| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Người Đrăng Phôk giữ rừng Yok Đôn

Thứ Tư 16/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Bám theo dòng Sêrêpôk chảy ngược, buôn Đrăng Phôk nằm ở lõi rừng Yok Đôn với hơn 130 hộ dân và khoảng 500 nhân khẩu, chủ yếu là người Ê Đê, M'Nông, Lào, Nùng...

Toàn cảnh buôn Đrăng Phôk nhìn từ trên cao, nằm xuôi theo dòng Sêrêpôk. Ảnh: Trần Anh.

Toàn cảnh buôn Đrăng Phôk nhìn từ trên cao, nằm xuôi theo dòng Sêrêpôk. Ảnh: Trần Anh.

Từ trung tâm xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), mất khoảng 20km để có thể đến được buôn Đrăng Phôk, trong đó phải ¾ là đường mòn xuyên qua những cánh rừng khộp đặc trưng của Vườn quốc gia Yok Đôn.

Bài liên quan

Trung tuần tháng 7, mùa mưa Tây Nguyên đang cao điểm, chỉ 20km nhưng trời lúc nắng gắt, lúc lại nước đổ trắng xóa, quãng đường vào Đrăng Phôk vì thế mà như dài thêm ra.

Gần tiếng đồng hồ lắc lư trên chiếc Land Cruiser đã gần 20 năm tuổi, các kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Yok Đôn có dịp chia sẻ về buôn làng độc đáo này.

“Có từ lúc trước khi vườn thành lập, đồng bào ở Đrăng Phôk bây giờ vừa canh tác nông nghiệp, trồng các loại cây phổ biến của Tây Nguyên như điều, sắn, ngô, lúa… vừa tham gia cùng cán bộ của vườn trong công tác bảo vệ rừng”, anh Phan Thanh Hòa, kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Yok Đôn chia sẻ khi tay vẫn bám chặt chiếc tay cầm trên trần xe.

Bỏ nghề săn voi về làm kiểm lâm

Ghép gọn gàng chiếc ô tô vào sân nhà văn hóa, Hòa đi dọc trục đường chính của buôn, gặp ai anh cũng hỏi han xem gần đây bà con sống thế nào. Đang giữa buổi sáng nên già làng đi làm, không có ở buôn. Lui tới một hồi, Hòa tiến về ngôi nhà sàn gỗ lợp mái ngói ở giữa buôn, ngoài cổng có một hàng rào thấp bằng lưới B40 và một lá quốc kỳ cắm vào thân tre, đã bạc màu.

Rảo bước lên 5 bậc cầu thang gỗ của nhà sàn, vừa tuột đôi giày, anh vừa hướng mắt vào trong, hô lớn: “Chào bố”. Thấp thoáng phía trong là một người đàn ông đứng tuổi, mái tóc hơi xoăn và bạc nhưng nước da bánh mật vẫn căng bóng, khỏe mạnh, khoác trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng.

Thấy Hòa gọi, ông cười lớn rồi đáp lại: “Chào cán bộ”. Ông là Y Chuôn, cao niên của buôn, người có tiếng nói và được tín nhiệm chẳng khác gì già làng. Y Chuôn sinh năm 1957, người Ê Đê, theo tục lệ của họ, những người đàn ông lên chức cha thì có thể gọi theo tên con cả để thể hiện sự kính trọng. Trong trường hợp của Y Chuôn, ông thường được gọi là Ma Nha, trong đó Ma có nghĩa là bố (của), Nha là tên con đầu.

Vợ ông, bà H Roai, kém 3 tuổi, theo cách gọi của người Ê Đê là Amῐ Nha, nghĩa là mẹ của Nha. Hai ông bà lấy nhau năm 1980, đến 1982 thì anh Y Nha ra đời, sau Nha là 5 người em, 4 trai và cô em út sinh năm 1995.

“Lúc mới lấy nhau, chúng tôi sống trong rừng, nay đây mai đó, đến 1985 mới dọn về Đrăng Phôk. Chính xác là ngày 5/4/1985, nhà tôi 4 người, vợ chồng với 2 đứa con trai đầu cùng 44 hộ nữa dọn về buôn để định cư”, Ma Nha kể.

Ma Nha (áo đỏ) nói chuyện với các kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Yok Đôn, anh Phan Thanh Hòa ngồi ngoài cùng bên trái. Ảnh: Tùng Đinh.

Ma Nha (áo đỏ) nói chuyện với các kiểm lâm viên của Vườn quốc gia Yok Đôn, anh Phan Thanh Hòa ngồi ngoài cùng bên trái. Ảnh: Tùng Đinh.

Căn nhà sàn có diện tích ở khoảng 100m2 của gia đình ông được chia thành 2 phần, rất dễ nhận biết. Theo lời Ma Nha, giai đoạn đầu ông dựng nhà gỗ, lợp ngói, đến tầm năm 2014 - 2015 thì mở rộng thêm ra phía sau, vẫn gỗ nhưng lợp tôn lạnh.

Bài liên quan

Những năm 80 của thế kỷ trước, thuở mà ông Chuôn với bà Roai vừa lập gia đình, đa phần đồng bào dân tộc ở Yok Đôn sống bằng nghề đi rừng kiếm lâm sản, số ít có kinh nghiệm, bản lĩnh thì làm thợ săn voi, thợ thuần dưỡng voi.

Lấy nhau năm 1980, đó cũng là mốc thời gian Ma Nha tham gia vào nghề săn voi, cụ thể là đi theo phụ việc cho bố vợ, vốn là một thợ săn voi có tiếng trong vùng.

Tựa lưng vào cột nhà, người đàn ông Ê Đê này nhớ lại: “Lúc đó đi theo phụ việc bố vợ thôi, chưa đủ khả năng để gọi là thợ săn. Sau đấy thì có kinh nghiệm hơn thì được phân công làm người thuần dưỡng, dạy dỗ voi”.

Thuở ấy, mục tiêu của các thợ săn voi ở Tây Nguyên là những con voi non, 4 - 5 tuổi. Họ tìm cách tách đàn rồi dùng dây bện từ da trâu để lừa thắt vào chân sau của con voi con trước khi khống chế rồi đem về thuần dưỡng.

Theo lời Ma Nha, những con voi con này được buộc riêng vào một gốc cây lớn, vừa chăm sóc vừa răn đe, nhanh thì 3 tháng không thì phải nửa năm, 1 năm với những con voi “cứng đầu” mới thuần được chúng.

“Voi con rất nhạy cảm, chúng như đứa con nít vậy. Muốn thuần được phải cho chúng ăn, chơi với chúng, tắm cho chúng, lúc hư thì phải đánh đòn, răn đe. Nhưng cũng không được khắt khe quá, nếu ép quá con voi sẽ tìm cách tự tử chứ không khuất phục”, cựu thợ săn voi tuổi đã ngoại lục tuần kể thêm.

Theo bố vợ săn voi được 15 năm thì Ma Nha bỏ nghề, trước cả khi Nhà nước kêu gọi dừng săn bắt voi. Năm 1995, ông xin về Lâm trường Đrăng Phôk, làm Đội trưởng sản xuất, chuyên canh tác lúa và ngô.

Đến năm 2002, Lâm trường Đrăng Phôk và Lâm trường Bản Đôn sáp nhập, lập ra Vườn quốc gia Yok Đôn thì ông về vườn làm kiểm lâm viên. 5 năm công tác, ông ở Trạm 2 rồi Trạm 4 trước khi xin nghỉ sớm vào năm 2007.

Câu chuyện đến đây, Ma Nha thu người lại, nụ cười thường trực trước đó cũng nhường chỗ cho đôi mắt xa xăm. “Ngày ấy bà ốm, mấy đứa con đều ở xa nên không ai chăm được, tôi phải xin nghỉ. Bà bị sỏi mật, phải đưa ra tận Buôn Ma Thuột, khám, mổ rồi chăm bà ngoài đó”, ông kể.

Chưa kể, người con gái út của ông bà cũng bị bệnh hiểm nghèo, phải đưa đi chạy chữa, cúng bái khắp nơi, tốn công, tốn của nhưng cũng không hiệu quả là bao. “Nó sinh ngày 25/11/1995. Bệnh tật, thương bố mẹ nên chờ ngày cả nhà đi làm, tự mở tủ lấy thuốc an thần uống tự tử. Hôm ấy là 17/12/2007”, giọng ông chùng hẳn xuống.

Bức vách nhà sàn treo đầy giấy khen, bằng khen và ảnh lưu niệm của Ma Nha (Y Chuôn). Ảnh: Tùng Đinh.

Bức vách nhà sàn treo đầy giấy khen, bằng khen và ảnh lưu niệm của Ma Nha (Y Chuôn). Ảnh: Tùng Đinh.

Cùng cán bộ giữ rừng

Để thay đổi không khí, Hòa hỏi Ma Nha về chuyện ruộng nương, như hiểu ý kiểm lâm viên trẻ, ông chỉ ra mấy người con trai đang ngồi gian trong xem ti vi rồi nói: “Ruộng nương vẫn tốt, hôm nay sáng mưa lớn nên tụi nó đang ở nhà thôi”.

Cưới nhau hơn 40 năm, hai ông bà có 6 người con và 14 đứa cháu nhưng 100m2 nhà sàn này chỉ có 9 người chung sống, gồm 3 thế hệ, số còn lại là những gia đình nhỏ, rải rác trong buôn.

Với đặc điểm hình thành từ trước khi Chính phủ có quyết định thành lập Vườn quốc gia Yok Đôn nên toàn bộ diện tích đất canh tác và đất ở của buôn đều do vườn quản lý.

Hiện nay, ranh giới giữa ruộng rẫy của dân và rừng được cắm mốc rất rõ ràng, người dân không thể mở rộng diện tích đất canh tác, như nhà Ma Nha là 2ha.

Chỉ vào đầu mấy con mang, lợn rừng săn được ngày xưa, giờ treo cột nhà làm vật trang trí, Ma Nha nói: “Giờ chúng tôi không đi săn nữa, vừa làm ruộng vừa phối hợp với Trạm Kiểm lâm Đrăng Phôk để giữ rừng”.

Chính sách phối hợp này đã được Vườn quốc gia Yok Đôn triển khai từ năm 2012. Hiện nay, việc khoán được thực hiện theo cộng đồng, ví dụ như cả buôn Đrăng Phôk với mức giá 400.000 đồng/ha/năm. Như gia đình Ma Nha chịu trách nhiệm diện tích 20ha thì mỗi năm sẽ được nhận 8 triệu đồng, chi trả từ nguồn của “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững”.

Ngoài công việc đồng áng, người dân trong buôn còn phối hợp với lực lượng kiểm lâm để tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền và xử lý vật liệu cháy có kiểm soát trong mùa khô. Giai đoạn xử lý vật liệu cháy thường diễn ra từ tháng 12 năm này đến tháng 1 năm sau để tránh xảy ra cháy rừng.

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 4] Bài học xương máu ở 'vựa' nuôi tôm hùm

Cơn bão số 12 (năm 2017) khiến hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ bỗng chốc trở nên trắng tay, đây là bài học ‘nhớ đời’ của những người nuôi biển hiện nay.