Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc |
“Đã có sự đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm cắt giảm đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Trung Quốc cũng như phát triển nền kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ từ Mỹ”-Reuters dẫn thông cáo chung sau cuộc họp của phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu với phía Mỹ tại Washington, cho biết. Đại diện Mỹ tham dự cuộc họp này là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, ngoài ra còn có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và một số quan chức cấp cao khác.
Ông Steven Mnuchin là người đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong chuyến công du Bắc Kinh cách đây không lâu, cũng với nhiệm vụ đàm phán các vấn đề về thương mại giữa đôi bên. Tân Hoa Xã dẫn lời Phó thủ tướng Lưu Hạc đánh giá, kết quả cuộc đàm phán tại Washington là rất tích cực, thực tế và mang tính xây dựng giữa Mỹ với Trung Quốc. Tân Hoa Xã đồng thời bình luận, tuyên bố chung nói trên thể hiện việc Washington và Bắc Kinh cùng hướng tới việc không phát động cuộc chiến tranh thương mại nhằm vào phía bên kia.
Trên thực tế, có khá nhiều dấu hiệu để dự báo về kết quả chuyến đi của ông Lưu như nói trên. Đầu tiên là việc cách đây ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lên tiếng ủng công ty sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, sau khi đã ban hành lệnh cấm khiến hoạt động của ZTE bị tê liệt. Theo Tổng thống Trump, ông đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoạt động trở lại, đồng thời khẳng định tình hình hoạt động của ZTE là một phần của thoả thuận thương mại giữa đôi bên.
Thứ hai là sự vắng mặt của Peter Navarro trong các vòng đàm phán vừa qua giữa Mỹ với Trung Quốc. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Navarro là một trong những cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, có quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc về thương mại. Trước đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng úp mở khả năng xuống thang của Trung Quốc, khi cho biết Bắc Kinh “muốn có một thoả thuận” với Mỹ.
Theo SCMP, thoả thuận chung xác định Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp và công nghệ cao từ Mỹ. Đây là tín hiệu vui đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ ở các bang như Iowa hay Nebraska. Đơn cử như năm 2016, Iowa đã xuất khẩu vào Trung Quốc đậu tương và một số sản phẩm nông nghiệp khác trị giá 1,8 tỉ USD. Trung Quốc chính là thị trường nước ngoài lớn thứ 2 của bang này, sau Canada. Với bang Nebraska, Trung Quốc cũng chính là khách hàng lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp. SCMP nhấn mạnh đây cũng là những bang ủng hộ cho ông Trump trong cuộc đua Tổng thống năm 2016.
Riêng đậu tương, giá trị xuất khẩu vào Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ năm 2017 đạt 14 tỉ USD, chiếm 9,2% tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc và gần bằng 3/4 giá trị hàng hoá nông nghiệp Mỹ cho thị trường châu Á.
Về năng lượng, triển vọng xuất khẩu vào Trung Quốc cũng tăng lên với các doanh nghiệp Mỹ khi hồi tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đạt được thoả thuận với nhà sản xuất khí gas tự nhiên Cheniere Energy của Mỹ về sản lượng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) với tổng trị giá tới 250 tỉ USD. Theo đó từ năm nay, Cheniere Energy mỗi năm sẽ cung cấp 1,2 tỉ tấn LNG cho CNPC, kéo dài tới năm 2043.
Theo Reuters, phía Trung Quốc hôm qua không đề cập tới khoản 200 tỉ USD phía Mỹ yêu cầu cắt giảm trong thâm hụt thương mại giữa đôi bên. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Denver, Suisheng Zhao cũng nhận định: “Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ đưa ra con số cắt giảm 200 tỉ USD trong tương lai gần. Đây là nỗ lực mang tính dài hạn”. Reuters cho biết Mỹ sắp tới sẽ cử một nhóm chuyên gia tới Bắc Kinh để cụ thể hoá các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng trong kế hoạch tăng xuất khẩu vào Trung Quốc sắp tới.