Vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Triển khai Luật Trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn Luật Trồng trọt”.
Cuộc hội thảo mặc dù là quá muộn, vì chỉ còn ít ngày nữa, các điều khoản chuyển tiếp sẽ hết hạn và Luật được thực thi toàn diện, song đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp nêu những khó khăn vướng mắc, những bất khả thi của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn quy định.
Rất tiếc rằng thời gian trao đổi tại Hội thảo quá ít, nhiều đơn vị muốn bộc bạch mà chưa có cơ hội, thời gian để trình bày; cũng rất tiếc không có mặt của một số Cục, Vụ liên quan như Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường. Nếu có lãnh đạo Bộ dự tại Hội thảo nữa, tôi nghĩ chắc chắn sẽ sôi nổi và quyết được nhiều vấn đề hơn. Qua hội thảo, các doanh nghiệp vui vẻ, tin tưởng và khí thế hơn...
Hội thảo diễn ra chỉ gần 3 tiếng, và thảo luận mới chỉ xoay quanh giống của nhóm cây lương thực, và cũng mới chỉ là lúa và một chút cây ngô, trong đó chủ yếu mới đề cập chuyện gia hạn công nhận với giống lúa, nhất là giống lúa mà chúng tôi gọi là “công cộng” (hay còn gọi là giống toàn dân, giống xã hội hóa...) cũng như một loạt các giống được công nhận là giống Quốc gia ở thời kỳ “vàng son”... Chúng tôi vẫn đang chờ đợi một văn bản hướng dẫn cụ thể từ Cục Trồng trọt, nhất là hướng công nhận đặc cách các giống này.
Giống rau, hoa: Đang từ thả nổi, lại "vây" quá chặt!
Ngay trong nhóm cây hàng năm này, thì nhóm ngắn ngày không phải cây trồng chính là rau, hoa… với quy định tự công bố lưu hành cũng còn nhiều chuyện cần bàn. Có những vấn đề gai góc hơn là nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả với 4 cây trồng chính gồm chuối, cam, bưởi và cà phê. Hiện 3 năm rồi nhưng TCVN về khảo nghiệm giống vẫn chưa có, vì vậy quy định của Luật về quản lý cây trồng chính sẽ áp dụng với nhóm cây này như thế nào? Đây đang là điều rất mông lung và thú thực rối như tơ vò.
Trở lại với vấn đề tự công bố lưu hành, trước khi có Luật Trồng trọt, các quy định quản lý về cây rau, hoa, nhóm cây ngắn ngày hàng năm gần như không có một quy định cụ thể, chặt chẽ nào, hay nói đúng hơn là các nhóm giống rau, hoa được "thả nổi", chỉ có một số quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ liên quan tới quyền tác giả là có hiện diện phần nào về nhóm giống này.
Việc Luật Trồng trọt đưa ra một số quy định quản lý nhóm cây này theo tôi là cần thiết, các quy định này được tiếp cận dựa trên tinh thần hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nắm bắt được thực trạng giống rau, hoa… được nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh ở nước ta thế nào; có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, xuất nhập khẩu và kinh doanh loại giống cây trồng này; có bao nhiêu giống được nhập vào hàng năm, từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào và giống đó ra sao...
Các nhà quản lý cần biết rằng, nhóm cây này ngắn ngày, quay vòng nhanh, đã và đang tham gia tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở hầu hết các địa phương, đây là nhóm cây làm giàu cho nông dân nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời cũng có tốc độ chuyển đổi, thay đổi các đời, thế hệ giống nhanh nhất, đặc biệt là từ khi các công nghệ sinh học mới, công nghệ di truyền được ứng dụng rộng rãi và thành công trong lai tạo, chọn lọc giống cây trồng.
Mặc dù vậy, đáng buồn là hạt giống nhóm cây ra, hoa chúng ta mới chỉ tự sản xuất được trên dưới 10%, và 90% phải nhập nội từ các nước trong khu vực và các nước khác, trong khi rau màu được gieo trồng gần như quanh năm, bộ giống có thể nói là cực kỳ phong phú, đa dạng.
Việc quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm giống hoa, rau màu này là cần thiết, tuy nhiên, nên chăng cần có lộn trình thực hiện phù hợp hơn, tránh việc từ chỗ đang "thả nổi" lại đùng một cái thực hiện quá chặt chẽ. Điều này sẽ làm khó doanh nghiệp, và có thể khiến thị trường hạt giống rau, hoa chao đảo, cung không đáp ứng cầu, nông dân sẽ chịu thiệt hại vì giá giống sẽ cao.
