| Hotline: 0983.970.780

'Triệt' vi phạm công trình thủy lợi: Giám sát từng họng xả

Thứ Tư 20/07/2016 , 07:01 (GMT+7)

Trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và vi phạm công trình thủy lợi đang ở mức “báo động đỏ” trên toàn quốc như hiện nay, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng đang nổi lên như một hình mẫu quản lý, bảo vệ công trình.

Nước thải bủa vây

Không ngoa khi nói rằng: Sự sống còn của nền nông nghiệp khu vực Đông Nam bộ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước của hồ Dầu Tiếng. Nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn với diện tích 2.700 km2, dung tích trữ 1,58 tỷ m3 nước, hồ Dầu Tiếng được ví là “biển Tây Ninh trên cạn”.

Ngoài phục vụ cấp nước cho khoảng 250.000ha đất nông nghiệp và khoảng 80 triệu m3 nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa còn được thiết kế để phòng, cắt lũ, cải thiện môi trường và chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An và TP Hồ Chí Minh.

Quản lý một địa bàn rộng lớn, gồm nhiều hạng mục công trình, trọng trách bảo vệ công trình thủy lợi đặt nặng lên vai cán bộ, công nhân viên của Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Ông Lê Văn Dũng, GĐ Cty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chia sẻ: Trong những năm gần đây, lưu vực hồ Dầu Tiếng phát triển một số cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì, mủ cao su. Trong lòng hồ có hoạt động khai thác cát, đánh bắt thủy sản, chăn nuôi vịt và sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bán ngập mặn. Tất cả các hoạt động trên đều có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

Vì vậy, đi đôi với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, công tác bảo vệ môi trường để chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đạt tiêu chuẩn nước thô cấp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho các tỉnh, thành trong vùng hưởng lợi. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được Cty quan tâm và triển khai thực hiện hiệu quả.

Để làm được điều đó, Cty giao cho đội bảo vệ thường xuyên tuần tra, kiểm tra lưu vực và vùng lòng hồ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xả nước thải, chất thải vào nguồn nước, đào ao trên đất bán ngập để nuôi cá, chăn thả trâu bò, thả vịt trong lòng hồ...

Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp mật thiết với thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường, Cảnh sát Môi trường các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đối với kênh chính Đông và kênh chính Tây, Cty giao nhiệm vụ cho từng đội hằng ngày kiểm tra, nhắc nhở người dân không đổ rác, chất thải xuống kênh để bảo vệ nguồn nước.

Đặc biệt, Cty thường xuyên lấy mẫu nước (mỗi quý 2 lần) ở 12 vị trí, trong lòng hồ, các nhánh suối chảy vào hồ, suối Xa Cách, kênh chính Tây và mỗi tháng một lần tại các vị trí xả thải vào công trình thủy lợi của các nhà máy gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và công nghệ  Tây Ninh kiểm tra các chỉ số PH, BOD, COD, Fe tổng, coliform, N tổng, P tổng). Kết quả phân tích các mẫu nước khẳng định chất lượng nước hồ Dầu Tiếng đảm bảo tiêu chuẩn nước cấp thô cho công nghiệp và sinh hoạt.

Chủ động giám sát nước thải

Theo ông Lê Văn Dũng, qua khảo sát tình hình thực tế của Cty, hiện nay trên lưu vực hồ có khoảng hơn 10 đơn vị sản xuất và có xả nguồn nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng. Do lưu vực hồ rộng, khó kiểm soát, công ty mới chỉ nắm được 8 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị đã được kiểm soát và lấy mẫu nước gồm: Nhà máy mì Miwon Tây Ninh (công suất 2.400 m3/ngày đêm), Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh, Cty CP Đầu tư quốc tế ở khu công nghiệp Chà Là (công suất 400 - 500 m3/ngày đêm); Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (công suất 2.000 m3/ngày đêm) và doanh nghiệp tư nhân Lò mì Tư Bông (công suất 200 tấn/ngày).

Các cơ sở gồm trại heo Minh Hòa, nhà máy Hồng Phát, nhà máy mì Dương Minh Châu, trại heo Tống Lê Chân, Cty lấy mẫu kiểm nghiệm hàng quý, nhưng chưa đồng ý cho đấu nối vào hệ thống thủy lợi do chưa hoàn chỉnh hệ thống và các thủ tục của Sở Tài nguyên & môi trường).

Tất cả các đơn vị này đều đã được Cty lập biên bản kiểm tra hiện trạng; ký kết hợp đồng kiểm nghiệm nguồn nước xả thải và bien bản thỏa thuận đấu nối vào công trình thủy lợi.

Trong năm 2016, Cty có kế hoạch xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu môi trường, yêu cầu 2 đơn vị có đấu nối nguồn nước vào hệ thống công trình thủy lợi phải lắp trạm quan trắc.

Kiên quyết đấu tranh

Mặc dù Cty TNHH Miwon Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh đã được Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép số 2819/GP-PTNMT, ngày 6/1/2013 về xả nước thải vào kênh tiêu tại xã Phước Minh, với lưu lượng xả thải là 2.400 m3/ngày đêm. Nhưng nhờ chủ động kiểm tra, xác minh, Cty KTTL Dầu Tiếng - Phước Hòa phát hiện vị trí Miwon xả thải vào là kênh tiêu 6 đập phụ làm nhiệm vụ tiêu nước dọc theo đập phụ và thuộc quyền quản lý của Cty.

14-34-12_nh-1
Một góc hồ Dầu Tiếng

 

Vì vậy, việc cấp giấy phép của Sở Tài nguyên & môi trường cho Miwon là chưa đúng thẩm quyền. Cty đã có biên bản làm việc với Miwon ngày 1/6/2016 về trình tự thủ tục và thẩm quyền được quy định tại khoản 1/11/2004 của Bộ NN-PTNT. Trước đó, Cty KTTL Dầu Tiếng - Phước Hòa cũng đã tổ chức kiểm trá hiện trạng và gửi công văn về việc Miwon làm hàng rào lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, tại nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh, nguồn nước thải sinh hoạt sau xử lý được đấu nối vào suối Ben, sau đó chảy vào suối Ngô, rồi chảy vào hồ Dầu Tiếng. Qua kiểm tra hồ sơ cấp phép và các giấy tờ liên quan, về thủ tục nhà máy xi măng chưa có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ NN-PTNT và kiến nghị lên các cơ quan chức năng xem xét xử lý.

Cty cũng tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra tình hình xả thải của các đơn vị trên hệ thống, lấy mẫu định kỳ hàng tháng, hàng quý các điểm xả thải. Trong năm 2016, Cty có kế hoạch xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu môi trường nhằm quản lý chất lượng nước có hệ thống, đặc biệt là dữ liệu quan trắc tự động tại các cơ sở sản xuất có xả thải vào hệ thống.

Nhằm bảo vệ tốt các công trình đầu mối và vùng lòng hồ Dầu Tiếng, Cty giao nhiệm vụ cho đội thủy nông đầu mối và đội bảo vệ quản lý, bảo vệ toàn bộ cá hạng mục công trình đầu mối hồ chứa nước Dầu Tiếng gồm hồ chứa, đập phụ, đập tràn, cống dẫn dòng, các cống lấy nước. Hằng ngày phân công lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện lập biên bản và đè xuất xử lý kịp thời những hành vi vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Ngoài bảo vệ các hạng mục “phần cứng”, Cty cũng thường xuyên phối hợp với đồn công an Hồ Nước, các sở ban ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý những cá nhân dùng xung điện để đánh bắt cá trong lòng hồ, xả nước thải không đạt tiêu chuẩn vào lòng hồ; khai thác cát không tuân thủ giấy phép, không tuân thủ những quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn hồ chứa, bảo vệ nguồn nước.

 

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.