| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa đặc sản dưới chân núi lửa, năng suất 12 tấn/ha

Thứ Năm 03/08/2023 , 06:05 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Từng là xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Krông Nô, nhưng sau khi mang giống lúa đặc sản ST về trồng, đời sống người dân xã Buôn Choah dần đổi thay.

Vùng trồng lúa của xã Buôn Choah, huyện K’rông Nô (tỉnh Đắk Nông) nằm dưới chân ngọn núi lửa Nâm Blang đã ngủ yên.

Về Buôn Choah hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cuộc sống người dân không kém gì vùng quê khá giả ở miền xuôi. “Chú nhìn xem, giờ người dân ở đây, từ đồng bào thiểu số đến người Kinh di cư đều rất rành công nghệ, áp dụng cơ giới trong canh tác chứ không còn lạc hậu như trước nữa đâu. Cũng nhờ có giống lúa ST mà bà con khá lên. Giống lúa này trồng ở đây năng suất còn cao hơn ở đồng bằng nữa, đạt từ 11 - 12 tấn lúa tươi/ha cả đấy”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông khoe.

Cánh đồng lúa ST của HTX Nông nghiệp Buôn Choah bên dòng sông K'rông Nô. Ảnh: Hồng Thủy.

Cánh đồng lúa ST của HTX Nông nghiệp Buôn Choah bên dòng sông K'rông Nô. Ảnh: Hồng Thủy.

Xã Buôn Choah vốn là vùng quê chiêm trũng, nằm giữa một bên là dòng sông K'rông Nô (sông Cha, một trong 2 nhánh sông Sêrêpôk chảy ngược), bên còn lại là chân núi lửa Nâm Blang. Do thời tiết “khó ưa” hơn các vùng khác, mùa khô nắng nóng, thiếu nước, mùa mưa ngập lụt nên việc canh tác các loại cây nông nghiệp dường như cũng khó hơn.

Ông Gấm cho biết, giống lúa ST24 và ST25 được người dân mang về trồng cách đây khoảng chục năm. Sau 1 - 2 vụ, thấy năng suất rất tốt, gạo lại rất thơm, ngọt, nên dần dần mọi người theo nhau trồng. “Xã Buôn Choah có tổng diện tích đất trồng lúa nước khoảng hơn 700ha, làm 2 vụ, trước đây người dân vẫn canh tác theo cách truyền thống, lạc hậu, giống kém, nên hiệu quả thấp, đời sống luôn khó khăn. Đến khi chuyển sang trồng lúa ST thay thế các giống cũ thì mọi thứ mới thực sự thay đổi”, ông Gấm nói.

Năm 2014, huyện K'rông Nô thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa ST chất lượng cao, VietGAP ở Buôn Choah, đến năm 2020 được nâng tầm lên thành HTX Nông nghiệp Buôn Choah. Đến nay, HTX đã có 350 hộ thành viên, canh tác trên diện tích hơn 500ha lúa VietGAP với giống lúa chủ lực là ST24, ST25…

Anh Triệu Văn Trường ở thôn Thanh Sơn, thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choah cho biết, gia đình anh bao lâu nay vẫn sống bằng nghề trồng lúa, nhưng do giống lúa kém, lại không biết áp dụng quy trình canh tác khoa học, bài bản nên năng suất rất thấp, chỉ đủ trang trải chứ không có dư. Kể từ khi trồng giống lúa ST25 và tham gia vào tổ hợp tác Buôn Choah, kinh tế gia đình anh dần khởi sắc.

Năng suất giống lúa ST trồng tại Buôn Choah thậm chí còn cao hơn cả ở vựa lúa miền Tây. Ảnh: Hồng Thủy.

Năng suất giống lúa ST trồng tại Buôn Choah thậm chí còn cao hơn cả ở vựa lúa miền Tây. Ảnh: Hồng Thủy.

“Gia đình tôi có 2ha đất lúa, từ khi vào Tổ hợp tác rồi HTX và trồng giống lúa ST, áp dụng quy trình theo hướng dẫn, năng suất lúa của tôi đạt bình quân 11 tấn lúa tươi/ha, cao gấp đôi ngày trước. Đây chưa phải là năng suất cao nhất đâu, có những người còn đạt hơn 12 tấn/ha. Năng suất này cao hơn hẳn các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí tôi thấy còn cao hơn năng suất ở vựa lúa miền Tây.

Bình quân mỗi vụ lúa sau khi trừ chi phí, mỗi ha tôi còn lời khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm trồng 2 vụ, tôi thu về hơn trăm triệu đồng. Thực sự cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi hẳn từ khi tham gia HTX trồng lúa chất lượng cao”, anh Trường nói và cho biết thêm, toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu với giá luôn nhỉnh hơn thị trường.

Ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choah cho biết, giống lúa ST24, ST25 trồng tại Buôn Choah cho hạt gạo dài, trong, mùi thơm và ngọt đậm. Chất lượng gạo này có thể do dinh dưỡng từ phù sa sông K’rông Nô, còn phần nữa là do khí hậu và hàm lượng khoáng từ cao nguyên đá dưới chân núi lửa.

Từ khi thay đổi phương thức canh tác, áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật, cộng thêm giống lúa phù hợp, nông dân Buôn Choah ngày càng khá lên. Ảnh: Hồng Thủy.

Từ khi thay đổi phương thức canh tác, áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật, cộng thêm giống lúa phù hợp, nông dân Buôn Choah ngày càng khá lên. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo ông Kiên, để đạt hiệu quả cao từ mô hình, HTX Buôn Choah, chính quyền huyện, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật cho bà con trong HTX. Trong quá trình canh tác, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát đồng ruộng cùng bà con để tổ chức sản xuất theo kỹ thuật một cách chặt chẽ.

“Hộ nào không tuân thủ quy trình sẽ bị mời ra khỏi HTX, khi nào tuân thủ đúng mới được vào. HTX Nông nghiệp Buôn Choah là một trong số các HTX kiểu mới đã phát huy tốt thế mạnh của kinh tế tập thể. Năm 2023, HTX dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 150 thành viên” ông Kiên nói.

Năm 2021, vùng sản xuất lúa xã Buôn Choah đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Năm 2023, HTX Buôn Choah tiếp tục được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc. Hiện nay, HTX đã có 4 nhà máy xay xát, chế biến và đại lý phân phối lúa gạo ST24, ST25.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục từng bước đổi mới sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, khắc phục các hạn chế để phát triển bền vững. Mục tiêu của HTX là toàn bộ 700ha đất lúa của Buôn Choah sẽ trồng lúa chất lượng cao, hướng tới trồng lúa hữu cơ.

Hiện nay, HTX đã xây dựng được nhãn hiệu “Lúa gạo Buôn Choah” gắn với khu vực trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Đắk Nông - hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. Đây là những tiền đề rất tốt để thương hiệu lúa gạo Buôn Choah có mặt ở những thị trường khó tính”, ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choah nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.