Số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất nhập khẩu kinh doanh hạt giống rau màu và hoa trong phạm vi cả nước, theo thống kê không đầy đủ, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp lớn nhỏ. Nhiều doanh nghiệp bán hạt giống rau cho các mô hình canh tác từ các khu trang trại lớn, đến hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ và cả kiểu “nông nghiệp đô thị” làm rau trong chậu, máng trên ban công, sân thượng và rau trên giàn thủy canh...
Số lượng các giống rau một doanh nghiệp kinh doanh ít thì thường từ vài chục giống, nhiều thì lên đến hàng trăm giống. Hiện nay, thực hiện việc tự công bố lưu hành đối với giống rau, hoa mà một số đơn vị đã phải dốc sức làm trong 2 tháng qua, lên tới cả chục kg giấy, nhiêu khê và tốn kém nguồn lực cho doanh nghiệp và cả xã hội.
Cần hướng dẫn rõ thủ tục tự công bố lưu hành
Hiện nay, các quy định về tự công bố lưu hành giống cây rau, hoa, thú thực đọc vào đã thấy hoa mắt vì chiếu từ cái nọ sang cái kia và chiếu đi chiếu lại. Sơ bộ lại, để tự công bố lưu hành giống, hiện các doanh nghiệp phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho giống tự công bố lưu hành. Tiêu chuẩn cơ sở này gồm tiêu chuẩn về giá trị canh tác và giá trị sử dụng; tiêu chuẩn chất lượng hạt giống hay vật liệu nhân giống (với nhóm rau hiển nhiên là chất lượng hạt giống).
Trước khi Luật Trồng trọt được ban hành, các doanh nghiệp cũng đã tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn hạt giống mà họ kinh doanh dựa trên các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Về thực chất, phần lớn hạt giống nhóm rau, hoa này là nhập nội. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng tiêu chuẩn cơ sở đã có rồi, bây giờ lại phải làm thêm về giá trị canh tác và giá trị sử dụng?
Câu hỏi họ đặt ra là: Vậy giá trị canh tác, giá trị sử dụng là như thế nào? Chúng tôi thì định nghĩa nó là các đặc điểm nông sinh học, chống chịu sâu bệnh hại và ngoại cảnh; còn giá trị sử dụng là năng suất, chất lượng sản phẩm thu hoạc. Các đặc tính này đã được mô tả từ tác giả giống khi chuyển giao hoặc kinh doanh, nó được nghiên cứu và cho phép lưu thông ở các quốc gia mà chúng ta phải nhập hạt giống từ đó.
Các thông tin này cũng được các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất kinh doanh theo dõi, tập hợp số liệu, và có thế mới xây dựng được các quy trình canh tác. Hàng vài trăm giống rau thực chất đã lưu hành và gieo trồng nhiều năm gần đây nên chỉ cần hệ thống đầy đủ các thông tin về giống là đủ để cơ quan quản lý nắm bắt được giống đó thế nào rồi.
Luật cũng quy định: Doanh nghiệp tự công bố lưu hành và tự chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình công bố. Giờ chúng ta có đủ thông tin về doanh nghiệp và những giống gì họ bán cho nông dân, giống đó có nguồn gốc từ đâu.., nếu sai, nếu vi phạm và giống không như thông tin công bố, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước sản xuất và luật pháp, cơ quan quản lý hoàn toàn có thẩm quyền xử lý. Như vậy đã có một bước tiến dài trong quản lý cây trồng với nhóm rau hoa rồi.
Vì vậy, để thực hiện tự công bố lưu hành đối với giống cây trồng không phải là cây trồng chính (trong đó có rau, hoa), không thể đưa khái niệm về giá trị canh tác, giá trị sử dụng là phải làm nghiệm như quy định với cây trồng chính, trong đó gồm khảo nghiệm hẹp, khảo nghiệm rộng và cả khảo nghiệm có kiểm soát. Không thể đồng nhất với quy định giữa giá trị canh tác, giá trị sử dụng với khảo nghiệm VCU.
Doanh nghiệp có thể phải làm thí nghiệm nhưng sẽ không phải là các thí nghiệm như kiểu VCU, họ làm để thu thập đủ thông tin về giống, và đủ độ tin cậy là được. Còn nếu cứ “chẻ” ra thì cần có hướng dẫn chi tiết hơn từ Bộ chuyên ngành cho các giống rau, hoa mới sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành đầy đủ.
Đơn giản hơn mà vẫn quản lý tốt mới tạo được đà cho nông nghiệp tiếp tục phát triển. Gò chặt vào và phức tạp hóa vấn đề không phải là chủ trương, định hướng cải cách hành chính của Đảng và Chính phủ, rồi giá cả leo thang, giá đầu vào tăng vọt, nông sản Việt liệu còn lợi thế cạnh tranh?