| Hotline: 0983.970.780

Trong mưa lạnh đầu Xuân, nông dân Quảng Bình vẫn hăng say ra đồng

Thứ Bảy 05/02/2022 , 14:01 (GMT+7)

Đang là ngày mồng 5 tết Nhâm Dần, nhiều người vẫn trong kỳ du Xuân thì nông dân Quảng Bình đã ra đồng tỉa dặm lúa đông- xuân…

Sáng mồng 5 Tết Nhâm Dần, trên quốc lộ 1A, hàng đoàn xe ô tô nối nhau đi du Xuân. Dưới cánh đồng lúa xanh rì, nông dân đã thăm đồng, tỉa dặm lúa để mong có vụ mùa bội thu. Trời vẫn mưa lất phất và kèm gió lạnh…

Nông dân Quảng Bình tranh thủ ra đồng đầu Xuân. Ảnh: N.Tâm

Nông dân Quảng Bình tranh thủ ra đồng đầu Xuân. Ảnh: N.Tâm

Cánh đồng lúa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) xanh rì, mơn mởn lúa thì con gái. Ba bà con chị Lê Thị Hiền (xã Liên Thủy) đang đứng hàng ngang dùng những chiếc cuốc chỉa sắt có 3 răng nhỏ và cán dài để tỉa dặm lúa.

Đây là công cụ thủ công cải tiến phục vụ việc tỉa dặm lúa. Người làm chỉ cần đứng một chổ nhưng nhờ cán cuốc chỉa dài nên có thể tỉa lúa chổ dày để trồng dặm ở chổ thưa, chổ trống. Khi xung quanh chổ đứng, lúa đã được tỉa dặm đều thì mọi người lại di chuyển sang chổ khác.

Tập trung tỉa dặm lúa cho kịp thời gian để cây lúa phát triển tốt. Ảnh: N.Tâm

Tập trung tỉa dặm lúa cho kịp thời gian để cây lúa phát triển tốt. Ảnh: N.Tâm

Thấy tôi loay hoay trên bờ ruộng nhỏ để chụp ảnh cảnh làm lụng, chị Hiền kêu vui: “Ới nhà báo Nông nghiệp, có xuống tỉa dặm lúa được với chị em không”. Chẳng chần chừ, tôi xắn quần lội ngay xuống ruộng. Việc này thì tôi không lạ nên mạnh dạn hẳn. Nước ruộng lạnh buốt. Chị Hiền la lên: “Thôi thôi, không đùa nữa. Em lên bờ đi, biết nhà báo Nông nghiệp đầu năm mà về ruộng đồng với bà con là năm ni biết chắc được mùa rồi rồi”.

Chị Hiền cũng cho hay, nhà làm 4 mẫu lúa (2ha). Lúa gieo cấy trước Tết đang bén ruộng lên tốt nhanh lắm. “Phải tranh thủ tỉa dặm cho kịp, chứ không để thêm mấy hôm nữa lúa lên cao thì không còn tỉa dặm được nữa. Thôi thì vui Tết mấy hôm vậy là được rồi. Cũng đã thăm nội, ghé ngoại chúc Tết đủ đầy. Bây giờ chú tâm vô cây lúa thôi”- chị Hiền bộc bạch thêm.

Dù mưa lạnh, nhưng bà con vẫn hăng say trên cánh đồng lúa đang lên xanh. Ảnh: N.Tâm

Dù mưa lạnh, nhưng bà con vẫn hăng say trên cánh đồng lúa đang lên xanh. Ảnh: N.Tâm

Vòng qua xã An Thủy, trời mưa lất phất như làm cho cái giá buốt tăng thêm. Trên cánh đồng hun hút gió, mấy bà con ông Võ Thế Hải đang be bờ, tỉa dặm lúa. Ai cũng tùm hụp áo mưa để chống mưa lạnh. Ông Hải bảo: “Phân đủ, nước đầy nên cây lúa bén nhanh lắm. Năm nay tui làm mô hình PN 99 cho Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Mấy chổ lúa bị thưa nên phải tranh thủ đầu Xuân ra đồng sớm để tỉa dặm cho kịp thời gian. Thấy người ta vẫn chở nhau đi chơi tết cũng không buồn đâu. Mình làm nông nên phải chấp nhận để cho cây lúa thêm xanh thôi mà”.

