| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu [Bài 8]: Có tình trạng 'dao sắc không gọt được chuôi'

Thứ Tư 01/06/2022 , 17:21 (GMT+7)

Chế tài xử phạt đã đủ mạnh. Chúng ta muốn làm đến nơi đến chốn không, hay chỉ tổ chức những cuộc thanh tra, kiểm tra theo kiểu 'trống giong cờ mở'.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Tiến Dũng - nguyên Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT), quyền Giám đốc Trung tâm Phòng chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu nông nghiệp Việt Nam (thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y) khi trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam sau loạt bài điều tra “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu”.

Ông Phạm Tiến Dũng - Quyền Giám đốc Trung tâm  Phòng chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu nông nghiệp Việt Nam (thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y) trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Ông Phạm Tiến Dũng - Quyền Giám đốc Trung tâm  Phòng chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu nông nghiệp Việt Nam (thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y) trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hùng.

Sử dụng vacxin, thuốc thú y lậu: Cực kỳ nguy hiểm!

Thưa ông, hiện nay nhiều loại vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngoài danh mục được bán tràn lan trên thị trường. Điều này gây ảnh hưởng như thế nào đối với ngành chăn nuôi và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam?

Vacxin cũng giống như thuốc thú y, là những mặt hàng được quản lý đặc biệt. Bởi vì nó liên quan đến phòng, chống dịch. Đối với các loại vacxin nhược độc, nếu sản phẩm không đảm chất lượng, có thể độc lực của virus sẽ trỗi dậy và tạo thành ổ dịch mới. Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong loạt bài điều tra dài kỳ, tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), chính những bác sỹ thú y tiêm phòng dịch vụ cho đàn vịt của các hộ chăn nuôi cũng thừa nhận rằng “tiêm rồi nhưng vẫn dịch”.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, theo quy định, tất cả vacxin nhập khẩu đều phải có giấy phép và được khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm tra độ an toàn và hiệu lực bảo vệ của vacxin. Nhưng đã là sản phẩm nhập lậu, hàng ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam thì chẳng có cơ quan nào kiểm tra chất lượng. Chúng ta không thể biết nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng các loại thuốc, vacxin nhập lậu.

Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm có thể lây sang người. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch khi mà cơ quan chức năng không quản lý được thuốc, vacxin nhập lậu.

Cho nên, vấn đề này phải có sự ra tay của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an và chuyên ngành thú y, chăn nuôi thì mới ngăn chặn được. Nếu không thì sẽ xảy ra hiện tượng nhập lậu tràn lan, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh, doanh thuốc thú y, vacxin do cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta rất khó quản lý an toàn thực phẩm khi người chăn nuôi sử dụng kháng sinh, vacxin một cách bừa bãi khi chưa có nghiên cứu đánh giá và khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Ông Dũng từng kinh qua nhiều chiến dịch ngăn chặn sử dụng chất cấm như Vàng Ô, Salbutamol trong chăn nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Dũng từng kinh qua nhiều chiến dịch ngăn chặn sử dụng chất cấm như Vàng Ô, Salbutamol trong chăn nuôi. Ảnh: Minh Phúc.

Vậy trên thực tế, Trung tâm Phòng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu nông nghiệp Việt Nam (thuộc Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y) đã phát hiện sản phẩm thuốc, vacxin, kháng sinh nguyên liệu có dấu hiệu nhập lậu hoặc làm giả hay chưa?

 Chúng tôi đã phát hiện nhiều sản phẩm là hàng lậu, hàng giả, ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài vacxin, thuốc thú y thì còn có khá nhiều loại kháng sinh nguyên liệu kém chát lượng. Điển hình như các loại kháng sinh  Florfenicol, Amoxycilin, Colistin, Tylosin… với hàm lượng 98%.

Mặc dù trên tem nhãn sản phẩm in chữ Thái Lan, nhưng chúng tôi đã kiểm tra các cơ sở chuyên phân phối kháng sinh nguyên liệu sản xuất thuốc thú y thương phẩm thì thấy rằng, Thái Lan không có doanh nghiệp nào sản xuất nguyên liệu thuốc thú y. Do vậy có thể khẳng định 100% là các đối tượng đã nhập khẩu từ các quốc gia khác, hoặc làm giả sản phẩm để lừa dối khách hàng rằng đây là hàng đạt chuẩn.

