn thương cho loài gấu. Đây cũng là nguyên nhân khiến chúng nhiễm trùng, thậm chí hình thành các khối u ở túi mật, gan, thận.

Làm việc tại trung tâm đã 5 - 6 năm, nhưng Ngọc nhớ rằng số cá thể lành lặn mà cô tiếp xúc được khá ít. Cũng bởi nguyên nhân ấy mà tuổi thọ của gấu bị ảnh hưởng khá nhiều.

Bên cạnh việc chăm sóc gấu, trung tâm còn dành một sườn đồi làm khu mộ cho gấu. Tính đến tháng 7/2023, có khoảng 50 cá thể được yên nghỉ tại đây, chúng chết vì già hay mắc các bệnh không thể cứu chữa. Mỗi cá thể khi mất sẽ được làm đáng tang, đọc bài thơ về gấu và chôn cất cùng với đồ ăn, đồ chơi mà chúng yêu thích khi còn sống, trước sự chứng kiến của toàn thể nhân viên, chính quyền và kiểm lâm địa phương.

Không chỉ những cá thể gấu tìm thấy niềm vui nơi trung tâm cứu hộ, các nhân viên tại đây cũng có những tình cảm riêng, gắn bó thêm với Tam Đảo. Chử Bích Ngọc là một trường hợp như vậy. Xuất phát là một sinh viên ngoại ngữ, nữ sinh gốc Hà Nội ban đầu lên Vĩnh Phúc để làm phiên dịch khi Tổ chức Động vật Châu Á triển khai các dự án về gấu. Sau đó, Ngọc quen và lập gia đình với người chồng cũng là cán bộ trung tâm. Từ chỗ lên Tam Đảo để có thêm trải nghiệm, chị đã quyết định ở hẳn lại với núi rừng trung du.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).