| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp giữ rừng giáp ranh

Thứ Sáu 17/03/2017 , 13:35 (GMT+7)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nằm trên địa bàn 7 xã và 1 thị trấn của huyện Võ Nhai, là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn duy nhất còn sót lại của tỉnh Thái Nguyên.

Khu bảo tồn nằm giáp ranh với 2 tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn. Từ lâu, khu vực này vốn được ví là miếng mồi ngon, là “tam giác vàng” cho lâm tặc khắp đến tàn phá rừng.

06-06-47_1
Khi bị lực lượng truy quét phát hiện, những phụ nữ người Dao, bản Lân Luông (xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) đã ném những thớt nghiến địu trên lưng mới được khai thác vẫn còn đỏ tươi xuống đất để chạy thoát thân.
 

Đánh giá của cơ quan chức năng các địa phương vùng giáp ranh đều khẳng định, lâm tặc không từ đâu đến mà chính là người dân bản địa và các vùng lân cận. Do đời sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số gần rừng, sống dựa vào rừng đã tổ chức khai thác trái phép các sản phẩm từ rừng để mang đi tiêu thụ. Tuy nhiên, việc khai thác tại chỗ và cách vận chuyển thủ công trên vai của người dân sẽ bị ngăn chặn nếu như không có biên đội người vận chuyển chuyên nghiệp bằng cơ giới.

Vì vậy cách thức chủ yếu là những người dân bản địa sẽ lên rừng xẻ gỗ thành miếng, mảnh hoặc thớt rồi gùi, vác xuống núi hẹn điểm tập kết. Tại đây, sẽ có những người mang xe máy được đôn thụt (giảm sóc), độn nòng (tăng dung tích xi lanh) để có thể chở vài ba tạ gỗ trên những cung đường đồi núi.

Vấn đề đặt ra là nếu không có khai thác thì làm sao có vận chuyển? Ngược lại, nếu cấm được vận chuyển thì chẳng ai dỗi hơi lên rừng chặt hạ cây cối cho mất sức. Việc không tìm được tiếng nói chung trong phối hợp bảo vệ rừng qua một số năm đã khiến tình trạng vùng rừng giáp ranh bị phá tan hoang. Những đoàn người có cả phụ nữ, trẻ em địu gỗ trên lưng xuống núi, những đoàn xe máy phóng ầm ầm trong đêm, rút ruột rừng mang đi tẩu tán.

Vùng rừng giáp ranh bị "xẻ thịt" là rừng nghiến núi đá. Qua một thời gian bị tàn phá, nhiều diện tích giờ chỉ còn trơ ra toàn đá. Gốc của không biết bao nhiêu cây nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi với đường kính trên một mét đã bị đốn cụt nham nhở.

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, khu vực rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều loài động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển bền vững. Việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng luôn là đòi hỏi cấp bách phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, bảo đảm khu vực phòng thủ về an ninh quốc phòng.

Từ nhận thức đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã lập kế hoạch phối hợp, cùng với cơ quan quản lý bảo vệ rừng của 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn tổ chức quản lý, bảo vệ, truy quét chống chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép.

Ông Lục Thanh Chính, Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết, địa bàn vùng rừng giáp ranh rất rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều hộ đồng bào sống chủ yếu dựa vào rừng, dân trí thấp nên không chỉ phá rừng mà còn bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm lâm luật. Trong khi đó, việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép đem lại lợi nhuận cao và nhanh, phục vụ ngay lập tức cho sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đó chính là áp lực lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Một bất cập khác được ông Hoàng Xuân Ngoan, Chi cục phó Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết là việc trao đổi, nắm bắt, cung cấp thông tin đa chiều giữa các ngành chức năng vùng rừng giáp ranh chưa được thường xuyên. Công tác phối hợp kiểm tra, tuần rừng còn thấp và chưa đồng bộ.

Về phía chính quyền cơ sở, ông Nông Văn Học, Phó trưởng Công an xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cho rằng, cần phải tăng cường việc kiểm tra, truy quét có trọng tâm, trọng điểm các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép như tập trung vào các điểm khai thác, tụ điểm mua bán, tuyến vận chuyển.

Ông Ngô Quang Lịch, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho biết, trước mắt Thái Nguyên đã thành lập BCĐ truy quét, chống chặt phá rừng năm 2017; duy trì 9 chốt trực kiểm lâm trên địa bàn các xã trong khu bảo tồn.

Theo đó, nội dung truy quét được xác định là tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường trọng yếu sẽ tổ chức lập biên bản, dỡ bỏ, tiêu hủy các lán trại lập trái phép trên rừng; ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi đưa các công cụ, phương tiện thủ công, cơ giới vào rừng đặc dụng; bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, san ủi, khai thác, tập kết, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; thu hồi súng săn, bẫy bắt động vật hoang dã.

Đồng hành với việc tổ chức kiểm tra, truy quét trên rừng, BCĐ cũng tiến hành rà soát các đối tượng tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép, các phương tiện cơ giới có nhiều khả năng vận chuyển lâm sản trên địa bàn. Bộ phận tuyên truyền cùng với kiểm lâm viên địa bàn và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền luật bản vệ và phát triển rừng đến tận các thôn bản và hộ dân.

 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.