Tuy chưa phân tích các hoạt chất, nhưng chúng tôi tin rằng bên trong các hũ sản phẩm đó chủ yếu là bột mì, bột sắn và các tá dược khác. Bởi giá của các loại kháng sinh này rẻ chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm do doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch.

Nhiều loại thuốc thú y ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều loại thuốc thú y ngoài danh mục sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Phúc.

Sắp tới Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện việc làm giả, làm nhái các sản phẩm thuốc thú y, vacxin có thương hiệu bán chạy trên thị trường. Việc làm này các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc nhưng cần sự kết hợp chặt chẽ hơn, làm liên tục, làm gắt thì may ra mới giảm được tình trạng này.

Củng cố năng lực thanh tra chuyên ngành - muộn còn hơn không

Theo ông vì sao thời gian qua số vụ việc vi phạm trong mua bán thuốc, vacxin ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam lại quá ít như vậy?

Trước hết, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Họ biết rằng trên thị trường hiện nay có rất nhiều mặt hàng nhập lậu, ngoài danh mục nhưng vẫn không vào cuộc mạnh mẽ.

Một trong những lý do họ đưa ra là thiếu người. Nhưng đã là cơ quan quản lý nhà nước, thì thanh tra, kiểm tra là biện pháp không thể coi nhẹ. Để dẫn đến thực trạng như thế này, chúng tôi nghĩ rằng muộn còn hơn không, phải củng cố lại năng lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành thú y ở các địa phương. Đồng thời, có sự kết hợp giữa các ngành với nhau để cùng quản lý thật tốt.

Tôi rất mừng là sau khi loạt bài điều tra về vacxin, thuốc thú y lậu trên Báo Nông nghiệp Việt Nam được đăng tải, Bộ NN-PTNT nhanh chóng có văn bản số số 3209/BNN-TY đề nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Nếu không thì sự việc sẽ đi quá xa và thiệt thòi nhất vẫn là người chăn nuôi cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y trong nước.

Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đôi khi xảy ra tình trạng 'dao sắc không gọt được chuôi'.

Ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đôi khi xảy ra tình trạng “dao sắc không gọt được chuôi”.

Hiện nay, hệ thống thú y ở các địa phương cũng từng bước được khôi phục, nhất là các trạm thú y. Trong khi đó, các vụ việc vi phạm trong kinh doanh thuốc thú y chủ yếu xảy ra ở địa bàn xã, huyện chứ không phải trên tỉnh. Cho nên, việc nắm bắt địa bàn, quản lý địa bàn phải rất sát sườn thì công tác ngăn chặn mới kịp thời, hiệu quả. Tiếp nữa là sự vào cuộc của cơ quan công an, quản lý thị trường, biên phòng và hải quan thì sẽ quản lý tốt hơn và người chăn nuôi sẽ yên tâm hơn.

Thời còn giữ chức vụ Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành I (Thanh tra Bộ NN-PTNT), ông từng tham gia rất nhiều “trận đánh lớn” để đấu tranh với các hành vi sử dụng chất cấm Vàng Ô, Salbutamol trong chăn nuôi. Những “cuộc chiến” đó đã tạo tiếng vang lớn, giúp ngành nông nghiệp vơi bớt nỗi lo mất an toàn thực phẩm. Vậy theo ông, làm thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng mua bán thuốc, vacxin nhập lậu như hiện nay?

 Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, trước hết lực lượng làm công tác này phải có nghiệp vụ chuyên môn, chịu khó học hỏi thì mới đúc rút được kinh nghiệm để khi tác nghiệp đạt hiệu quả đúng mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nếu “đơn thương độc mã” hành động, lực lượng thanh tra chỉ phát huy được kỹ năng chuyên ngành. Cần phải phối kết hợp với lực lượng công an, bởi họ có nghiệp vụ về điều tra, xét hỏi và trinh sát.

Có những vụ việc vi phạm, hàng rào kỹ thuật của chúng ta không phát hiện ra được. Ví dụ như dùng hoá chất công nghiệp để tạo đạm giả trong thức ăn chăn nuôi. Và sau khi Salbutamol – chất tạo nạc, kích thích tăng trọng trong chăn nuôi bị cấm sử dụng thì sau đó lại phát hiện ra Cysteamine - là hóa chất công nghiệp thay thế chất tạo nạc và kích thích tăng trọng Salbutamol.

Việc này cần sự trinh sát của lực lượng công an, đồng thời tìm phòng thí nghiệm được cơ quan nhà nước chỉ định để kiểm tra các hoạt chất  thì mới đảm bảo tính pháp lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đôi khi xảy ra tình trạng “dao sắc không gọt được chuôi”, tức là anh vừa ký Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, vừa đi kiểm tra cơ sở đó thì không được khách quan.

Ví dụ, một cán bộ thú y được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn, anh tiếp xúc nhiều với các cửa hàng, đại lý và có sự quen biết, rất là khó ngăn chặn. Chưa kể một số trường hợp còn có yếu tố người nhà, các mối quan hệ quen thân. Và khi các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm, nếu không xử lý đến nơi đến chốn thì vi phạm sẽ vẫn tiếp diễn.

Cứ "trống giong cờ mở" thì rất khó phát hiện sai phạm

Một số lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y địa phương than khó rằng thẩm quyền của họ ít quá. Thanh tra của Chi cục chỉ được kiểm tra cửa hàng và các điều kiện kinh doanh, nên rất khó phát hiện ra những vi phạm nếu chủ cửa hàng để sản phẩm ở một nơi khác không phải địa điểm đăng ký kinh doanh. Theo ông, những lời giải thích đó có thỏa đáng hay không?

Thực ra mà nói, những lời giải thích đó chỉ là sự né tránh và biện bạch mà thôi. Bởi anh muốn thanh tra, kiểm tra hiệu quả thì trước đó phải trinh sát. Nếu trình độ nghiệp vụ của chúng ta không trinh sát được thì có thể phối hợp với công an và các lực lượng khác để làm.

Có những vụ việc chúng tôi kiểm tra tại cửa hàng, đại lý không phát hiện hàng hoá vi phạm, nhưng khi xuống kho của họ ở một địa điểm khác thì lại phát hiện rất nhiều. Kết quả đó được tạo nên từ sự dày công đầu tư nắm tình hình rồi mới triển khai, còn nếu làm không đến nơi đến chốn thì hiệu quả thanh tra kiểm tra rất kém.

Đặc biệt đối với các đoàn kiểm tra có báo trước, cứ “trống giong cờ mở” thì không ai để sai phạm trên quầy bán hàng trực tiếp. Họ sẽ giấu hàng hóa vi phạm ở vị trí khác, khi khách cần họ mới lấy ra để bán.

Ngoài ra, họ né tránh lực lượng chức năng bằng cách chuyển tiền online rồi lấy hàng về mà người bán và người mua không cần biết mặt nhau. Để ngăn chặn được vấn đề này rất khó và phải có lực lượng công an cùng vào cuộc.

Theo ông, chế tài xử phạt hiện nay đã đảm bảo để răn đe các đối tượng mua bán vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu nhập lậu hay chưa?

Thực ra mà nói, chế tài hiện nay tương đối mạnh rồi. Và Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã cân nhắc và đưa ra những tình tiết mang dấu hiệu hình sự phải xử lý. Do đó tôi nghĩ là chúng ta không khó để làm. Vấn đề là chúng ta có làm đến nơi đến chốn không hay anh chỉ dừng lại ở một vài cửa hàng vi phạm mà không truy xuất tiếp, không tìm ra kho hàng thực sự nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để có thể truy tố. Chúng ta phải làm những vụ điển hình để có sức răn đe thì mới dẹp được tình trạng này.

Phát huy vai trò trung phong của cơ quan thanh tra cấp trên

Vậy theo ông, vì sao những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và ngoài danh mục, chưa có cơ quan nào kiểm định chất lượng nhưng người dân vẫn mua để sử dụng?

Thứ nhất là vì giá rẻ. Thứ hai là công tác thông tin tuyên truyền chưa đến họ. Vậy ai phải đứng ra tuyên truyền? Trước tiên là là lực lượng quản lý chuyên ngành về thú y. Thứ hai là cần huy động sự vào cuộc của các cơ quan báo đài để lan tỏa thông tin đến đại chúng. Thứ ba là đưa các vụ việc điển hình lên báo chí để có sức răn đe.

Bởi người dân thì chỉ ham rẻ thôi, họ vô tình tiếp tay cho các hàng hóa vi phạm, và khi nổ ra các ổ dịch thì rất nguy hiểm. Hồi chúng tôi làm các vụ việc chống chất cấm trong chăn nuôi, thì phóng viên các cơ quan báo đài luôn luôn song hành, phát hiện sai phạm thì phải trả lời trên báo chí để người dân hiểu được thế nào là chất cấm, thế nào là chất mà người dân không được phép sử dụng, rồi mức xử phạt ra sao. Từ đó họ sẽ có ý thức trong sử dụng các nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi.

Hiện nay, ở một số địa phương, hệ thống thú y cơ sở chưa được kiện toàn. Đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điều tra dịch tễ cũng như phát hiện các sản phẩm vacxin, thuốc thú y ngoài danh mục bị hạn chế hơn so với trước đây?

Đúng vậy, trước đây hệ thống thú y được bao phủ đến cấp xã, nhưng hiện nay ngân sách địa phương không hỗ trợ nữa. Thậm chí cấp huyện của một số tỉnh không có trạm thú y mà sáp nhập vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Họ sẽ phải làm tất cả các công việc khác nhau ngoài chuyên ngành thú y, nên sẽ không tập trung vào việc giám sát dịch tễ, giám sát sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi.

Đặc biệt, có tình trạng vì địa bàn xa quá nên quản lý nhà nước không trải được tới nơi, người dân có thể giấu dịch để tự mua thuốc chữa nên rất nguy hiểm.

Vậy trong lúc này, Bộ NN-PTNT có cần xắn tay vào cuộc để phát động chiến dịch hành động ngăn chặn tình trạng mua bán vacxin, thuốc thú y nhập lậu như trước đây Bộ từng triển khai nhằm chống chất cấm trong chăn nuôi?

Điều này phải căn cứ vào tình hình thực tế, sự quan tâm của lãnh đạo và năng lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành. Nếu chúng ta không nhiệt huyết mà làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” thì không những không thành công mà có khi còn tạo dư luận không tốt.

Muốn ngăn chặn việc nhập lậu, mua bán thuốc, vacxin, nguyên liệu kháng sinh phải có sự ra tay quyết liệt từ Trung ương trở xuống. Khi cấp trên làm trung phong tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra thì tính độc lập chắc chắn sẽ cao hơn. Tính độc lập cao hơn thì không bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ hay quen biết gì cả. Đấy là cái hay của cơ quan thanh tra cấp trên. Nhưng nếu cơ quan cấp trên mà không vào cuộc, không nhiệt huyết thì rất khó làm.

Đặc biệt, không chỉ có mỗi lực lượng thanh tra của Cục Thú y mà phải huy động các lực lượng, phòng ban chuyên môn khác. Ví dụ như Phòng Quản lý thuốc thú y, Phòng Dịch tễ thú y, Phòng Thú y cộng đồng, Phòng Kiểm dịch động vật, Phòng Thú y thủy sản và các đơn vị trực thuộc Cục Thú y như: các Chi cục Thú y vùng; Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương; Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương; Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y; Trung tâm Kiểm dịch động vật cũng phải tham gia cùng, như vậy mới tạo nên sức mạnh vì mục tiêu chung.

Mặc dù biết rằng số lượng nhân sự quá ít trong khi khối lượng công việc thì nhiều, nhưng các phòng chuyên môn không thể chỉ ngồi một chỗ để cấp phép theo kiểu xin – cho; không chỉ chờ ổ dịch nổ ra mới xuất quân, tất cả phải vào cuộc.

 Xin cảm ơn ông!

--------------

Bài 1: Tôi đi mua vacxin lậu

Bài 2: Trại chăn nuôi thành 'phòng thí nghiệm' vacxin lậu

Bài 3: Đi tìm 'trùm' buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc

Bài 4: Sử dụng kháng sinh vô tội vạ, hiểm họa cho sức khỏe con người

Bài 5: Shopee - 'thiên đường' mua bán vacxin thú y không phép

Bài 6: Do hệ thống thú y bị đứt gãy

Bài 7: Lời 'gan ruột' của các nhà quản lý chuyên ngành thú y

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.