| Hotline: 0983.970.780

Trâu Chiêm Hóa, vật nuôi nổi tiếng xứ Tuyên

Thứ Năm 07/12/2023 , 06:58 (GMT+7)

Thịt trâu Chiêm Hóa là vật nuôi nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Giống vật nuôi này đang được nhân rộng tổng đàn gắn với xây dựng thương hiệu.

Trâu Chiêm Hóa là giống vật nuôi bản địa đặc sản ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Trâu Chiêm Hóa là giống vật nuôi bản địa đặc sản ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đại gia súc đang phải đối diện với khó khăn về giá xuống thấp, thị trường tiêu thụ trầm lắng, chính quyền địa phương và những hộ nuôi trâu ở huyện Chiêm Hóa vẫn miệt mài tìm kiếm thị trường, thực hiện các hoạt động để nâng tầm thương hiệu trâu Chiêm Hóa.

Hiện, tổng đàn trâu của huyện Chiêm Hóa là 22.354 con, là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về tổng đàn. Khác với trâu ở địa phương khác, trâu Chiêm Hóa khá cao, to, trọng lượng từ 500 -700kg. Đây là trọng lượng lý tưởng cho phát triển đàn trâu thịt hàng hóa chất lượng cao.

Không những thế, trâu Chiêm Hóa cho chất lượng thịt thơm ngon, ngọt đậm và mềm. Một trong những yếu tố tạo nên độ ngon trong từng thớ thịt trâu tại đây chính là thổ nhưỡng và nguồn nước sạch tự nhiên.

Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tự nhiên, đa dạng theo mùa nên trâu luôn khỏe mạnh, săn chắc, thịt ngon và bổ dưỡng hơn hẳn các vùng khác.

Ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chiêm Hóa cho biết, năm 2015 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể râu Chiêm Hóa, giúp nâng cao giá trị của con trâu trên địa bàn. Hiện tại, huyện đang thực hiện các thủ tục để được công nhận và cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa.

Hiện, địa phương đang hoàn thiện bản đồ khoanh vùng đăng ký chỉ dẫn về điều kiện ngoại cảnh (địa hình, khí hậu...), bản đồ về kỹ thuật chăn nuôi của người dân, bản đồ về chất lượng thịt trâu xin phép sử dụng tên địa danh Chiêm Hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa.

 Đến ngày 5/10/2023 UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Văn bản số 4911/UBND-KT về việc đồng ý để UBND huyện Chiêm Hóa được sử dụng tên địa danh Chiêm Hóa để đăng ký chỉ dẫn địa lý Chiêm Hóa cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa và được quyền đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa.

Với việc được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, chắc chắn thương hiệu và giá trị của trâu Chiêm Hóa sẽ được tăng lên, giúp người nông dân cải thiện đời sống.

Trung bình mỗi con trâu ở Chiêm Hóa có trọng lượng từ 500 đến 700kg. Ảnh: Đào Thanh.

Trung bình mỗi con trâu ở Chiêm Hóa có trọng lượng từ 500 đến 700kg. Ảnh: Đào Thanh.

Song song với việc xây dựng thương hiệu, huyện Chiêm Hóa cũng đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình liên kết nuôi trâu.

Hoạt động này vừa khuyến khích tăng trưởng tổng đàn, vừa hướng người nông dân đến hình thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng hàng hóa và biết kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, các mô hình liên kết chăn nuôi trâu bò vỗ béo và sinh sản của huyện có tổng đàn là 566 con tại các HTX, tổ hợp tác.

Trong đó, HTX Nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ có con 145 trâu; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hợp Tiến, xã Trung Hòa có 43 con, Tổ hợp tác chăn nuôi xã Nhân Lý có 41 con, Tổ hợp tác chăn nuôi xã Phú Bình có 27 con…

Trọng lượng bình quân của đàn trâu đạt từ 550-600kg/con. Sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng đạt trên 88 tấn, doanh thu đạt trên 6,1 tỷ đồng.

Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thành Công, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa cho biết, việc thực hiện liên kết trong chăn nuôi giúp người nông dân được trang bị nhiều kiến thức trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm trâu quy mô lớn, có nhật ký nuôi và quy trình chăm sóc.

Do việc kiểm soát chất lượng thịt và lứa tuổi của trâu nên khi ký kết hợp tác với các bạn hàng chuyên nghiệp và khó tính sẽ thuận lợi hơn. Đây cũng là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu trâu Chiêm Hóa.

Gia đình ông Tuyên hiện nay có hơn 10 con trâu. Từ nuôi trâu, bò vỗ béo, mỗi năm ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Năm nay thị trường khó tiêu thu, giá trâu bò xuống thấp, để hạn chế thua lỗ ông tận dụng tối đa nguồn thức ăn trong tự nhiên cùng với cám ngô, cây ngô ủ men vi sinh cho chúng ăn để giảm chi phí đầu tư.

Ông cũng trồng 1,3ha cỏ để làm nguồn thức ăn dự phòng trong những ngày giá rét.

Cùng với vịt bầu Minh Hương, cá đặc sản sông Lô, dê núi Thổ Bình, lợn tên lửa Na Hang, Lâm Bình… thì trâu Chiêm Hóa là vật nuôi bản địa đang mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người nông dân ở Tuyên Quang.

Do đó, việc xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa sản phẩm sẽ là hướng đi hứa hẹn tương lại rộng mở cho ngành chăn nuôi của địa phương này.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.