| Hotline: 0983.970.780

Treo đời trên vách đá

Thứ Ba 07/04/2009 , 08:15 (GMT+7)

Xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) từ lâu được gọi bằng những cái tên như “làng đội đá”, “làng treo” bởi cả làng có 95 hộ thì có đến 80 hộ chủ yếu sống nhờ vào những núi đá.

Các thợ đục đá đang khoan sâu vào đá để bỏ mìn vào mà không có dây bảo hiểm và mũ

Xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị) từ lâu được gọi bằng những cái tên như “làng đội đá”, “làng treo” bởi ngoài diện tích đất sản xuất nông nghiệp quá ít ỏi nên cả làng có 95 hộ thì có đến 80 hộ chủ yếu sống nhờ vào những núi đá.

>> Mưu sinh trước miệng tử thần

Nay ngồi đây, mai có thể đã "thăng"

Những dãy núi ở Cam Thành rung chuyển dữ dội bởi tiếng mìn, tiếng xe tải gầm rú, tiếng đá lăn từ trên núi xuống. Trong khói bụi mù mịt xen lẫn màn sương sớm, chúng tôi nhìn ngược lên núi đá chỉ thấy mấy cái bóng người thoảng qua, đung đưa lơ lửng. Họ là những thợ khoan, thợ đục đang treo mình vật lộn cốt làm sao đưa những tảng đá càng to càng tốt từ lưng núi xuống đất. Phía chân núi, mặc cho bụi đá mù mịt, một đám người “đầu trần chân đất” chờ sẵn hì hục khuân đá lên xe. Thỉnh thoải có tiếng ai đó la oai oái vì bị đá vụi văng vào người.

Tranh thủ phút hiếm hoi các phu đá nghỉ giải lao, chúng tôi lân la dò hỏi. Những ánh mắt mệt mỏi, những khuôn mặt bờ phờ, những bộ quần áo lấm lem phủ đầy bụi dường như không muốn bắt chuyện mà chỉ muốn nghỉ ngơi. “Hỏi làm gì nghề này chú ơi. Vừa bạc bẽo lại vừa lại nguy hiểm nữa, chỉ sơ sẩy chân là coi như toi mạng luôn. Biết đâu giờ đang ngồi với chú đây chứ ngày mai chúng tôi “thăng” rồi cũng nên...”, người phụ nữ tên Hiền gượng gạo.

Chị Nguyễn Thị Hiền năm nay mới 35 tuổi nhưng thoạt nhìn tôi cứ nghĩ phải ngoài 50. Mái tóc vàng cháy, tháo đôi găng tay nát bươm, chị Hiền chìa cho chúng tôi xem đôi bàn tay chi chít những vết cắt. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bắt buộc phải vào nghề từ cái ngày còn bé, chứng kiến không biết bao nhiêu tai nạn dường như đã khiến nỗi sợ hãi của chị trở nên bình thường. Chừng ấy năm phơi mình đội đá, tài sản để lại cho gia đình chỉ chỉ là căn nhà dột làm chỗ chui ra chui vào và những cơn bạo bệnh. Nhưng ở làng đá lấy đó là điều may mắn vì chưa phải bỏ mạng.

Đa số các phu đá đến với nghề bởi cùng một lý do: “Không làm đá biết lấy gì mà ăn”. Ở cái đất “làm nông như đánh bạc” vì không mất mùa vì thiên tai dịch bệnh thì cũng lỗ nầy thì làm đá được xem là lựa chọn duy nhất để không đói. Thế nhưng vắt người cả ngày trên núi cũng chẳng dễ dàng gì cho một bữa cơm ấm bụng. Dù cho những núi đá Cam Thành có được làng coi như những nồi cơm thì dân làm đá cũng chưa bao giờ sống được ở nơi thường xuyên được gọi là vùng đất chết. Khi chúng tôi hỏi về những hiểm nguy từ nghề làm đá, bất cứ người dân nào ở đây cũng có thể kể vanh vách. Nào là tai nạn do đá đè, đá văng, rồi hít phải bụi đá bị lao phổi… Nhưng khi tiếp tục hỏi rằng liệu họ có ý định bỏ nghề không ai nấy đều lắc đầu: “Bỏ để mà chết đói à”.

Để chứng minh cho kết luận của mình, chị Hiền làm phép tính rất chi li. Do nhà có 5 khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng nên mỗi năm chỉ làm mùa vỏn vẹn độ chục ngày. Thời gian còn lại nếu phơi mình nơi núi đá chị được trả công từ 20-30 ngàn/ngày. Với số tiền này chị có thể mua gạo nuôi các con còn nếu không làm đá thì đi làm ve chai mỗi ngày chỉ được từ 10-15 ngàn/ngày. Không làm đá, không làm ve chai chỉ có nước… bỏ làng. Ở các mỏ đá, những người như chị Hiền xếp vào loại “thu nhập thấp” bởi công việc chỉ là khuân đá. Còn nếu muốn có thu nhập cao hơn thì vào làm ở tổ “người dơi”. Công việc của tổ này là treo mình vào những sợi dây phía trên được buộc vào gốc cây rồi thả mình xuống lưng chừng núi để đục đá. “Thu nhập của những người ở tổ này mỗi ngày cũng cỡ 50 ngàn đồng nhưng lại… dễ chết”, chị hiền cay đắng.

Sống nhờ đá, chết vì đá

Những lời cay đắng của chị Hiền không phải là không có cơ sở khi biết rằng mỏ đá Cam Thành hằng năm vẫn đều đặn làm mồ cho những “phu đá” xấu số. Khi nhắc đến những cái chết ở mỏ đá này người phụ nữ ngồi cạnh chị Hiền òa khóc.

Chị tên Lê Thị Hà (37 tuổi). Chỉ mới vài năm trước, trong một lần treo mình khoan đá, chồng của chị, anh Nguyễn Kim Khánh chẳng may bị tảng đá trên đầu ập xuống nên đành bỏ mạng. Anh Khánh mất đi để lại mình chị Hà cùng với mẹ già và 2 đứa con nhỏ. Thế nên dù quá đau đớn ngày ngày chị vẫn phải nuốt nước mắt ra nơi chính chồng mình bị chết để làm thuê nuôi mẹ nuôi con. “Có lần anh ấy nói nếu đi làm có tiền khá hơn thì anh sẽ chuyển sang làm nghề khác chứ không đi khai thác đá nữa vì trước đó đã có mấy người bị đá đè chết rồi. Vậy mà càng làm càng cực, chẳng đủ nuôi con nữa là gom góp, cho nên anh ấy cứ gắng làm suốt ngày”. Chị Hà nghẹn ngào trong tiếng nấc, đứa con nhỏ ngắt lời: “Thế thì mẹ cũng tìm cái nghề khác đi, đừng làm thế này nữa nguy hiểm lắm". Không trả lời thằng bé, người phụ nữ mới ngoài 30 quay mặt đi chỗ khác. Ai cũng hiểu chị đang nghĩ gì. Bởi giờ chỉ có mình chị là trụ cột trong gia đình, thử hỏi một ngày nếu chị không ra mỏ đá nữa thì ba bà cháu lấy gì mà ăn?

Quay xe trên con đường đầy rẫy ổ trâu rời khỏi núi đá, lác đác ven đường là những ngôi mộ được đắp bằng đá và không ít ngôi còn đang rất mới. Chúng tôi bắt gặp một cậu bé ngồi thắp hương bên một nấm mồ. Dừng lại hỏi mồ của ai thằng bé đáp: Mồ cha cháu, chết vì đá sập chú à”.

Chia tay những phu đá, chúng tôi mò mẫm vào ngôi nhà cạnh mỏ. Đó là mái nhà tôn xiêu vẹo của cụ Nguyễn Thị Liễu (80 tuổi). Nằm co ro bên chiếc giường ọp ẹp, ánh mắt cụ Liễu thất thần khi có người hỏi về những tai nạn thương tâm ở mỏ đá Cam Thành. Cụ không khóc nữa, có lẽ nước mắt cụ đã cạn từ cái ngày anh con trai đầu Trần Minh Tuấn chết vì sập núi đá. “Đau lắm chú ơi, nhưng có cách nào khác đâu, không làm nghề này thì mò đâu ra miếng cơm. Thôi thì chỉ còn biết nhờ trời”.

Mất người con trai chỉ còn lại con gái cụ bắt ở nhà không cho làm “phu đá” nữa. Nhưng chỉ được ít ngày khi trong nhà không còn gạo, con gái cụ lại lén ra mỏ đá. Thành thử bây giờ mỗi lần có ai đó vội vã bước về hướng nhà cụ Liễu là cụ lại tất tưởi chống gậy đi ra hỏi xem con mình có làm sao không. Cứ thế vào mỗi buổi chiều hai bà cháu lại ra ngồi trước mái hiên để chờ. Chưa thấy con về là cụ chưa yên tâm. “Đa số người dân Cam Thành đi làm thuê ở các mỏ đá chẳng ai có bảo hiểm, hợp đồng lao động. Ai kêu gì làm đó, đụng đâu làm đó, chẳng cần bảo hiểm cũng làm. Miễn sao hết ngày có tiền mang về mua gạo cơm cho gia đình có cái ăn”, cụ Liễu chua xót.

Trời đã xế trưa, nắng như lửa đốt, những phu đá vẫn tiếp tục công việc của mình. Nhiều người dân Cam Thành cho biết, ở mỏ đá năm nào cũng có một hai người chết vì đá nên cái cảm giác đó không là bất ngờ nữa. Chúng tôi ngoái nhìn những mỏ đá bị khoét hàm ếch sâu hoắm chực sập xuống không biết lúc nào, rồi đi gặp chính quyền dò hỏi nhưng vẫn là câu trả lời: “Nguy hiểm ai chả biết nhưng không làm đá biết làm nghề gì”. (Hết)

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất