| Hotline: 0983.970.780

Tỏi Khánh Hòa chật vật khâu tiêu thụ

Thứ Tư 13/03/2024 , 07:30 (GMT+7)

Do thiếu liên kết sản xuất nên cây tỏi tỉnh Khánh Hòa (có nguồn gốc từ giống tỏi Lý Sơn, Quảng Ngãi) chưa ổn định đầu ra, người trồng tỏi nơi đây vẫn loay hoay tiêu thụ.

Nông dân Khánh Hòa bước vào vụ thu hoạch tỏi niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: KS.

Nông dân Khánh Hòa bước vào vụ thu hoạch tỏi niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: KS.

Cây tỏi Khánh Hòa chính là giống tỏi được một số người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) mang vào trồng đầu tiên tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) từ những năm đầu thập niên 1990. Do phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết nên giống tỏi Lý Sơn đã “bén duyên” trên vùng đất này, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Từ các xã Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), cây tỏi cũng nhanh chóng lan rộng sang các địa phương khác như Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa); Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh)…

Tại xã Vạn Hưng, nơi có diện tích tỏi lên đến 120ha, hiện đã bước vào vụ thu hoạch niên vụ 2023 - 2024. Ông Trần Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, đến nay, bà con đã thu hoạch khoảng 80 - 90% tổng diện tích. Năm vừa qua, do thời tiết thuận lợi, ít mưa nên cây tỏi phát triển tốt, năng suất dao động từ 8 -10 tấn/ha (tỏi tươi), tăng 2 - 3 tấn/ha so với năm ngoái. Giá tỏi tươi hiện đang được thu mua từ 35 - 40 ngàn đồng/kg (tùy loại).

Chị Lường Thị Hoa, một người trồng tỏi, cũng là thương lái thu mua ở thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng cho biết, so với năm ngoái, giá tỏi năm nay thấp hơn từ 5 - 10 ngàn đồng/kg.

Nông dân trồng tỏi xã Vạn Hưng cho biết, hiện tỏi tiêu thụ chậm. Ảnh: KS.

Nông dân trồng tỏi xã Vạn Hưng cho biết, hiện tỏi tiêu thụ chậm. Ảnh: KS.

Chị Hoa cho rằng, đây cũng là quy luật thị trường “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tuy nhiên điều đáng nói, dù giá tỏi thấp nhưng việc tiêu thụ vẫn diễn ra chậm bởi vắng thương lái. Hơn nữa không phải ai cũng bán được giá nếu không có mối tiêu thụ.

Điển hình như hộ ông Lê Văn Thành, cũng ở thôn Xuân Tây vụ này trồng 8 sào tỏi (sào 500m2), hiện cơ bản đã thu hoạch xong, năng suất đạt trung bình 6 tạ/sào, tuy nhiên chỉ bán được tỏi tươi với giá dao động từ 21 - 25 ngàn đồng/kg (tùy loại). Sau khi trừ tất cả chi phí ông chỉ lãi 3 triệu đồng/sào.

“Do đầu ra của gia đình không có nên bán giá thấp so với các nơi trồng tỏi có thương hiệu. Gia đình mình trồng tỏi chưa có thương hiệu, chỉ bán qua các thương lái nên đầu ra chưa ổn định”, ông Thành giải thích.

Chúng tôi tiếp tục qua xã Ninh Sơn, hiện người trồng tỏi nơi đây cũng đang thu hoạch rộ. Ông Đào Quang Học, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng tỏi xã Ninh Sơn cho biết, vụ tỏi năm nay đa số bà con trồng đạt năng suất, chất lượng củ to. Tuy nhiên giá tỏi tính từ đầu năm đến nay đã tụt khoảng 65%.

Ông Đào Quang Học cho biết, hiện đầu ra cây tỏi ở Khánh Hòa chưa ổn định. Ảnh: KS.

Ông Đào Quang Học cho biết, hiện đầu ra cây tỏi ở Khánh Hòa chưa ổn định. Ảnh: KS.

Cụ thể, khi chưa vào vụ thu hoạch, giá tỏi dao động từ 90 - 110 ngàn đồng/kg. Sau khi vào vụ, giá giảm dần, hiện chỉ còn trung bình 35 ngàn đồng/kg (tỏi tươi). Với giá này, ông Học nhẩm tính sẽ không lãi nhiều vì chi phí vật tư đầu vào năm vừa qua tương đối cao.

Cũng như tại xã Vạn Hưng, ông Đào Quang Học cho hay, đầu ra cây tỏi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến từ Quãng Ngãi vào đây thu gom. Tuy nhiên thời điểm này, thương lái chưa vào nên phần lớn tỏi tươi chưa được tiêu thụ, còn tỏi khô hiện chưa biết giá như thế nào.

“Hiện nay thương lái mua tỏi của mình cũng mua chịu, chưa trả tiền. Chỉ có thương lái lớn vào đây mua tỏi mới trả tiền liền nhưng cũng ép vài giá”, ông Học nói. Cũng theo ông Học, những năm qua, việc trồng tỏi của bà con còn bấp bênh. Đầu ra cây tỏi chưa thật sự ổn định. Năm nào trồng tỏi đạt năng suất, giá cả ổn định, nông dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng/sào (1.000m2), còn trung bình chỉ lãi từ 10 triệu đồng/sào trở lại. Do đó, bà con trồng tỏi rất mong muốn được liên kết với các doanh nghiệp thu mua để giá cả, đầu ra tiêu thụ ổn định hơn.

Nông dân phơi tỏi để củ khô, thuận lợi cho bảo quản. Ảnh: KS.

Nông dân phơi tỏi để củ khô, thuận lợi cho bảo quản. Ảnh: KS.

Ông Mai Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết, vụ tỏi năm nay toàn xã trồng 90ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch trên 20ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha.

Nói về giá tỏi của Ninh Sơn thu mua thấp hơn nơi khác, ông Bình cho rằng có thể do chưa có thương hiệu. Chẳng hạn như tỏi ở Ninh Sơn giá bán ra vẫn thấp hơn tỏi Ninh Vân.

Trước tình hình trên, vừa qua, UBND xã Ninh Sơn đã cấp kinh phí xây dựng mô hình sản xuất tỏi VietGAP nhằm truy xuất nguồn gốc. Dự kiến trong tháng 3 này, tỏi Ninh Sơn sẽ được chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 5ha. Khi tỏi đã có chứng nhận, địa phương sẽ hỗ trợ bà con đưa tỏi lên sàn giao dịch điện tử để nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, vụ tỏi năm nay toàn tỉnh trồng 385ha, tập trung chủ yếu tại huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Ông Trần Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, thời gian qua, để nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân trồng tỏi bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Hiện nay tỏi Vạn Hưng đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Tuy nhiên hiện đầu ra cây tỏi trên địa bàn chưa ổn định do thiếu liên kết sản xuất. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục mời gọi, liên kết với các đơn vị để chuyển giao các công nghệ, truyền đạt những kinh nghiệm giúp bà con áp dụng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm tỏi xã Vạn Hưng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.