| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu [Bài 9]: Đề nghị Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường vào cuộc

Thứ Năm 02/06/2022 , 13:55 (GMT+7)

'Thuốc thú y chưa kiểm nghiệm, chưa khảo nghiệm được bán khắp nơi, bán rất nhiều, trong đó có cả hàng nhập lậu, muốn quản lý được thì trước hết phải có bộ máy'.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khi đề cập đến vấn đề quản lý buôn bán thuốc thú y trên thị trường hiện nay.

Đến 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, nếu không quản lý được hoạt động buôn bán thuốc thú y thì hàng loạt các loại vacxin, thuốc không được khảo nghiệm, kiểm nghiệm sẽ tràn ra thị trường.

Ông nhấn mạnh thêm, việc mua bán thuốc, vacxin thú y dởm, vacxin giả xách tay qua cửa khẩu và các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng đến dịch bệnh, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm mà còn ảnh hưởng ngay đến sức khỏe con người.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ những bất cập, tồn tại trong hoạt động buôn bán thuốc thú y. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ những bất cập, tồn tại trong hoạt động buôn bán thuốc thú y. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thẳng thắn phơi bày một thực trạng đáng báo động: “Bây giờ kháng sinh dùng khắp mọi nơi, ghê gớm lắm. Mà hiện tượng kháng kháng sinh ở người rõ lắm rồi, ở động vật thì càng rõ”. “Nếu chúng ta cứ bán tràn lan như hiện nay thì kháng sinh tồn dư trong thực phẩm sẽ chuyển sang con người”.

Một đất nước đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể không có nguồn thực phẩm an toàn. Bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, trí tuệ, đến tầm vóc Việt Nam. “Tôi nhớ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, có đại biểu tổng kết lại là mức tăng chiều cao của người Việt nằm trong tốp thấp nhất Thế giới. Đi qua các cổng trường đại học, nhìn các cháu sinh viên thật thấp bé”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

Ông cho rằng, để tạo dựng được các chuỗi an toàn thực phẩm khổng lồ về thịt, trứng, sữa,… chúng ta không thể không quản lý chặt chẽ các nguyên liệu đầu vào như thức ăn, thuốc thú y.

Để giải quyết vấn đề này, vị lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận thấy công tác thông tin tuyên truyền là rất quan trọng, từ đó người dân biết, người dân bàn, người dân làm và kiểm tra. “Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi nhớ mãi lời anh Trần Ngọc Vinh nói trên nghị trường rằng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa rất gần, rất ngắn”. Do đó, nội dung chương trình giám sát tốt cao đầu tiên của Quốc hội khóa XIV là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

Nhiều loại kháng sinh nguyên liệu vẫn được rao bán công khai với số lượng lớn tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều loại kháng sinh nguyên liệu vẫn được rao bán công khai với số lượng lớn tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

“Trách nhiệm của ngành Thú y là phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan và lãnh đạo các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát thuốc thú y”, Thứ trưởng nói thêm. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có vướng mắc, khi cần Bộ NN-PTNT sẵn sàng ban hành các văn bản, ý kiến kiến nghị. Nếu đó là những nội dung đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ sẽ làm. Bởi muốn nói gì thì nói, nông nghiệp vẫn là nền tảng, là trụ cột của nền kinh tế.

Cần kiện toàn bộ máy quản lý chuyên ngành thú y

“Trước thực trạng thuốc thú y chưa kiểm nghiệm, chưa khảo nghiệm được bán khắp nơi, bán rất nhiều, trong đó có cả hàng nhập lậu, muốn quản lý được thì trước hết phải có bộ máy”, Thứ trưởng Tiến nói.

Mặc dù tại Điều 6 Luật Thú y đã quy định rõ, Trung ương có Cục Thú y, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có Chi cục Thú y, huyện có trạm Thú y và xã có nhân viên Thú y. Lực lượng này quản lý dịch bệnh, quản lý buôn bán, sử dụng vacxin, thuốc thú y, quản lý giết mổ… Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa kiện toàn lại hệ thống này theo Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/3/2021 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030.

Trước tình trạng sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là kháng sinh một cách thiếu kiểm soát như hiện nay, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 3609 ngày 23/8/2021 về  “Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025”.

Nêu lên sự cần thiết của Kế hoạch hành động, Bộ NN-PTNT cho biết: “Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vào khoảng năm 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần suất cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc, lớn hơn số bệnh nhân ung thư hiện nay”.

Tình trạng kháng kháng sinh làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho con người, vật nuôi và là gánh nặng cho kinh tế gia đình và xã hội. Chính vì vậy WHO đã đưa ra khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng kháng sinh.

Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của Kế hoạch hành động theo Quyết định 3609 là giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.

Đề nghị lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, quản lý thị trường cùng vào cuộc

Tại Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y (tổ chức ở Bà Rịa - Vũng Tàu) vào cuối tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, cơ quan có liên quan ở địa phương giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (đối với các tỉnh đã chuyển giao nhiệm vụ về Thanh tra Sở NN-PTNT), tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh đủ năng lực, đảm nhận thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị UBND các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng liên quan, nhất là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết, buôn bán thuốc thú y nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam,…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các lực lượng Bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường vào cuộc để ngăn chặn tình trạng mua bán vacxin, thuốc thú ý nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các lực lượng Bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường vào cuộc để ngăn chặn tình trạng mua bán vacxin, thuốc thú ý nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Để làm tốt công tác quản lý thuốc thú y, cần phải tăng cường thanh tra hoạt động kinh doanh tại cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản; lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, vacxin lưu hành trên địa bàn quản lý.

“Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quản lý thị trường và các ban, ngành của UBND các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở buôn bán thuốc thú y để kiểm tra chất lượng; thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y vi phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về về nguy cơ, tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y không đúng quy định. Đồng thời vận động người chăn nuôi mua thuốc thú y ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành.

Thứ trưởng lưu ý người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, giết mổ, đặc biệt là không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật trên cạn và động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh.

Đặc biệt, cần công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm trong buôn bán thuốc thú y trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được biết, tránh mua phải hàng cấm, hàng ngoài danh mục, hàng giả, hàng kém chất lượng.

--------------

Bài 1: Tôi đi mua vacxin lậu

Bài 2: Trại chăn nuôi thành 'phòng thí nghiệm' vacxin lậu

Bài 3: Đi tìm 'trùm' buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc

Bài 4: Sử dụng kháng sinh vô tội vạ, hiểm họa cho sức khỏe con người

Bài 5: Shopee - 'thiên đường' mua bán vacxin thú y không phép

Bài 6: Do hệ thống thú y bị đứt gãy

Bài 7: Lời 'gan ruột' của các nhà quản lý chuyên ngành thú y

Bài 8: Có tình trạng 'dao sắc không gọt được chuôi'

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất