| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên

Tính kế chống hạn vụ hè thu

Thứ Tư 12/04/2023 , 16:18 (GMT+7)

Để phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong vụ hè thu tới, tỉnh Phú Yên đã lên phương án ứng phó.

Chủ động phòng, chống hạn

Theo UBND tỉnh Phú Yên, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh Phú Yên gieo sạ 26.740ha. Hiện nay nguồn nước đảm bảo, không xảy ra khô hạn.

Empty

Tỉnh Phú Yên đã lên phương án phòng, chống nắng nóng, khô hạn trong vụ hè thu tới. Ảnh: KS.

Tuy nhiên theo dự báo, từ tháng 6 - 8/2023 là giai đoạn nắng nóng cao điểm xảy ra trên địa bàn tỉnh với cường độ gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở các khu vực vùng núi và ven biển có khả năng xảy ra. 

Hiện dung tích các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh dao động từ 65 - 95% so với thiết kế, cao hơn 4% so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn 3% so với năm ngoái.

Trong khi đó, theo dự báo, nếu không có mưa bổ sung trong tháng 5 và tháng 6/2023 thì nhiều hồ chứa sẽ thiếu nước. Một số đập dâng nhỏ, khu vực miền núi sẽ có nguy cơ cao bị suy giảm mạnh dòng chảy cơ bản, không đảm bảo nguồn nước tưới.

Trước tình hình trên, nhằm chủ động ứng phó, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt phương án phòng, chống nắng nóng, khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn diễn ra trong năm 2023.

Theo đó, tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn hán, chống nhiễm mặn phù hợp, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại cho sản xuất do nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Lưu ý đối với những nơi cao xa, khó khăn về nguồn nước, các địa phương quán triệt, hướng dẫn người dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất.

Empty

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, để có giải pháp ứng phó, bố trí sản xuất phù hợp. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm theo phương pháp "ướt khô xen kẽ", tưới luân phiên, nhất là các hồ chứa nước có nguồn nước đang bị thiếu hụt.

Bên cạnh đó, chủ động triển khai sửa chữa, tu bổ, nạo vét kênh mương, cống lấy nước, bể hút, luồng lạch, sửa chữa công trình, đảm bảo thông suốt nguồn nước trên toàn hệ thống; duy tu, sửa chữa máy bơm, thiết bị khác...không để xảy ra sự cố trong khi tưới. Ngoài ra, cần tăng cường khả năng dự trữ nước từ các ao, hồ, kênh tiêu, sông suối...; có kế hoạch bổ sung các trạm bơm dã chiến (bơm điện, bơm dầu...), kiểm tra các phương tiện, nhiên liệu sẵn sàng để có thể huy động chống hạn bơm tưới đảm bảo kịp thời, hiệu quả…

Theo UBND tỉnh Phú Yên, nếu lượng mưa tiểu mãn ít, nguồn nước không được cải thiện thì trong vụ hè thu, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng 24.500ha lúa và 4.000ha vụ mùa. Diện tích dự kiến phải chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn khoảng 516ha. Bên cạnh đó, từ tháng 5 - 8, các nguồn nước bị cạn kiệt, mực nước ngầm sụt giảm, một số giếng nước sinh hoạt bị khô cạn, dự kiến khoảng 7.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh Phú Yên giao Sở NN-PTNT hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp trữ, cấp nước hộ gia đình; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các giải pháp phù hợp.

Sẽ lắp đặt nhiều trạm bơm dã chiến chống hạn

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết, để phòng, chống hạn trong vụ hè thu tới, công ty đã lên phương án vận hành các trạm bơm chống hạn trong hệ thống thủy nông Đồng Cam.

Empty

Khi xảy ra khô hạn, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã có phương án lắp đặt các trạm bơm chống hạn. Ảnh: KS.

Cụ thể, công ty sẽ vận hành 5 máy bơm, công suất 33KW, lưu lượng 980 m3/giờ/máy để bơm trực tiếp từ sông Đồng Bò bổ sung nước vào kênh chính Nam để chống hạn cho các xã cuối kênh như Hòa Bình 1 (Tây Hòa), Hòa Tân Đông, Hòa Thành và các phường Phú Lâm, Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc (thị xã Đông Hòa).

Cùng với đó, vận hành 3 máy bơm công suất 33KW, lưu lượng 980 m3/giờ/máy bơm nước từ Bầu Hương tiếp nước vào cuối kênh N2 để chống hạn cho các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Đồng (huyện Tây Hòa).

Ngoài ra, công ty sẽ lắp đặt trạm bơm điện dã chiến Hòa Đồng để bơm từ nguồn nước kênh tiêu Cầu Cháy tiếp nước vào cuối kênh N6 để chống hạn cho xã Hòa Đồng. Cũng như lắp đặt trạm bơm điện dã chiến Diều Gà, Phú Thọ để bơm từ nguồn nước kênh tiêu tiếp nước vào kênh nội đồng HTX Hòa Mỹ Đông chống hạn cho xứ đồng Diều Gà, Phú Thọ. Lắp đặt trạm bơm dầu dã chiến Đồng Cờ để bơm từ nguồn nước kênh tiêu tiếp nước vào kênh nội đồng HTX Hòa Mỹ Đông chống hạn cho xứ đồng Đồng Cờ, Đồng Xe. Lắp đặt trạm bơm điện tại thôn Vạn Lộc xã Hòa Mỹ Đông bơm nước từ Bầu Hương bổ sung vào cuối kênh N4 tưới chống hạn cho các xứ Bầu Trạnh dưới, Vườn Đình.

Empty

Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã chuẩn bị hàng chục máy bơm để bơm tưới khi xảy ra hạn hán. Ảnh: KS.

Đối với hệ thống kênh Bắc, công ty lắp đặt trạm bơm điện dã chiến tại Bến Lội, xã Hòa Trị để bơm nước bổ sung cho trạm bơm điện Phú Vang chống hạn cho các xã An Chấn, An Phú, Bình Kiến.

Cùng với lắp đặt 2 trạm bơm điện dã chiến tại cầu máng Gò Chòi và cầu máng Sáu Đàm tại địa bàn xã Hòa Trị để chống hạn cho xứ đồng Gò chòi, Gò Vàng.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ sử dụng 3 máy bơm có công suất 22KW; 3 máy có công suất 30KW và 30 máy bơm dầu D15, 10 máy bơm xăng mini và mua thêm một số máy bơm dầu bổ sung, cũng như huy động máy bơm dầu di động của các địa phương, để bơm trực tiếp từ các nguồn nước ở các sông, suối, ao, hồ hoặc từ các giếng khoan để chống hạn các khu vực cao, xa, hạn cục bộ ở các hệ thống tưới, tiêu thuộc công ty.

Theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, đối với các hệ thống thủy nông Tam Giang, Phú Xuân và các hệ thống thủy nông khác, khi tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, trời không mưa, dung tích hữu ích các hồ chứa không đảm bảo tưới, công ty cũng sẽ tổ chức lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước từ hồ, sông, suối để chống hạn. Công ty dự kiến kinh phí chống hạn cho sản xuất năm 2023 hơn 4,2 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, hạn hán là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước. Đây là loại hình thiên tai gây thiệt hại trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, chính trị xã hội và sức khỏe con người.

Đối với môi trường, Hạn hán có thể hủy hoại môi trường sống các loại động, thực vật, giảm chất lượng không khí, cũng như tăng nguy cơ cháy rừng, xói lở đất. Đối với sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất cây trồng, sản lượng mùa vụ, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản, thiếu hụt thức ăn, nước uống cho vật nuôi. Ngoài ra còn làm giảm năng suất trồng và phát triển rừng.

Còn đối với con người, hạn hán ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong đời sống như thiếu nước sinh hoạt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh như tiêu chảy, da liễu… đặc biệt làm giảm thu nhập của người dân và tác động đến nền kinh tế.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.