| Hotline: 0983.970.780

Trạm Tấu chuẩn bị gần 3.500 cây rơm chống đói cho trâu bò

Chủ Nhật 19/11/2023 , 15:39 (GMT+7)

Ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện.

Với người nông dân, con trâu, con bò là vật nuôi không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, người dân đã tận dụng đầy đủ các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, thân cây ngô, chuối, trồng thêm cỏ voi để dự trữ thức ăn và tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi.

Hiện nay tổng đàn gia súc chính trên địa bàn huyện Trạm Tấu là 48.000 con. Ngay từ đầu tháng 10, ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã tiến hành rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện. Để thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét , UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động đến các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc.

Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân làm trên 3.455 cây rơm, trồng thêm diện tích cỏ voi, ngô sinh khối. Vận động người dân tiêm phòng một số loại vacxin, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm rét hại.

Gia đình chị Giàng Thị Dí đã trồng thêm cỏ voi, dự trữ thức ăn khô cho đàn trâu. Ảnh: Hùng Khang.

Gia đình chị Giàng Thị Dí đã trồng thêm cỏ voi, dự trữ thức ăn khô cho đàn trâu. Ảnh: Hùng Khang.

Thời gian này hộ gia đình chị Giàng Thị Dí tại thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, vẫn đang tích cực trồng thêm cỏ, dự trữ thức ăn khô, sửa chữa chuồng trại, tăng cường chất dinh dưỡng cho đàn gia súc, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra vào mùa đông.

 “Sau khi gặt lúa xong, gia đình đã chủ động dự trữ đủ rơm khô, trước đó cũng đã trồng thêm chuối và cỏ voi. Khi nhiệt độ xuống thấp sẽ lấy thêm bạt để che chắn chuồng trại giúp tránh rét cho đàn gia súc”, chị Giàng Thị Dí chia sẻ.

Còn với hộ gia đình ông Giàng A Bâu ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, ngay từ đầu mùa đông gia đình ông đã chủ động chăm sóc gia súc tại nhà. Để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, khi thu hoạch vụ lúa mùa, ông Bâu tiến hành dự trữ rơm rạ, đồng thời trồng cỏ voi để có nguồn thức ăn tại chỗ. Không chỉ vậy, ông cùng các thành viên trong gia đình gia cố lại chuồng trại, mua bạt quây lại chuồng để giữ ấm cho trâu, bò. Nhờ làm tốt công việc đó mà các năm trước đàn trâu, bò của gia đình ông luôn khỏe mạnh, có sức chống chọi với giá rét.

Người dân dùng bạt để quây lại chuồng giúp giữ ấm cho trâu, bò. Ảnh: Hùng Khang.

Người dân dùng bạt để quây lại chuồng giúp giữ ấm cho trâu, bò. Ảnh: Hùng Khang.

“Dù mới bước vào đầu mùa đông, nhưng gia đình tôi đã đưa toàn bộ đàn trâu của gia đình về nhà để nuôi nhốt. Nếu thời tiết lạnh sâu thì sẽ cho gia súc ăn nhiều loại thức ăn xanh và đốt lửa ngoài chuồng để sưởi ấm”, ông Giàng A Bâu chia sẻ.

Hiện nay, xã Xà Hồ có gần 5.000 con gia súc. Đàn gia súc không chỉ đảm bảo sức cày kéo trong sản xuất nông nghiệp mà còn là tài sản chính của người dân. Để duy trì, ổn định đàn gia súc trong mùa đông, UBND xã Xà Hồ đã chủ động nhiều biện pháp phòng chống đói rét, dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng tránh dịch bệnh, giảm tối đa thiệt hại cho đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp.

Thời gian qua, cán bộ xã đã tuyên truyền bà con nên dự trữ thức ăn cho vật nuôi, đồng thời vận động bà con không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Đến nay 100% hộ chăn nuôi có chuồng trại nuôi nhốt.

“Nhận thấy việc tránh rét cho đàn gia súc là rất quan trọng, ngay từ đầu tháng 11, UBND xã đã chỉ đạo cho cán bộ thú y xuống thôn bản tuyên truyền cho nhân dân tận dụng các nông phẩm như rơm khô, cây ngô khô, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông tới. Thứ hai là gia cố và che chắn chuồng trại cẩn thận”, ông Giàng A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ cho biết.

Ngay từ đầu mùa đông trâu đã được các hộ dân đưa về nhà để chăn thả. Ảnh: Hùng Khang.

Ngay từ đầu mùa đông trâu đã được các hộ dân đưa về nhà để chăn thả. Ảnh: Hùng Khang.

Hằng năm, thời tiết trên địa bàn các xã ở vùng cao huyện Trạm Tấu thường xuyên xuất hiện băng giá và sương muối, có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Với sự chủ động tích cực trong phòng chống đói rét cho gia súc, huyện Trạm Tấu phấn đấu sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do giá rét gây ra và duy trì, giữ vững tổng đàn gia súc chính của địa phương.

Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu không thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh thì tình trạng gia súc chết hàng loạt có thể tái diễn. Vì vậy đòi hỏi cần có sự chủ động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành chức năng và các hộ chăn nuôi trong thực hiện kế hoạch phòng, chống đói rét cho trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức cũng như hành động của người chăn nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.