| Hotline: 0983.970.780

Triều Tiên thêm lao đao vì khủng hoảng thiếu phân bón

Thứ Sáu 12/11/2021 , 14:21 (GMT+7)

Từ Mông Cổ, Indonesia và Nga đến Hàn Quốc và nhất là Triều Tiên đều đang ngấm ngầm hứng chịu những tác động tiêu cực do tình trạng thiếu than và điện của Trung Quốc.

Nông dân Triều Tiên phải tự ủ phân hữu cơ để bón cho đồng ruộng. Ảnh: AP.

Nông dân Triều Tiên phải tự ủ phân hữu cơ để bón cho đồng ruộng. Ảnh: AP.

Lượng nhập khẩu phân bón urê của Triều Tiên gần đây đã sụt giảm mạnh và điều tương tự cũng xảy ra đối với Hàn Quốc gây ra ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp sau lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc. 

Tờ nhật báo Triều Tiên Daily NK cho biết, nước này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu amoniac, khiến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất. “Nếu Triều Tiên không thể nâng sản lượng phân bón lên trên mức bình thường, tình trạng thiếu lương thực của đất nước có thể trầm trọng hơn trong năm tới”, tờ báo viết.

Theo nguồn tin trước đó vào hôm Chủ nhật, các nhà máy sản xuất phân bón lớn tại tỉnh Nam Pyongan đã buộc phải giảm công suất do gần hết nguyên liệu nhập khẩu và có thể sẽ phải tạm ngừng sản xuất.

Namhung Youth Chemical Complex là nhà máy sản xuất hóa dầu hàng đầu của Triều Tiên ở khu vực Anju. Ngoài dây chuyền sản xuất vải sợi, cao su và các sản phẩm hóa dầu khác, còn có dây chuyền sản xuất phân urê và nitơ phục vụ phát triển nông nghiệp quan trọng của quốc gia.

Đặc biệt là tổ hợp công nghiệp sản xuất phân bón Hungnam, doanh nghiệp phân bón lớn nhất của Triều Tiên, cũng đang gặp phải tình trạng tương tự khi nhà máy này sản xuất phân bón urê 100% từ nguồn amoniac.

Mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón của Triều Tiên đều tạo ra urê từ amoniac, được chiết xuất từ ​​than đá khai thác tại địa phương nhưng do công nghệ lạc hậu nên giá thành quá cao và chất lượng thấp. Theo đó, quốc gia Đông Bắc Á chủ yếu đều dựa vào nguồn phân bón và nguyên liệu phân bón nhập khẩu.

Người dân địa phương cho biết, tổ hợp Khu công nghiệp hóa chất Thanh niên Namhung vừa mới trải qua một vụ tai nạn sản xuất gây cháy nổ do quá tải vào tháng 8 dẫn đến hư hỏng nhiều cơ sở vật chất.

Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng khủng hoảng thiếu phân urê và amoniac hiện nay của Triều Tiên là hệ quả của các quy định xuất khẩu của Trung Quốc. Vào ngày 15 tháng 10, Bắc Kinh đã siết chặt kiểm tra hải quan, hoặc CIQ, đối với xuất khẩu phân urê, nhưng trên thực tế là đã cấm xuất khẩu.

Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới chuyên sản xuất phân bón urê bằng cách chiết xuất amoniac từ than đá. Tuy nhiên, quốc gia này đã chuyển sang cắt giảm sản lượng than đá để hù hợp với các chính sách năng lượng thân thiện với môi trường. Hơn nữa, việc giao thương với Mông Cổ, Indonesia và Nga của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đã bị ảnh hưởng do COVID-19, nay làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu than của đất nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một nhà máy sản xuất phân bón vào tháng Giêng năm 2020. Ảnh: KCNA/Reuters.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một nhà máy sản xuất phân bón vào tháng Giêng năm 2020. Ảnh: KCNA/Reuters.

Việc ngừng nhập khẩu than đá từ Australia do căng thẳng chính trị với Canberra đã tác động mạnh đến tình trạng thiếu điện và than của Bắc Kinh. Kết quả là, Trung Quốc đã chứng kiến ​​sản lượng urê sụt giảm mạnh.

Sự hỗn loạn trên thị trường phân urê do Trung Quốc gây ra đã dẫn đến giá phân bón urê tăng mạnh và tình trạng thiếu phân bón ở Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Các nhà quan sát dự đoán, cùng với giá xăng dầu thế giới tăng gây khó khăn trong việc vận hành các phương tiện vận chuyển hàng hóa thì giá các mặt hàng nông sản cũng sẽ tăng trong thời gian tới.

Chính phủ Hàn Quốc vừa qua đã phải ứng phó với tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp urê bằng cách đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu và nhiều biện pháp khác nhau.

Nguồn tin ở tỉnh Nam Pyongan cho biết, nhà máy Namhung phụ thuộc tới hơn 95% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để làm phân bón, và nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu, hầu hết nông dân nước này sẽ bỏ ruộng vào năm tới.

Kwon Tae-jin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại Viện nghiên cứu GS&J và là một chuyên gia về nông nghiệp cho biết, năm nay Triều Tiên cần nhập khẩu nhiều phân bón hơn năm ngoái, nhưng mới chỉ đạt hơn một nửa số lượng của một năm bình thường. Ông nói: “Đương nhiên, tình trạng thiếu phân bón trực tiếp sẽ dẫn đến năng suất thu hoạch giảm”.

Theo ông Randall Ireson, một nhà tư vấn tư nhân và là cựu giám đốc chương trình phi chính phủ ở Triều Tiên, từ khoảng năm 2000, nông dân Triều Tiên đã chuyển trọng tâm sang bổ sung phân trộn và phân hữu cơ để bón cho cây trồng do thiếu phân bón. 

Ông nói: “Những gì tôi đã thấy và nghe nói đến là việc sử dụng quá trình ủ hiếu khí nhanh chóng hiệu quả đối với tàn dư thực vật và phân động vật và người nếu có, với vật liệu ủ được bổ sung thêm một số phân bón hóa học. Việc bổ sung phân bón hóa học vào phân hỗn hợp làm cho nó trở thành một loại phân 'phi hữu cơ' theo một định nghĩa nghiêm ngặt, nhưng nói chung là hợp lý với điều kiện thực tế và bền vững, nếu được quản lý một cách chính xác”.

Ông Ireson lưu ý rằng, với một nền kinh tế bị cô lập, suy thoái, thiếu ngoại hối và khu vực công nghiệp yếu kém kết hợp với nhau khiến cho việc nhập khẩu phân bón hóa học từ nước ngoài trở nên khó khăn. 

(Daily NK; AP)

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.