| Hotline: 0983.970.780

Tranh bị "tuýt còi", Thành Phong nói gì?

Thứ Tư 20/11/2013 , 09:49 (GMT+7)

Họa sĩ Thành Phong chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên khi tranh của tôi bị loại vào phút cuối..."

Triễn lãm tranh “Mảng sống” của 5 tác giả Tạ Lan Hạnh, Linh Rab Nguyễn, Mai Hoa, Ndoll Trần và Gerald Gorridge hiện đang diễn ra tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Trước đó, tranh của họa sĩ Thành Phong cũng đã được lựa chọn đưa vào triển lãm, tuy nhiên, đến phút cuối, “cha đẻ” của câu chuyện “Hàng xóm” bị loại ra.

Lí do được cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra là tranh của họa sĩ Thành Phong "trái với thuần phong mỹ tục".

 Cũ và mới

Khi phóng viên Báo NNVN trao đổi với họa sĩ Thành Phong (ảnh) về vấn đề tranh của anh bị loại khỏi triển lãm, anh chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên khi tranh của tôi bị loại vào phút cuối. Thực tế, trước đây, khi “Sát thủ đầu mưng mủ” bị ngưng phát hành nhưng sau đó, những câu thành ngữ sành điệu vẫn được làm triễn lãm. Cho nên, nếu có suy nghĩ rằng tranh của tôi có “dớp” về những thứ nhạy cảm là không có cơ sở”.

Với lí do bị loại ra khỏi triển lãm từ cơ quan quản lý rằng “trái với thuần phong mỹ tục”, Thành Phong cho rằng: “Khái niệm hay tiêu chí thuần phong mỹ tục là tương đối mơ hồ. Tôi cũng chưa bao giờ tự đưa ra định nghĩa thuần phong mỹ tục cho riêng mình, chỉ đơn thuần là khi vẽ tranh, tôi tự cảm nhận chi tiết và cân nhắc những hình ảnh sao cho hợp lý và tránh phản cảm”.

“Mỗi thời đại có một tiêu chuẩn về thuần phong mỹ tục hay những khái niệm khác nhau. Tôi lấy ví dụ thế này, nếu như trước kia người ta cực lực lên án chuyện không chồng mà có con, nhưng bây giờ thì sao, mọi vấn đề được nhìn nhận dưới góc nhìn nhân văn và thông cảm hơn.

Tương tự như vậy, tranh của tôi đặt góc nhìn dưới con mắt của người trẻ và phản ánh cuộc sống xung quanh như vậy. Tôi nghĩ rằng, tiêu chí thuần phong mỹ tục thay đổi qua từng thời đại, không thể lấy những tiêu chí cũ áp vào thời đại mới được”, Thành Phong giãi bày thêm.

Thành Phong chia sẻ, các họa sĩ có tranh tham gia triển lãm “Mảng sống” cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về vấn đề này, có người còn đề xuất ngưng triển lãm lần này nhưng anh không muốn mọi người làm như vậy. Anh cho rằng: “Vướng phải những vấn đề như thế này nhiều nên tôi quen rồi. Tôi không vì chuyện này mà làm ảnh hưởng tới công việc sắp tới của tôi”.

Trẻ và già

Tranh của Thành Phong là một câu chuyện bằng tranh mang tên “Hàng xóm”. Qua quan sát, có thể thấy họa sĩ của “Sát thủ đầu mưng mủ” trung thành với nét vẽ có đặc trưng riêng, thoát ra khỏi phong cách vẽ “Manga” (truyện tranh Nhật Bản) vốn rất phổ biến hiện nay.


Một phần trong câu chuyện “Hàng xóm”

Câu chuyện “Hàng xóm” kể về sự xung đột giữa một đôi trẻ với một bà cụ không có người thân bên cạnh. Mâu thuẫn xảy ra khi những giọt nước mà đôi trẻ tưới cây ở ban công nhà họ vô tình nhỏ xuống ban công nhà bà cụ sống ở tầng dưới. Bà cụ không quan tâm đến những bữa tiệc tùng ồn ào, tiếng đục, cưa sửa nhà và cả những tiếng… âm thanh nhạy cảm mỗi tối của đôi trẻ, duy chỉ có những giọt nước. Mọi sự xung đột bắt đầu bằng những giọt nước và cứ tiếp tục như vậy.

Thành Phong không để câu chuyện kết thúc theo chiều hướng nào mà để những giọt nước tiếp tục nhỏ xuống. Mọi xung đột vẫn cứ tiếp tục như vậy. Trong “Hàng xóm”, có một vài chỗ Thành Phong vẽ cảnh sinh hoạt của đôi nam nữ nhưng không gợi dục, mà chỉ mang tính khắc họa đời sống hiện đại của cặp đôi trẻ. Có lẽ đây là lí do tranh của anh bị “tuýt còi”?

Theo Thành Phong giải thích: “Với tôi, đây là một câu chuyện rất nhân văn về cuộc sống của người trẻ. Người xem có thể thấy sự tai quái, cũng như sự khó tính của bà cụ già. Sau cùng, người xem sẽ thấy sự tương tác giữa họ. Bà cụ rất cô độc, bất an khi phải sống một mình. Những giọt nước xuất hiện trong truyện là cái cớ để bà cụ chuyện trò với đôi trẻ hàng xóm. Vì thế, đôi trẻ tiếp tục để nước rớt xuống, để bà cụ có cơ hội tương tác với những người xung quanh”.

“Người trẻ có cách quan tâm tới người khác rất riêng. Với tôi, người trẻ không chấp nhận việc một người được coi là “sống” vờ vật, mà họ quan niệm, sống là phải có sự giao lưu với xung quanh, cho dù sự giao lưu ấy có thể mang lại sự phiền toái”, Thành Phong giãi bày.

Nguyễn Thành Phong sinh năm 1986, hiện sống và làm việc tại Hà Nội, học bài bản về mỹ thuật, nhưng Nguyễn Thành Phong chọn truyện tranh làm lối đi.

Anh là tác giả hoặc đồng tác giả (ký tên Phong Dương) của các bộ truyện tranh như "Nhi và Tũn", "Long thần tướng", "Orange", "Phù thủy sợ ma", "Cậu bé và máy bay giấy"...

Thành Phong từng gây tranh cãi với tập sách truyện “Sát thủ đầu mưng mủ”, sau đó nhiều nhà chuyên môn đã tổ chức hội thảo về vấn đề ngôn ngữ thời @.

Thành Phong từng nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Tác phẩm “Người hóa hổ” được trao giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á; vào năm 2010, tác phẩm “Bicof Story” được chọn đăng trong tuyển tập truyện tranh của các họa sĩ trẻ Đông Nam Á.

Xem thêm
‘Giao hưởng Điện Biên’ ngân nga tiếng lòng văn nghệ sĩ

‘Giao hưởng Điện Biên’ là trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, ra mắt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có nhiều hình ảnh văn nghệ sĩ tham gia cách mạng.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.