| Hotline: 0983.970.780

Tri thức nghề nông: Đắm đuối giống bưởi tiến vua

Thứ Sáu 02/02/2024 , 17:00 (GMT+7)

THANH HÓA Không chỉ là đặc sản, bưởi Luận Văn đã trở thành nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương. Hiện nay, giống bưởi quý này đang được phát triển mạnh.

Thủy chung với giống bưởi quý

Tiếng hét lớn phía đằng xa khiến ai nấy giật mình. Lão Tư cổ đỏ hừng hực như gà chọi, lao người về phía tiếng gọi. Hóa ra anh bạn đồng nghiệp lạc bước trong vườn bưởi rộng hơn 3ha, mãi không tìm thấy lối ra. Mùa này, vườn bưởi nhà lão nông Nguyễn Văn Tư đang vào vụ, cành lá trĩu quả, sum suê lấp lối đi. Giữa không gian bát ngát của vườn bưởi, bóng người trở nên thật nhỏ bé… Lão Tư nửa thật nửa đùa như cảnh báo chúng tôi: “Khách đến tham quan vườn bưởi đều phải có người dẫn đi. Đi không quen lối, có khi tối chưa chắc đã tìm thấy lối ra”.

Lão Tư tự hào bưởi của lão đẹp nhất xóm và cũng bởi bưởi Luận Văn là đặc sản có một không hai trong cả nước. Nếu đưa giống bưởi này đến nơi khác trồng cũng không thể cho quả đỏ rực, múi mọng như bưởi bản địa. Có người hăm hở xin lão mấy cành bưởi chiết, nhưng về trồng thì chết gần hết do chất đất không hợp và không biết cách chăm sóc.

Bưởi Luận Văn hứa hẹn cho gia đình ông Tư thu nhập cao dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Quốc Toản.

Bưởi Luận Văn hứa hẹn cho gia đình ông Tư thu nhập cao dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Quốc Toản.

Lão lấy vợ được bố để lại mấy chục gốc bưởi đầu dòng gọi là của hồi môn. Có người hỏi lão mua với giá 20 triệu đồng/gốc bưởi nhưng lão quyết không bán. Lão để lại nhân giống cho các vụ tiếp theo trong năm. Để có được vựa bưởi rộng 3ha với hàng nghìn gốc bưởi sum suê, lão và vợ đã phải lao lực mấy chục năm nay. Lão bảo, dạo trước đói khổ, vợ chồng lão có hôm phải ăn bưởi thay cơm.

Vậy nhưng, không phải ai ở làng Thủ Trinh (Thọ Xương, Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng “kiên trì” ăn bưởi như vợ chồng lão. Cách đây vài chục năm, vùng đất bãi bồi ven sông thường xuyên ngập nước do chưa có hệ thống thủy lợi điều tiết như bây giờ. Bởi vậy, ngoài một vụ lúa, cộng thêm vụ ngô, dân trong làng không có thu nhập gì thêm. Cũng vì thế, nhiều hộ dân trong làng phải bỏ xứ vào vào các tỉnh miền trong làm ăn. Làng bưởi cũng vì thế mai một dần...

Ở thôn Thủ Trinh, ông Tư được xem là một trong số ít các hộ dân tiên phong trồng bưởi Luận Văn. Nhà lão còn khoảng vài chục gốc bưởi đầu dòng “hạng A” mỗi năm thu cả trăm quả/gốc. Lão không nhớ cụ thể bưởi Luận Văn có từ khi nào, chỉ biết đây là nơi phát tích đầu tiên giống bưởi này.

Sáng nay, ông lão ra vườn hái vội quả bưởi vừa chín tới để tiếp khách. Tay lão vần quả bưởi như kích thích mùi thơm ngào ngạt của da bưởi. Giọng lão lơ lớ như có tí men hồi trưa: “Ở làng này chưa có nhà ai qua mặt được bưởi nhà tôi nếu so về kích cỡ, độ đồng đều".

Một gốc bưởi Luận Văn có thể cho 100 quả/vụ. Ảnh: Quốc Toản.

Một gốc bưởi Luận Văn có thể cho 100 quả/vụ. Ảnh: Quốc Toản.

