| Hotline: 0983.970.780

Trận mưa quý như ai cho tiền

Thứ Hai 03/08/2020 , 06:56 (GMT+7)

Đợt mưa không lớn nhưng kéo dài trong 2 ngày đã giải nhiệt cơn khát và mang lại màu xanh trên ruộng đồng ở Quảng Bình.

Trong hai ngày (từ 1-2/8) do ảnh hưởng của áp thấp nên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa trên diện rộng. Dù mưa không lớn nhưng kéo dài đã tăng được lượng nước đáng kể, giải nhiệt cho cây trồng, đồng ruộng.

Ông Nguyễn Phúc (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay: "Nhà tôi trồng gần 100 gốc ổi, đã bị nắng hạn làm khô héo. Mấy tháng qua tưới cầm chừng vì giếng nước gần cạn kiệt. May có trận mưa làm thấm đất, lá ổi đã hết quắt queo và có màu xanh trở lại rồi".

Vườn ổi nhà ông Phúc đã tươi xanh trở lại. Ảnh: N.Tâm.

Vườn ổi nhà ông Phúc đã tươi xanh trở lại. Ảnh: N.Tâm.

Trời dịu mát, cây nảy chồi

Hai bên đường tránh lũ chạy qua đồi cát thuộc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) là những rừng phi lao, tràm bị nắng hạn thiêu khô hết lá. Đã có vài trận cháy rừng xảy ra nhưng được phát hiện và chữa cháy kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.

Rừng phi lao khô cháy lá đã được những ngày mưa giải nhiệt. Ảnh: N.Tâm.

Rừng phi lao khô cháy lá đã được những ngày mưa giải nhiệt. Ảnh: N.Tâm.

Theo ông Trần Anh Tú, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình (BQL) thì tổng diện tích rừng trên cát đơn vị quản lý là hơn 13.000ha. Trong đó, có hơn 2.000ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Hơn 3 tháng qua, lực lượng Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm các huyện và chính quyền địa phương có rừng luôn trong tình trạng báo động cao vì việc cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hai ngày đêm có mưa, trời dịu hẳn. Dưới lớp thảm thực bì của rừng phi lao, rừng tràm đã ẩm ướt. Ông Trần Anh Tú bảo: “Nhờ trận mưa này mà rừng được phục hồi. Nếu trong tháng tiếp theo trời không có mưa bổ sung thì cũng chưa đến mức khô cháy. Nhiệm vụ phòng chống chữa cháy rừng bớt áp lực một chút, anh em bớt khổ”.

Dù lá khô cháy nhưng ngọn phi lao đã bật mầm xanh. Ảnh: N.Tâm.

Dù lá khô cháy nhưng ngọn phi lao đã bật mầm xanh. Ảnh: N.Tâm.

Ông Nguyễn Phúc trong cơn mưa vẫn đội nón ra vườn ổi. Ông nâng nhẹ từng cành cây để cảm nhận ngọn, lá đang dần có màu xanh trở lại. Quá mừng! Ông cho hay: “Toàn bộ vườn ổi đang độ sung sức và cho thu hoạch đều bị hắng hạn làm queo quắt hết lá. Nếu kéo thêm tháng nữa thì chắc chỉ còn chặt lấy củi thôi. May có trận mưa thấm đẫm này, cây hồi phục nhanh, chồi bật dần. Giếng cũng có thêm nước để tuần sau có thể tưới dặm thêm. Như vậy là qua được đợt hạn hán này rồi”.

Nước được bơm lên bổ sung cho những vùng đồng có lượng mưa ít hơn. Ảnh: N.Tâm.

Nước được bơm lên bổ sung cho những vùng đồng có lượng mưa ít hơn. Ảnh: N.Tâm.

Lúa trổ trên đồng

Tôi về huyện Quảng Ninh nơi có diện tích lúa hè thu bị hạn lớn của tỉnh. Con đường liên xã Duy Ninh - Hàm Ninh chạy xuyên qua những cánh đồng. Đâu đâu nước cũng ngập tràn.

