| Hotline: 0983.970.780

Trả giá đắt vì đánh bắt vi phạm IUU: [Bài 3] Vừa tù đày, vừa mất tàu

Thứ Năm 04/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nhiều ngư dân cả đời chí thú làm ăn, sắm nhiều tàu cá để tạo thu nhập. Chỉ 1 lần lầm lỡ đánh bắt xâm phạm vùng biên nước ngoài mà phải mang hận cả đời.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), ông Nguyễn Rõ ngậm ngùi nhớ lại bi cảnh đời mình. Ảnh: V.Đ.T.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), ông Nguyễn Rõ ngậm ngùi nhớ lại bi cảnh đời mình. Ảnh: V.Đ.T.

Cùng lúc bị bắt cả 2 tàu cá

Sáng 26/6, ông Nguyễn Rõ (67 tuổi), ngư dân 1 thời nức tiếng làm ăn thành đạt ở khu phố Lâm Trúc 1, phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) nhập viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) để mổ trong hoàn cảnh thiếu thốn tứ bề. Người làng, ai từng chứng kiến cảnh ăn nên làm ra với 2 chiếc tàu cá chuyến biển nào cũng bội thu, giờ càng cám cảnh trước bi cảnh hiện nay của gia đình ông Rõ.

Xuất ngũ về quê, thêm 10 năm theo nghề đi bạn, ông Rõ dành dụm được ít vốn liếng. Năm 1995, ông vay mượn thêm tiền để đóng mới tàu cá BĐ 1127 TS có công suất hơn 200CV với chi phí gần 700 triệu đồng. Đều đặn năm nào ông cũng cho tàu đi 8-9 chuyến biển, chuyến nào cũng bội thu sản phẩm. Số tiền vay để đóng tàu chẳng mấy chốc ông Rõ trả hết.

Năm 2001, ông Rõ 1 lần nữa vay thêm tiền để đóng mới chiếc tàu cá thứ 2 mang số hiệu BĐ 1929 TS. Chiếc tàu này có công suất lớn hơn nên chi phí đến 1,2 tỷ đồng.

“Để đóng tàu cá thứ 2 và mua sắm ngư lưới cụ, ngoài tiền dành dụm, tôi phải vay thêm ngân hàng 180 triệu đồng và vay của bà con 500 triệu đồng nữa. Khoản tiền vay ấy đối với gia đình tôi là không nhỏ, nhưng đang làm ăn suôn sẻ, tôi nghĩ chẳng bao lâu sau sẽ hoàn trả hết. Ấy nhưng chỉ 1 lần xui rủi, cả 2 chiếc tàu cá của gia đình tôi bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt cùng lúc vì đánh bắt xâm phạm vùng biển nước họ. Vậy là bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt của tôi và 2 đứa con trai sau hàng chục năm bỗng chốc tan theo bọt biển”, ông Rõ kể trong giọng nói nấc nghẹn.

Hiện nay, kế sinh nhai của gia đình ông Rõ nương tựa vào chiếc sõng nhôm đánh cá tại Bàu Sen, mỗi ngày kiếm 5-7 chục ngàn. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, kế sinh nhai của gia đình ông Rõ nương tựa vào chiếc sõng nhôm đánh cá tại Bàu Sen, mỗi ngày kiếm 5-7 chục ngàn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Rõ ngậm ngùi nhớ lại: Chuyến biển tháng 4/2007, 2 tàu cá của ông xuất bến cùng lúc tại Cửa Đại (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang). Ông Rõ làm thuyền trưởng 1 chiếc, con trai ông Rõ là Nguyễn Ràng làm thuyền trưởng 1 chiếc. Sau hơn 20 ngày đánh bắt, cả 2 tàu cá của gia đình ông Rõ đều đã khẳm be, 2 cha con dự định bủa mẻ lưới cuối rồi cùng quay về bờ bán sản phẩm.

2 chiếc tàu đang đánh bắt cách nhau 20 hải lý trên vùng biển Indonesia thì bất ngờ tàu chấp pháp nước này xuất hiện. Sau khi dồn hết thuyền viên trên 2 tàu cá sang tàu chấp pháp, lực lượng chức năng Indonesia kéo cả 2 tàu cá về bờ.

“Hồi ấy tàu cá của cha con tôi chưa được trang bị máy móc hiện đại, nên không biết đang hoạt động trên vùng biển nào, nên bị bắt vì lỗi đánh bắt xâm phạm vùng biển Indonesia. Sau đó, 2 tàu cá của cha con tôi bị ngành chức năng Indonesia bán đấu giá cho ngư dân của họ, còn 3 cha con tôi bị họ giam giữ”, ông Rõ nhớ lại.

Khốn khổ trong tận cùng bi cảnh

Nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia can thiệp, nên ông Rõ và con trai lớn là Nguyễn Ràng được giảm án từ 52 tháng tù ở xuống còn 48 tháng. Riêng con trai thứ của ông Rõ là Nguyễn Thái Trọng với vai trò lao động đi bạn nên chỉ ở tù 12 tháng.

“Trong thời gian ở tù, ngành chức năng Indonesia thường xuyên tuyên truyền cho các ngư dân bị giam giữ đừng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, bởi làm như vậy là phạm pháp. Họ còn bảo chúng tôi sau khi mãn hạn tù, về nước nên nhắc nhở bạn bè đồng nghiệp có tàu đánh bắt xa bờ đừng vi phạm như chúng tôi”, ông Rõ chia sẻ.

Để vợ con ở nhà làm ăn kiếm tiền, 1 mình ông Rõ tự chăm sóc cho mình sau ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Để vợ con ở nhà làm ăn kiếm tiền, 1 mình ông Rõ tự chăm sóc cho mình sau ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi mãn hạn tù, về quê, ông Rõ mới cảm nhận được gánh nặng nợ nần. Mất cùng lúc 2 chiếc tàu cá, toàn bộ gia sản chớp mắt đã bốc hơi, ông Rõ chỉ còn lại khoản nợ 180 triệu đồng vay của ngân hàng và 500 triệu đồng vay mượn của bà con. Tiền vay mượn của bà con có thể trì hoãn, còn tiền vay ngân hàng nếu để càng lâu lãi mẹ đẻ lãi con số nợ càng chồng chất. Vậy là ông Rõ gắng gượng giải hết nợ ngân hàng, còn những món nợ của bà con mỗi người mỗi ít đến giờ vẫn còn đeo bám cuộc đời ông.

Họa vô đơn chí, giã từ nghề biển, cuộc sống của gia đình ông Rõ trông hết vào nghề vá lưới của vợ ông. Thế nhưng sau 1 tai nạn giao thông, vợ ông Rõ bị gãy tay. Làm nghề vá lưới mà bị gãy tay coi như mất đường làm ăn. Thế rồi gánh nặng cơm áo gạo tiền lại dồn hết vào chiếc sõng nhôm ông Rõ đóng để đánh bắt cá đồng tại Bàu Sen nằm trên địa bàn Lâm Trúc mỗi ngày.

“Chiếc bàu bé tí tẹo mà có đến 5 chiếc sõng ngày ngày thả lưới đánh bắt cá nên thu nhập chẳng có là bao. Ngày được nhất kiếm 5-7 chục ngàn, hôm thất bát kiếm 2-3 chục ngàn. Trong hoàn cảnh tuổi già thất thế, còn có việc làm kiếm mỗi ngày 5-7 chục ngàn đã là an ủi lắm”, ông Nguyễn Rõ ngậm ngùi nói.

Sau khi lãnh án tù 48 tháng, khi về quê, con trai lớn của ông Rõ là Nguyễn Ràng lâm bệnh tim, không thể đi bạn cho tàu cá khác kiếm kế sinh nhai như người em là Nguyễn Thái Trọng, nên chẳng thể giúp đỡ gì được cho cha mẹ trong bối cảnh khốn cùng.

Vợ chồng ông Rõ cam chịu cảnh sống lay lắt cho đến những ngày cuối tháng 6 vừa qua, ông Rõ phải nhập viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn) để phẫu thuật.

Thăm ông, nhìn cảnh ông đến mỗi bữa ăn phải gọi điện cho dịch vụ bán cơm cho người thân bệnh nhân để đặt cơm, sau đó 1 mình thất thểu đi nhận cơm mà chúng tôi thấy xót lòng.

Mới mổ xong mà mà đến bữa ăn ông Rõ phải tự ra ngoài lấy cơm dịch vụ mang tới. Ảnh: V.Đ.T.

Mới mổ xong mà mà đến bữa ăn ông Rõ phải tự ra ngoài lấy cơm dịch vụ mang tới. Ảnh: V.Đ.T.

"Sau khi giã từ nghề vá lưới, vợ tôi ráng chạy chợ để kiếm tiền lo cho tôi nằm điều trị tại bệnh viện. Các con cũng muốn lên chăm sóc tôi, nhưng thằng lớn bệnh tim mà cũng phải làm đủ việc để nuôi 5 đứa con, còn thằng nhỏ phải đi bạn cho tàu cá để kiếm kế sinh nhai nên tôi không cho. Sau ca mổ, tôi ráng tự đi mua cơm mua cháo, tới giờ thì bác sĩ đến tiêm thuốc, tôi không làm phiền đến con cái", ông Nguyễn Rõ chia sẻ.

“Trước khi bị tai nạn gãy tay, mỗi ngày vợ tôi đi vá lưới cũng kiếm được 100-150 ngàn đồng, cuộc sống cũng tạm ổn. Tiền thằng út làm trong Sài Gòn gửi về dành dụm trả dần nợ cho bà con. Nay tôi lâm bệnh phải phẫu thuật, tiền thằng út gửi về chi phí hết cho việc điều trị, gánh nợ 500 triệu của bà con thêm nặng nề, ám ảnh giấc ngủ của tôi hằng đêm”, ông Nguyễn Rõ than thở.

Xem thêm
Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

HÀ TĨNH Thời tiết nắng mưa xen kẽ làm môi trường nước thay đổi đột ngột, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ngư dân và nghề cá được tôn vinh trong Lễ hội Tinh hoa đất biển

BÌNH ĐỊNH Trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024, ngư dân và nghề cá được tôn vinh, nhất là nghề đánh bắt cá ngừ đại dương.

Xuất khẩu thủy sản nhiều áp lực, VASEP mong tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp

Giá xuất khẩu thấp, áp lực cạnh tranh lớn, nguy cơ ‘đói’ nguyên liệu…, bức tranh xuất khẩu thủy sản dự báo nhiều khó khăn nếu không có những giải pháp tháo gỡ ngay.

Hơn 220 suất quà có ý nghĩa đến với ngư dân Quảng Ngãi

Những suất quà là nguồn cổ vũ, động viên để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.