Sau lùm xùm vụ việc huy động hàng tỷ đồng tiền học phí của phụ huynh nhưng không tổ chức giảng dạy theo đúng cam kết tại trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Hà Tĩnh, Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp nhận thêm nhiều phản ánh của phụ huynh về thực trạng trung tâm Anh ngữ mọc lên như nấm nhưng không một cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng giảng dạy của các trung tâm này.
Một giáo viên dạy tiếng Anh tại huyện Nghi Xuân cho hay, thời gian qua, do nhu cầu và xu hướng cho con học tiếng Anh, đặc biệt học tiếng Anh với người nước ngoài ngày càng nhiều nên các cơ sở, trung tâm Anh ngữ trên địa bàn Hà Tĩnh mọc lên nhan nhản. Giữa “ma trận” trung tâm Anh ngữ với đủ các hình thức quảng cáo, chiêu sinh, phụ huynh không biết phải lựa chọn thế nào?
“Bản thân tôi có thể dạy cho con nhưng muốn cho cháu học thêm ở trung tâm để trau dồi kỹ năng nghe, nói với người nước ngoài. Tuy nhiên đứng trước 11 cơ sở trên toàn huyện, tôi không biết trung tâm nào chất lượng tốt để cho con theo học”, cô giáo xin dấu tên băn khoăn.
Còn tại TP Hà Tĩnh, trong tổng số 64 trung tâm trên toàn tỉnh thì địa phương này chiếm đến 31 cơ sở. Trong đó có 6 trung tâm thành lập mới trong năm 2022.
Chị B.T.N., trú phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh chia sẻ, con trai chị đang học lớp 5. Cách đây hơn một năm chị đăng ký cho con theo học tại một trung tâm ở đường Phan Đình Phùng, gói 30 tháng với số tiền học phí lên đến hơn 33 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian theo học, chất lượng không được như kỳ vọng, chị muốn rút lại học phí nhưng gặp khó khăn do vướng phải nhiều điều khoản ràng buộc trong hợp đồng đã ký.
“Bây giờ “bỏ thì thương vương thì tội”. Tôi muốn cho con học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài nhưng chất lượng giảng dạy tại các trung tâm không có cơ quan chức năng, chuyên môn nào thẩm định nên phụ huynh rất khó đưa ra sự lựa chọn.
Và thực tế lựa chọn của tôi cho con học tại trung tâm ở đường Phan Đình Phùng vừa qua đã không hiệu quả, tôi phải quay lại cho con học thêm với giáo viên Việt Nam. Cuối vùng chỉ phụ huynh thiệt đơn thiệt kép”, chị N. nói.
Theo tìm hiểu, hiện nay giáo viên nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm đến từ các nước Anh, Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc tạo môi trường phát âm chuẩn với người bản xứ cũng là một dấu hỏi rất nhiều phụ huynh đặt ra?.
Ông Lại Thế Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) Hà Tĩnh cho biết, hiện trên địa bàn có tổng 64 trung tâm tiếng Anh. Tính riêng trong năm 2022, có 12 trung tâm lập mới, được cấp phép. Những trung tâm này hoạt động có cả giáo viên bản địa và giáo viên nước ngoài.
Theo ông, điều kiện để cấp phép trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục căn cứ theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với tiêu chuẩn giáo viên theo thông tư 21/2018/TT-BDGĐT. Riêng việc thu học phí gộp theo gói hàng chục triệu đồng bản chất là huy động vốn. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một quy định hay chế tài nào để kiểm soát bởi đó được hiểu là thỏa thuận riêng giữa trung tâm với phụ huynh.
Về vấn đề chất lượng của các trung tâm, ông Dũng cũng thừa nhận không thể kiểm định được.
“Về phía sở, chỉ yêu cầu các trung tâm sau khi được cấp phép phải niêm yết giấy phép. Chương trình dạy của các trung tâm thì sở quản lý nhưng quá trình tổ chức giảng dạy mình lại không quản lý được. Các trung tâm chủ yếu dạy vào buổi tối lại càng khó quản lý nên việc đánh giá chất lượng chỉ có thể là từ các bậc phụ huynh”, ông Dũng nói.