| Hotline: 0983.970.780

Trả thù vợ vì tự ái đàn ông

Chủ Nhật 02/12/2018 , 10:05 (GMT+7)

Thông thường người nào là lao động chính trong gia đình, người đó có quyền lực nhiều nhất trong mái ấm. Nhưng với gia đình của đôi vợ chồng Vinh Quyên điều đó là ngược lại.

Kể từ ngày Vinh lập gia đình với Quyên cho đến nay, Quyên chỉ đóng vai một người phụ nữ nội trợ đúng nghĩa. Vinh là lao động chính duy nhất trong gia đình hai vợ chồng và hai đứa con. Ngoài những giờ giấc làm việc trên cơ quan mỗi ngày với vai trò bảo trì kỹ thuật tại một bệnh viện, Vinh về nhà đã có Quyên lo liệu cơm nước tươm tất. Các công việc khác trong gia đình, cô đều thay chồng đảm đương tất cả, từ chăm lo cho các con, đưa đón chúng đi học, đi chợ, làm bếp hoặc lau dọn nhà cửa. Ngoài nghĩa vụ gia đình, cô cũng đi kiếm các công việc vặt làm thêm như phụ giúp bán hàng ngoài chợ, nhận quần áo về may gia công thêm ở nhà để phụ giúp chồng lo cho đời sống gia đình.

Nhưng nói gì thì nói, cho dù Quyên có làm thêm chăng nữa nhưng cũng không thể coi những công việc đó như là một nghề. Mỗi lần khai lý lịch cha mẹ trong hồ sơ đi học của các con, cô cũng chỉ khai nghề nghiệp là “nội trợ”, và nghề nghiệp của Vinh là “công nhân”.

Là gia trưởng trong gia đình, lại có tư tưởng chồng chúa vợ tôi, thế nhưng Vinh lại không bao giờ dám ra mặt kẻ cả với vợ. Lý do vì tuy rằng anh mang tiếng là lao động chính trong gia đình, nhưng thực chất người quyết định các khoản chi tiêu lẫn đói no của cả nhà lại là Quyên. Trên thực tế, số tiền lương hàng tháng của Vinh đưa cho vợ rốt lại có ăn uống bóp mồm bóp miệng hết mức vẫn chỉ đủ trang trải chi tiêu cho cả nhà trong vòng chưa tới nửa tháng. Vậy hơn nửa tháng còn lại cả nhà sống nhờ vào đâu? Dẫu Quyên có làm lụng đắp chỗ này vá chỗ nọ giỏi dang lắm cũng chỉ đủ ăn xài chưa được một tuần lễ.

Cuối cùng cả nhà phải sống nhờ vào một vị Mạnh Thường Quân, đó là bà chị ruột tên Đào của Quyên. Cả nhà của Quyên chỉ có hai chị em. Trong khi Đào có mấy căn nhà cho thuê, lại kinh doanh mở cửa hàng mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp giàu có thì cô em lại lấy chồng nghèo, làm ăn lụi xụi. Chị em thương nhau, tháng nào mà Đào chẳng chu cấp thêm tiền cho gia đình Quyên. Được cái Quyên chi tiêu rất dè xẻn, không xin tiền quá nhiều.

Đó chính là lý do vì sao tuy ở trong một gia đình vốn có truyền thống gia trưởng kiểu cổ lỗ sĩ, và rất muốn ra oai với vợ con nhưng Vinh chưa bao giờ dám thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ như các anh em trai của anh ta đã từng hành xử như thế với vợ con họ, thậm chí chẳng dám nói năng to tiếng với Quyên. Bởi vì cả nhà đều biết trên thực tế, Quyên mới chính là người cứu vãn cho cả gia đình.

Tuy nhiên, cũng từ đó lâu dần trong Vinh lại mang nỗi ấm ức đi kèm với cảm giác chồng mà phải nhường nhịn vợ. Huống hồ mỗi lần quay về nhà bố mẹ đẻ, vào những lúc thù tạc với nhau, đám anh em của Vinh đã không ít lần nói khích bác. Những lúc như thế, sẵn đang ngà ngà hơi men, Vinh nổi khùng lên, không tiếc lời chửi bới, nhưng rốt lại vẫn chỉ là chửi vụng vợ ở nhà.

Trước khi lấy vợ, Vinh đã có tiếng đào hoa trong giới bạn bè. Vinh rất tự hào là trong số các cô gái anh ta đã quen, chỉ có Vinh bỏ các cô, chứ họ chưa bao giờ bỏ anh ta. Trong mắt Vinh, Quyên chính là cô bạn gái kém hẳn nhan sắc so với các cô khác, thế mà tại sao anh lại phải ăn đời ở kiếp với cô ta? Ở đời lắm khi cái khó bó cái khôn, cũng chỉ vì anh ta biết gia đình Quyên khá giả nên mới quyết tâm cưới cô. Yêu nhau thì có thể “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, nhưng ăn đời ở kiếp với nhau thì câu nói đó coi bộ không ổn. Gần đây, nhân dịp một cô bạn gái cũ tên Tâm tình cờ gặp lại Vinh và sau khi tìm hiểu, Tâm tỏ ra thương tình nên đã hứa sẽ chu cấp cho gia đình Vinh đều đặn, từ giờ trở đi không còn phải lo nỗi túng thiếu. Huống hồ so với một Quyên lúc này đang bộ dạng lam lũ, đầu tắt mặt tối, thì Tâm trông xinh đẹp, đáng yêu biết bao.

Vừa mềm lòng trước những hứa hẹn của người đẹp, vừa ôm mối hậm hực với vợ bấy lâu nay, Vinh kiếm cớ nói dối với vợ phải đi công tác xa, anh ta định bụng sẽ đến ở hẳn nhà Tâm luôn một tuần lễ. Thế nhưng mới ở được ba ngày, mỗi lần hỏi đến chuyện tiền bạc, anh ta đều nghe Tâm nói quanh nói khất, thì ra người ta hứa hẹn vẫn dễ hơn thực hiện lời hứa. Cộng thêm một hôm Vinh và Tâm cặp kè với nhau ngoài phố bị người quen bắt gặp về mách lại với Tâm. Sự việc đổ bể, Tâm theo dõi, tìm đến tận nơi làm dữ, Vinh vừa xấu hổ vừa ăn năn, lại trở về xuống nước năn nỉ, xin vợ tha thứ. Một thời gian sau quay lại dọ hỏi tung tích Tâm, chỉ biết cô ta đã bỏ đi đâu mất tăm từ dạo ấy.

(Kiến thức gia đình số 48)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm