| Hotline: 0983.970.780

Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Sáu 19/10/2018 , 11:58 (GMT+7)

Hà Nội, 19/10/2018, Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, với sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, tổ chức Hội nghị “Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng”.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cùng đại diện Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của 44 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (GIZ, CIFOR, VFD, ICRAF, USAID, JICA, ADB, PANNATURE, WWF, UNDP…), các chuyên gia, tư vấn, các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị “Tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng” nhằm đánh giá những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, khó khăn và thảo luận tìm ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động bộ máy Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng gắn với thúc đẩy thực thi chính sách ngày càng đạt hiệu quả.

Trong suốt 10 năm qua, được sự đồng hành, hỗ trợ từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và các tổ chức phát triển khác, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã hoàn thành việc giải trình, đánh giá tác động, làm cơ sở giúp gia tăng tính thuyết phục cho nội dung Chương 5 về dịch vụ môi trường rừng và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đang được trình Chính phủ thông qua.

Sau 10 năm tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng gắn với 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã thực sự phát huy được vai trò quan trọng và là địa chỉ tin cậy trong việc huy động nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, góp phần gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, giúp cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Đến nay, toàn quốc đã có 44 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó 38 Quỹ tỉnh đã ổn định bộ máy tổ chức. Các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong việc thực hiện nhiệm vụ chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng từ bên sử dụng đến bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng; huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đến nay đạt hơn 10.000 tỷ đồng, bình quân trên 1.300 tỷ đồng/năm.

Quang cảnh buổi Hội nghị

Tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm đã góp phần quản lý bảo vệ hơn 5 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn quốc; góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho hơn 410 nghìn hộ gia đình, cộng đồng với 86% là đồng bào dân tộc có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Tại buổi Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trong suốt thời gian qua. 

Quyết tâm đến năm 2019, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ phải thực hiện theo phương thức phi tiền mặt. Có thể bằng chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc thông qua sổ tiết kiệm và ứng dụng các công nghệ khác để chuyển tiền (ví dụ như: chuyển tiền thông qua ứng dụng Viettel trên các thiết bị điện thoại thông minh hoặc qua hệ thống bưu điện của tập đoàn bưu chính viễn thông,…), Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.