Cánh đồng lúa Duy Ninh màu xanh bật trội lên. Lúa bắt đầu trổ đòng gặp được thời tiết mát và trận mưa nhẹ tiếp nước nên bật nhanh hơn. Ông bà Nguyễn Văn Phi vừa đi thăm đồng, vừa tranh thủ bứt cỏ về cho bò. Ngồi xổm bên vạt ruộng, bà Phi mừng ra mặt: "Cỏ trên bờ cũng xanh ngỏ. Dưới ruộng, lúa trổ đòng bông dài lắm. Chỗ mô lúa cũng trổ như nhau. Qua đận hạn này nữa là lúa như được hồi sức. Vụ ni có khả năng được mùa dù là hạn nặng đó”.

Mương máng trên đồng được trữ đầy nước mưa. Ảnh: N.Tâm.

Mương máng trên đồng được trữ đầy nước mưa. Ảnh: N.Tâm.

Xen bên đồng lúa đang trổ bông là sào ruộng ngô cũng vươn trỗi dậy sau những ngày héo úa. Ông Nguyễn Diên (xã Hàm Ninh), lội giữa những hàng ngô để kiểm tra xem có sâu bệnh gì. Nhìn ruộng ngô ông Diên thoải mái khoe: “Cứ tưởng mấy hôm nữa là bứt về cho bò ăn. Ai ngờ có mấy ngày mưa quý như ai cho tiền. Đất mềm vì nước, ngô xanh vì trời mát. Đà này thì khoảng tháng nữa là cho thu hoạch. Ruộng ngô này cho trên hai ngàn bắp. Thu hoạch bán ngô non mèng cũng kiếm được chục triệu bạc đó thôi".

Ruộng ngô nhà ông Diên hứa hẹn cho vụ bội thu sau cơn đại hạn. Ảnh: N.Tâm.

Ruộng ngô nhà ông Diên hứa hẹn cho vụ bội thu sau cơn đại hạn. Ảnh: N.Tâm.

Thấy chúng tôi đi ngoài đồng vào, bà mệ Phạm Thị (83 tuổi, xã Hàm Ninh) lởi xởi gọi vào nhà uống nước. Hỏi chuyện mưa gió, bà bảo mấy tháng hạn giếng nước kiệt. May mà hai bà cháu có cái bể chứa nước mua khoảng 5 m3 nước. Thi thoảng bà con lối xóm đến xin xô nước về nấu pha ấm trà.

"Khi nước bể gần cạn thì gặp mưa. Hai ngày đêm hứng nước mưa từ mái tôn. Đến chừ, nước cũng gần đầy bể rồi. Dùng tằn tiện thì cũng được hơn hai tháng đó. Mà trong hai tháng tới chắc cũng có được ngày mưa thôi. Hết hạn kéo dài rồi”, bà Thị nói.

Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, hai ngày đêm mưa không lớn nhưng diễn ra trên diện rộng và kéo dài nên cũng cung cấp được một lượng nước đáng kể.

Ruộng của ông Diên hứa hẹn cho mùa bội thu. Ảnh: N.Tâm.

Ruộng của ông Diên hứa hẹn cho mùa bội thu. Ảnh: N.Tâm.

Trên đồng ruộng cơ bản nước ngập hết chân lúa. Phần lớn chân ruộng thuộc đất sét pha nên khi nước ngập ngấm sẽ giữ ẩm được lâu cho cây lúa. Vì vậy, trong vòng một hai tuần tới không phải tưới dặm thêm.

"Mặt khác, các kênh mương cũng đã chứa được nước nên sẽ giảm tải việc bơm từ các hồ, đập thủy lợi. Nhờ những ngày mưa này, diện tích lúa hè thu toàn tỉnh chắc chắn chúng tôi bơm đủ nước cho đến hết vụ. Cơ bản hạn hán ở Quảng Bình đã được chấm dứt”, ông Quảng cho hay.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm