| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Nhọc nhằn chuyện hôn phối và mối lo tuyệt tự voi nhà

Thứ Năm 10/08/2023 , 09:00 (GMT+7)

Công tác bảo tồn được quan tâm và nâng cao những năm gần đây, nhưng khả năng phát triển đàn voi vẫn còn là một dấu hỏi.

Anh Y Siêm, kiểm lâm kiêm hướng dẫn viên du lịch tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Y Siêm, kiểm lâm kiêm hướng dẫn viên du lịch tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Bảo Thắng.

Nỗi lo thế hệ tương lai

Bài liên quan

Trong hơn 10 voi hiện có của Vườn quốc gia Yok Đôn, Thông Ngân thuộc diện trẻ nhất. Sinh năm 1995, nếu theo đúng tôn ti trật tự, chú phải "gọi" Y Khun (sinh 1956), hay Bun Khăm (sinh 1965) bằng bác, thậm chí bằng bà. Hai voi cái gần thế hệ với Thông Ngân nhất là H'Pló (sinh 1975) và Khăm Phanh (sinh 1976) cũng gấp rưỡi tuổi chú.

Ai từng quan sát, tìm hiểu về voi hẳn đều biết voi đực kỳ động dục đáng sợ tới mức nào. Mỗi năm một lần, voi đực sẽ rơi vào trạng thái gọi là musth (hung dữ) khi nồng độ testosterone và gây hấn tăng vọt lên chỉ trong vài tháng. Tình trạng testosterone tăng liên quan đến vấn đề giao phối, khiến chất lỏng tiết ra từ tuyến thái dương của voi chảy xuống dưới mặt chúng. Voi đực trong giai đoạn này có khuynh hướng đi tiểu lên khắp chân mình.

Khi voi rơi vào trạng thái hung dữ, không một ai dám bén mảng. Ngay cả nài voi cũng phải hết sức thận trọng.

Ở ngoài tự nhiên, con đực có thể giành vị trí thống lĩnh của đàn trong thời kỳ động dục, ngay cả khi nó không phải con voi già nhất. Những cuộc chiến tranh giành con cái có thể diễn ra, kéo dài trong vài ngày và ngày càng trở nên bạo lực. Kẻ thua cuộc đôi khi phải chấp nhận kết quả tàn khốc là bị mất ngà, hoặc bị cắn gãy đuôi. Đây đều là những tổn thương vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Trong môi trường tại Vườn quốc gia Yok Đôn, những cuộc chiến như vậy không xảy ra. Tuy nhiên, Thông Ngân gặp phải khó khăn khác. Chú voi con di dời từ Tánh Linh ngày nào rất khó và cũng không thể chấp nhận giao phối với những con cái hơn nhiều tuổi.

Ở chiều ngược lại, các cô cũng khó lòng chấp nhận Thông Ngân. Đầu tiên là nguyên nhân bản tính. Voi cái chỉ chấp nhận giao phối nếu thích, bằng không chúng chạy, kể cả đánh nhau. Thứ nữa là cách biệt tuổi tác. Do phần lớn voi cái tại Yok Đôn đều ngoài 45 tuổi, chúng gần như không còn khả năng sinh sản.

Trước đây, khi chưa có chương trình cụ thể và voi còn phải làm nhiều việc, khả năng sinh sản của voi đã là một vấn đề. Năm 2018, thời điểm Vườn quốc gia Yok Đôn phối hợp Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi, thể chất của chúng được cải thiện, nhưng điều tế nhị kia thì vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Voi Bắc Plang đang trong thời kỳ động dục, tuyến chất lỏng chảy dài từ tuyến thái dương xuống mặt. Ảnh: Bảo Thắng.

Voi Bắc Plang đang trong thời kỳ động dục, tuyến chất lỏng chảy dài từ tuyến thái dương xuống mặt. Ảnh: Bảo Thắng.

Mỗi lần thấy Thông Ngân chảy chất lỏng đầy mặt, lòng Y Siêm chùng xuống. Chàng kiểm lâm kiêm hướng dẫn viên du lịch lại tất bật chuẩn bị thức ăn, thường là những loại nhiều đường như mía, chuối, rồi vào rừng lựa những gốc cây to, chắc, xung quanh có các loại lá voi thích. Xong đâu đấy, anh khệ nệ ôm từng cọc dây thừng lớn để cột chân chú voi lại, tránh nguy cơ mất kiểm soát.

Bài liên quan

“Vạn bất đắc dĩ mới phải làm vậy các anh ạ. Vườn cũng đã thử liên hệ với bà con trong bản xem có voi cái nào không mà chưa ăn thua”, Y Siêm bảo.

Theo sát mọi bước đi của Thông Ngân tại Yok Đôn, kiểm lâm viên từng tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk không ít lần ôm mộng rằng, người bạn to xác của mình sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu có dịp tiếp xúc voi rừng. Tiếc là thực tế diễn ra trái ngược. Hiện có khoảng 40 voi rừng trong hơn 110.000ha diện tích Vườn quốc gia Yok Đôn nhưng tất cả chúng đều kỳ thị voi nhà. Hễ phát hiện cá thể nào có “mùi người”, voi rừng sẽ xua đuổi, thậm chí tấn công dữ dội.