Trên cánh đồng nào đầu Xuân cũng thấy bóng dáng người nông dân đang cần mẫn. Ảnh: N.Tâm

Trên cánh đồng nào đầu Xuân cũng thấy bóng dáng người nông dân đang cần mẫn. Ảnh: N.Tâm

Vụ đông- xuân năm nay, huyện Lệ Thủy gieo cấy trên 10.160 ha. Trong đó, các địa phương có diện tích lớn như xã An Thủy (1.200 ha), Liên Thủy, Hoa Thủy (mỗi địa phương khoảng 1.000 ha)… Hầu hết, diện tích đã được giao cấy trước tết. Hiện chỉ có khoảng 250 ha lúa của các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy ở vùng ven đầm phá Hạc Hải chưa chủ động được điều tiết nước nên chưa thể gieo cấy được.

Ông Nguyễn Xuân Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho hay, vụ đông- xuân này, huyện cơ cấu bộ giống chủ lực như VNR 20, Như Ưu 838, Hà Phát 3, P6… “Do có đầu tư, chăm bón đúng quy trình nên cây lúa phát triển nhanh, tốt. Hiện chưa phát hiện sâu bệnh trên ruộng. Dù trời đang mưa lạnh nhưng chúng tôi và chính quyền địa phương chỉ đạo, động viên bà con sớm ra đồng để chăm, tỉa dặm lúa cho kịp thời gian”.

Vụ đông –xuân năm nay, huyện Lệ Thủy cơ cấu chủ lực là những bộ giống khoa học kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao. Ảnh: N.Tâm

Vụ đông –xuân năm nay, huyện Lệ Thủy cơ cấu chủ lực là những bộ giống khoa học kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao. Ảnh: N.Tâm

Ngoài ruộng lúa, nhiều bà con đã sớm chăm vườn rau xanh. Đây là diện tích rau thu hoạch sớm và gieo trồng để gối vụ rau sau Tết.

Chị Nguyễn Thị Tâm (xã Hồng Thủy) vừa chăm mấy luống rau cải xanh vừa cho hay: “Lứa rau trước bán cách Tết khoảng 20 ngày và gieo lại. Ngoài diện tích rau phục vụ tết thì đây là vườn rau gối để qua Rằm tháng Giêng là có rau xanh bán cho bà con”.

Hy vọng cho cánh đồng rộng bát ngát có vụ mùa tươi tốt, bội thu. Ảnh: N.Tâm

Hy vọng cho cánh đồng rộng bát ngát có vụ mùa tươi tốt, bội thu. Ảnh: N.Tâm

Cũng theo chị Hiền thì thông thường sau Tết là thời điểm rau, củ khá khan hiếm nên giá thường kéo lên cao. Vì vậy nhiều bà con đã chừa diện tích đất để trồng lách vụ nhằm có nguồn thu kịp thời ngay sau chi phí dịp Tết.

Những vườn rau xanh lách vụ để phục vụ sau dịp tết Nhâm Dần. Ảnh: N.Tâm

Những vườn rau xanh lách vụ để phục vụ sau dịp tết Nhâm Dần. Ảnh: N.Tâm

Ông Nguyễn Văn Bang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy cho biết: “Toàn xã có khoảng 1.000 ha đất trồng các loại rau dưa, củ quả. Ngoài thu nhập chính từ bán phục vụ tết Nhâm Dần thì bà con còn rãi vụ diện tích khoảng vài trăm ha để bán sau tết. Qua đó, mang lại nguồn thu từ nông nghiệp ngay đầu năm mới”.

    Tags:
Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.