Lão kể năm ngoái có đoàn khách nước ngoài đi cùng thương lái đến đặt vấn đề mua bưởi của lão. Lão không biết tiếng phải nhờ phiên dịch rồi gật gù như thể hiểu chuyện. Sau cuộc trò chuyện chóng vánh, lão nhận được đơn hàng xuất ngoại 3.000 quả bưởi sang Singapore với giá khá cao. Lão nhắc đi nhắc lại chuyện này như thể tự hào lắm, bởi đó là lần đầu tiên vườn bưởi của lão gây được thanh thế trên thị trường.

Ấy vậy mà lão vẫn còn tấm tức. Cách đây không lâu, lão xem được đoạn clip trên mạng nói về giống bưởi da đỏ, mặt vợ chồng lão chình ình trên khung hình, nhưng lại chú thích nhầm địa chỉ bán bưởi (không phải địa chỉ vườn bưởi của lão). Lão bảo, phải “kiện” bằng được để lấy lại uy doanh cho người trồng bưởi và giống bưởi Luận Văn quê lão.

Lão bảo sức vợ chồng lão không kham nổi diện tích rộng nên cách đây chưa lâu, vợ chồng lão đầu tư hệ thống tưới tự động cỡ vài chục triệu đồng. Giờ chỉ cần ngồi một nơi ấn nút là cả vườn bưởi được “tắm" thỏa thích.

Lão khoe mình “giàu” nhất xã, nhưng không phải giàu vì nhiều tiền. Lão đang sở hữu hàng nghìn gốc bưởi đang vào vụ thu hoạch. Mỗi gốc bưởi đem lại cho lão khoảng 100 - 120 quả/vụ. Lão bán bưởi không dùng cân mà tính quả (loại 1, loại 2) cho dễ nhớ. 

Mỗi năm vườn bưởi cho lão thu nhập khoảng 500 triệu đồng nên cuộc sống vợ chồng lão khá dư giả. Tôi tò mò hỏi lão: Trồng bưởi có tiền, sao không kiếm lấy cái xe cũ (ô tô) mà đi cho an toàn, lại tiện vận chuyển bưởi đi tiêu thụ? Lão trả lời: “Đến vụ bưởi thương lái đến tận vườn để mua chứ cần gì bán lẻ. Với lại tầm tuổi này cần gì oai oách đâu mà đi ô tô”.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn bưởi Luận Văn của ông Tư phát triển rất tốt, cây bền, cho chất lượng, mẫu mã quả rất đẹp. Ảnh: Quốc Toản.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn bưởi Luận Văn của ông Tư phát triển rất tốt, cây bền, cho chất lượng, mẫu mã quả rất đẹp. Ảnh: Quốc Toản.

Lão bảo, học đến mấy cũng không bằng thực tiễn. Bởi vậy lão trồng bưởi bằng kinh nghiệm là chính chứ không mấy khi dựa vào sách vở. Lão chẳng thèm giấu bí kíp trồng bưởi mà sẵn lòng hỗ trợ bà con con giống và kiến thức trồng bưởi.

Vài năm trở lại đây, lão chuyển đổi quy trình canh tác, áp dụng kỹ thuật trồng bưởi theo hướng hữu cơ, giúp cây phát triển bền và không độc hại. Lúc phun thuốc thì lấy tỏi, ớt giã nhuyễn, trộn với chế phẩm sinh học rồi phun xịt trên lá, trên thân cây giúp đuổi côn trùng, phòng sâu bệnh cho cây có hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn. Để đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng, lão dùng đạm cá, phân gà ủ hoai mục để bón cho cây…

Lão bảo, giờ có nhắm mắt cũng yên tâm bởi có thằng con trai nối nghiệp trồng bưởi để duy trì và phát triển giống bưởi đặc sản Luận Văn. Lão cảm thấy tự hào vì sau thời gian dài tâm huyết với cây bưởi Luận Văn, người dân đã theo lão lao vào trồng bưởi để gây dựng vùng chuyên canh. Bởi vậy, diện tích bưởi của xã tăng lên từng ngày. Lão nhẩm tính một hồi khá lâu tên tuổi từng hộ dân trồng bưởi rồi lẩm bẩm: “Khoảng hơn 30ha, tính chung toàn xã, nếu tôi nhớ không nhầm".