Là loài vật thông minh, voi rừng sống theo quần thể với phân cấp rõ ràng. Mỗi thế hệ trong đàn cách nhau chừng 20 - 25 năm. “Có lẽ chúng đã kể cho nhau nghe về chuyện voi nhà đi bắt voi rừng trước đây. Nên đến giờ voi nhà không thể tìm được tiếng nói chung”, Y Siêm cười buồn nói.

Nhiều cơ chế nhưng khó triển khai

Tại kỳ họp thứ 3 nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 về một số chính sách bảo tồn voi. Theo đó, tỉnh quy định hỗ trợ 500.000 đồng/chủ voi cái/ngày và 600.000 đồng/chủ voi đực/ngày trong thời gian 30 ngày voi gặp gỡ, giao phối. Trong thời gian voi mang thai và sinh sản, hỗ trợ 300.000 đồng/ngày trong 10 tháng đầu thai kỳ; 600.000 đồng/ngày từ tháng 11 thai kỳ đến tháng thứ sáu sau khi voi sinh con đối với chủ voi cái.

Tính tổng cộng, nếu voi cái mang thai (thời gian từ 22 - 24 tháng) và sinh sản, chủ voi có thể nhận khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, nài voi chăm sóc voi trong thời gian giao phối, sinh sản, nuôi con cũng nhận khoản hỗ trợ 200.000 đồng/ngày trong 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực.

Nhằm hạn chế xung đột giữa voi với người, tỉnh Đắk Lắk cũng ưu tiên những địa phương thường có voi hoang dã xuất hiện. Cụ thể, những địa bàn này được phép thành lập các tổ bảo vệ, mỗi tổ không quá 10 thành viên để theo dõi, giám sát di chuyển của voi, tổ chức xua đuổi voi phá hoại. Mỗi tổ nhận hỗ trợ 20 triệu đồng và mỗi thành viên được hỗ trợ 5 triệu đồng/năm.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, sản xuất trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển, khi bị voi tấn công thì được hỗ trợ 100% giá trị tài sản bị thiệt hại và 100% tiền khám, tiền thuốc điều trị vết thương do voi gây ra. Đồng thời, cá nhân được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với tỷ lệ sức khỏe bị tổn thương.

Các cá thể voi là H'Blú và Khăm Phanh đang sinh sống trong vườn quốc gia. Ảnh: YĐ.

Các cá thể voi là H'Blú và Khăm Phanh đang sinh sống trong vườn quốc gia. Ảnh: YĐ.

Trước nữa, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho Trung tâm Bảo tồn voi triển khai Đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản voi thuần dưỡng tại Đăk Lăk” nhằm xác định khả năng sinh sản của đàn voi, đề xuất các giải pháp để cải thiện khả năng sinh sản của voi nhà. Một số hiếm voi nhà thụ thai thành công, nhưng voi con đều bị chết trong quá trình sinh sản. Nguyên nhân được cho là voi cái đã quá già, qua độ tuổi sinh sản.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, những trường hợp phải trói gốc cây như của Thông Ngân còn nhiều không, cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn giới thiệu đến anh Y Lít, nhà ngay trong xã Krông Na, cách vườn chừng 15 phút chạy xe.

Gia đình Y Lít có truyền thống săn voi, nghe anh kể đã qua mấy đời. Đến thăm gia đình anh, bên cạnh ngôi nhà mới khang trang xây bằng gạch vẫn thấy ngôi nhà gỗ dành một góc trang trọng bày chiếc ghế bành, mấy cuộn dây thừng cỡ lớn và một vài vật dụng để săn voi. Y Lít bảo, những đồ này giờ không dùng đến nên xếp lại một chỗ thành “bảo tàng” mini. Riêng cuộn dây thừng được anh giới thiệu làm kỳ công bằng da trâu đực khỏe mạnh, ngâm nước 6 tháng rồi phơi khô 6 tháng, khi bện lại đảm bảo voi không giật đứt nổi.

Quanh quẩn cả tiếng đồng hồ không thấy voi, chúng tôi mới hỏi và được biết Bắc Plang nhà Y Lít đang được gửi nhờ tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương. Dù đã dự liệu trước, chúng tôi vẫn bất ngờ khi được gặp cá thể voi đực này. Nó đang kỳ động dục, hơi thở nặng nề, gấp gáp, cùng chất lỏng chảy ròng ròng từ tai xuống mặt.

Mỗi năm Bắc Plang phải đi “gửi” như này một lần, nhanh thì một tháng. Y Lít kể, trong kỳ động dục, voi chẳng thiết tha ăn uống. Chúng hầu như “vô cảm” với các tác nhân bên ngoài.

Năm 1983, nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên đi thực tế tại (huyện) Buôn Đôn, tìm cảm hứng sáng tác nhạc cho thiếu nhi. Khi ấy, nhạc sĩ ấn tượng với chú voi nhỏ nhất, mới chừng 6 - 7 tháng tuổi đang bị nhốt ở góc nhà. Đó là chú voi con lạc mẹ, được bà con buôn làng tìm thấy ở bìa rừng. Sau đó, chú trở thành nguyên mẫu cho bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn".

Tuy nhiên, sau khi bài hát ra đời khoảng nửa năm, chú voi này chết vì đề kháng kém, không chịu ăn uống và không quen với cuộc sống mới trong buôn làng. Từ vấn đề này, chuyện sinh sản voi con từ các cá thể voi nhà càng trở nên cấp bách.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.