Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh có những chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về quá trình khôi phục thành công hệ thống thú y cơ sở tại địa phương.
Bắc Ninh là một trong những địa phương có hệ thống thú y theo ngành dọc kiện toàn từ tỉnh xuống xã, thôn, ông có thể cho biết hệ thống này đang được vận hành cụ thể như thế nào?
Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của tỉnh Bắc Ninh hiện được vận hành xuyên suốt từ tỉnh xuống đến cơ sở, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ngành NN-PTNT.
Cấp tỉnh có Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Cấp huyện có các Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Cấp xã có mạng lưới thú y cơ sở, gồm: Nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và cộng tác viên thú y thôn, khu. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chỉ đạo hệ thống thú y cấp huyện, cấp xã trong công tác chuyên môn.
Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế dưới sự chỉ đạo của UBND cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Lý do nào Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định chủ trương khôi phục lại hệ thống thú y cơ sở như hiện nay thưa ông?
Quyết định khôi phục lại hệ thống thú y cơ sở của Bắc Ninh được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Cùng với đó, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và rà soát, kiện toàn hệ thống thú y các cấp.
Điều 6, Luật Thú y năm 2015 cũng quy định, hệ thống chuyên ngành thú y các cấp cũng là một trong những căn cứ để tỉnh thực hiện.
Đặc biệt, căn cứ tình hình thực tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh nhận thấy dịch bệnh xuất hiện, lây lan làm thiệt hại kinh tế cho người dân và Nhà nước. Trong khi, hoạt động của hệ thống thú y còn nhiều bất cập. Công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ hoặc không thực hiện. Nhiều nơi không có lực lượng thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Việc thiếu nguồn lực thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đã gây khó khăn trong xử phạt vi phạm hành chính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đang tìm cách khôi phục lại hệ thống thú y, nhưng gặp nhiều vướng mắc, từ việc chuyển viên chức sang công chức, yêu cầu về số lượng nhân viên trên một trạm, đến các yêu cầu về bằng cấp, độ tuổi, Bắc Ninh có kinh nghiệm gì trong việc đáp ứng và giải được “bài toán” này thưa ông?
Dựa trên sự chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham mưu, đề xuất từ các ban ngành, địa phương, việc khôi phục lại hệ thống thú y trên địa bàn Bắc Ninh phù hợp với quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh theo quy định của Luật Thú y và Luật Ngân sách.
Hệ thống thú y Bắc Ninh được khôi phục, hoàn thiện qua Đề án khôi phục mạng lưới thú y cơ sở và Đề án thành lập các Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản trực thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.
Cùng với đó, Bắc Ninh đã xin hướng dẫn và thống nhất từ các Bộ/ngành Trung ương: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Nội vụ.
Dựa trên yêu cầu thực tiễn, cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã bố trí nhân lực và điều kiện hoạt động của hệ thống.
Về nhân sự, việc hoàn thiện hệ thống thú y không làm phát sinh biên chế do được tiếp nhận lại số biên chế đã chuyển về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trước đó. Về thủ tục hành chính, công tác khôi phục lại hệ thống thú y không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không tác động đến hệ thống thủ tục hành chính hiện có.
Về trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ, Sở Tài chính theo chức năng chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố điều chuyển viên chức, tài sản, tài chính, trang thiết bị, phương tiện làm việc, vật tư, hóa chất phòng chống dịch bệnh động vật, hồ sơ, tài liệu thuộc lĩnh vực chăn nuôi thú y từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện về các Trạm Chăn nuôi, thú y và Thủy sản cấp huyện.
Viên chức điều chuyển từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện về các Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp huyện phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp.
Ông có thể chia sẻ, từ khi Bắc Ninh khôi phục thành công được hệ thống thú y cơ sở theo đúng Luật Thú y, công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được thuận lợi và cải thiện ra sao so với trước đây?
Sau khi khôi phục thành công hệ thống thú y cơ sở, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, chế độ, chính sách và pháp luật cho nhân viên thú y cấp xã, cộng tác viên thú y thôn, khu phố và các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 633/730 cộng tác viên thú y hoạt động ở cấp thôn, 100/126 nhân viên thú y hoạt động ở cấp xã được củng cố. Lực lượng thú y đã góp phần lớn trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thủy sản. Đặc biệt, công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh được thực hiện nhanh, đồng bộ và hiệu quả hơn.
Việc triển khai các kế hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quản lý đàn vật nuôi được thuận lợi, phù hợp với thực tế nhờ việc cập nhật số liệu thường xuyên từ mạng lưới này.
Đội ngũ thú y cơ sở còn là kênh tư vấn, cung cấp các dịch vụ về chăn nuôi thú y và kiểm soát giết mổ, góp phần trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh đã khống chế được dịch bệnh không để xảy ra ở diện rộng, giảm thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi so với khi chưa có mạng lưới chăn nuôi thú y cơ sở.
Về xã hội, mạng lưới chăn nuôi thú y cơ sở được hình thành đã giúp giải quyết tình trạng thiếu nguồn lực có chuyên môn thực hiện quản lý chăn nuôi, dịch bệnh và quản lý môi trường chăn nuôi hiện nay.
Về kinh tế, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, mạng lưới chăn nuôi, thú y cơ sở được kiện toàn làm tăng cơ hội và khả năng hình thành các khu vực sản xuất chăn nuôi hàng hóa.
Từ những kết quả đó, trong 3 năm qua, ngành nông nghiệp Bắc Ninh đã chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu bền vững sang chăn nuôi hàng hoá, có kiểm soát. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bắc Ninh có 750 trang trại, trong đó 43 trang trại quy mô lớn, 155 trang trại quy mô vừa và 552 trang trại nhỏ.
Toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp chăn nuôi, trong đó 9 doanh nghiệp chăn nuôi lợn, 5 doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, 2 doanh nghiệp chăn nuôi hỗn hợp đều đạ chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
Từ kinh nghiệm khôi phục thành công hệ thống thú y địa phương, Bắc Ninh có kiến nghị gì với các Bộ, ngành, Trung ương để hoạt động của ngành thú y ngày một hiệu quả hơn?
Đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn các tỉnh kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y theo quy định của pháp luật. Đảm bảo nguồn lực thực hiện quản lý dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh động vật ngày càng phức tạp hiện nay.
Xin cảm ơn ông!