Đưa bưởi Luận Văn thành thương hiệu lớn

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, bưởi Luận Văn có từ thời Hậu Lê, được cung tiến cho vua và triều đình vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Giống bưởi này được xuất phát từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Khác với giống bưởi thông thường, giống bưởi này có nhiều đặc điểm quý như: Quả to, tròn đều, khi chín quả chuyển từ màu xanh trắng sang màu đỏ gấc. Vỏ, cùi vỏ, múi có màu đỏ rất đẹp, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, chua thanh, hương thơm đặc trưng khiến bưởi Luận Văn được xem là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc. Bưởi Luận Văn có 2 thời điểm thu hoạch chính trong năm (giống chín sớm, chín muộn) trùng với phong tục tập quán thờ cúng gia tiên của người Việt là dịp Trung thu và Tết Nguyên đán.

Vườn bưởi Luận Văn rộng 3ha của gia đình ông Tư mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Vườn bưởi Luận Văn rộng 3ha của gia đình ông Tư mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Trước năm 2003, bưởi Luận Văn được trồng tự phát tại các xã Thọ Xương, Xuân Bái, thị trấn Lam Sơn, với hình thức nhân giống truyền thống. Chính vì vậy giống bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng suy giảm. Những năm gần đây, UBND huyện Thọ Xuân đã triển khai các biện pháp phát triển giống "bưởi tiến vua", đặc biệt là xác định nguồn gốc, đánh giá chứng nhận cây bưởi đầu dòng; triển khai một số nhiệm vụ khoa học “ứng dụng công nghệ vi ghép trong sản xuất, phát triển cây bưởi Luận Văn trở thành đặc sản của Thanh Hóa”, từ đó đã nhân tạo được nguồn giống để phát triển.

Ngoài ra, UBND huyện còn thực hiện phục tráng số cây bưởi đầu dòng, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Luận Văn, duy trì và từng bước phát triển bưởi Luận Văn thành giống bưởi có thương hiệu. Năm 2020, bưởi Luận Văn được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, bưởi Luận Văn đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, TP.HCM, tuy nhiên lượng cung hiện không đủ cầu.

Để mở rộng vùng bưởi Luận Văn, UBND huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ xã Thọ Xương giống, vật tư và kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phục tráng, bình tuyển, nhân giống. Tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ cho phát triển bưởi Luận Văn đến nay khoảng 2,1 tỷ đồng. Toàn huyện Thọ Xuân hiện đã phục tráng được 56ha bưởi Luận Văn, trong đó có hơn 20ha đã cho quả, sản lượng ước khoảng 400 tấn/vụ thu hoạch.

Theo đánh giá của UBND huyện Thọ Xuân, kết quả trên đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiệu quả của bưởi Luận Văn đã được khẳng định về mặt kinh tế, xã hội, tinh thần, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến bạn bè và du khách.

Không chỉ là đặc sản, bưởi Luận Văn đã trở thành văn hóa mà người dân địa phương luôn gìn giữ suốt chiều dài lịch sử. Ảnh: Quốc Toản.

Không chỉ là đặc sản, bưởi Luận Văn đã trở thành văn hóa mà người dân địa phương luôn gìn giữ suốt chiều dài lịch sử. Ảnh: Quốc Toản.

Theo lãnh đạo huyện Thọ Xuân, để phát triển thương hiệu bưởi Luận Văn, mục tiêu của huyện là hình thành vùng sản xuất bưởi tập trung, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị thẩm mỹ; gắn phát triển bưởi Luận Văn với du lịch sinh thái, kết hợp với du lịch lịch sử, tâm linh. Xây dựng bưởi Luận Văn thành thương hiệu lớn của vùng đất Thọ Xuân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. 

Bưởi Luận Văn đã gắn liền với vùng đất Thọ Xương suốt mấy trăm năm nay. Vào những năm 1960, làng Luận Văn đã xây dựng vườn bưởi tập trung và giao cho các cụ già trong làng chăm sóc, gọi là “vườn cây Bác Hồ”.

Năm 1979, bưởi Luận Văn còn được chuyển ra trồng ở lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng  trường Ba Đình, Hà Nội. Hiện nay, vùng trồng bưởi Luận Văn chủ yếu phân bố tại tại các xã Thọ Xương, Xuân Bái, thị trấn Lam Sơn... với diện tích 56ha và khoảng 150 hộ dân tham gia trồng bưởi. Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định cho phép UBND huyện Thọ Xuân được sử dụng tên địa danh "Luận Văn" để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Luận Văn... Năm 2020, bưởi Luận Văn được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất