| Hotline: 0983.970.780

Trưởng ấp không cần... bằng cấp?

Thứ Hai 20/06/2011 , 10:27 (GMT+7)

Dù phải làm bộn bề công việc nhưng xem chừng chức danh trưởng thôn (ấp) đang bị xem nhẹ...

Dù phải làm bộn bề công việc nhưng xem chừng chức danh trưởng thôn (ấp) đang bị xem nhẹ. Học vấn, am hiểu pháp luật... đang rất thiếu đối với những người được mệnh danh là "làm dâu trăm họ".

>> Vừa làm Bao Công vừa kiêm... thầy cúng
>> Trăm dâu đổ đầu… trưởng thôn
>> Chống gậy đội nón mê đứng giữa trưa hè
>> Trưởng thôn - Anh là ai?

Tiêu chí số 1 là nhiệt tình

Khi biết chúng tôi tìm hiểu về trưởng ấp, ông Phó Chủ tịch xã Cây Trường (Bến Cát, Bình Dương) Ngô Hữu Hiệp dù đang bận nhưng vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa để tiếp chuyện chúng tôi.

- Xã có mấy ấp trưởng anh nhỉ?

- À, xã tôi có ít nhất đấy, chỉ 4 vị thôi nhưng đại diện cho 5.000 dân lận. Mấy ông này là nhiệt tình, năng nổ nhất đấy, bất cứ việc gì xã giao xuống là làm ngay, chẳng kể ngày giờ gì đâu.

- Thế thì tốt quá rồi. Chắc họ đều có bằng cấp, trình độ và được đào tạo bài bản chứ?

- Uh… cái này thì không có. Chắc chắn không! Theo tôi nhớ thì hình như không ai học hết… lớp 12 cả! Mà cái này thì từ xưa đến nay như thế rồi, chưa thấy ai thắc mắc. Các xã khác tôi cũng thấy thế mà.

- Vậy tiêu chí bầu trưởng ấp là thế nào?

- À, thì cứ được dân quý, dân tín nhiệm vì nhiệt tình với công việc của ấp, của xã là được bầu thôi. Từ trước đến nay đều thế…

Đến xã Cây Trường, hỏi dân ai cũng bảo 4 ông gồm: ông Hường trưởng ấp Ông Chài, ông Nam trưởng ấp Bà Tứ, ông Văn trưởng ấp Suối Cạn và ông Tân trưởng ấp Ông Thanh là những công dân gương mẫu, nhiệt tình nhất xã. Nghe được nhiều lời khen quá, chúng tôi quyết gặp cả 4 vị để xem họ già, trẻ thế nào; nhiệt tình ra sao mà có vị từng 10 năm liên tiếp được dân ấp mình chọn làm “sếp” chuyên “vác tù và hàng tổng”.

Quả đúng y chóc. Chúng tôi ngạc nhiên vì sao mà 4 “ông già” này lại “gân” đến thế, bởi lẽ hàng tháng chỉ lãnh 830.000 đồng tiền phụ cấp, sau đó “ôm” hàng trăm thứ việc từ to đến nhỏ của 5.000 dân. Trong số này, trưởng ấp Văn đã ngoài 56 tuổi, nhưng khi gặp gỡ trao đổi thì cái “máu” nhiệt tình vẫn toát ra bên ngoài. “Ấp tôi rộng 992 ha và có trên 700 nhân khẩu. Giờ mỗi lần kêu dân đi họp lại mất tới vài ngày, có những hộ ở xa, cả đi cả về mất cả chục cây số đấy chứ, nhưng cứ đi là đi thôi”, trưởng ấp Văn nói tỉnh queo.

Trẻ hơn đôi chút, ông Hường - 51 tuổi nhưng đã có 3 năm làm ấp phó và 7 năm làm trưởng ấp Ông Chài, quản lý 946 nhân khẩu. Ông kể: “Dân cứ có chuyện là họ chạy tới tìm trưởng ấp”. Có những trường hợp như mẹ con bà H và cháu K cãi nhau, nửa đêm chạy đến la hét ầm ĩ, dựng cả nhà ông dậy nằng nặc bắt ông làm “quan tòa”.

Còn ông Tân - 49 tuổi, trưởng ấp Ông Thanh thì nói vui: “Từ chuyện vĩ mô đến vi mô, từ lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đến chuyện làng, chuyện xã, ma chay, cưới hỏi, họp dân, triển khai nghị quyết, giải quyết tranh chấp, thậm chí cãi vã, đánh lộn nhau cũng đến tai và tay chúng tôi cả". Riêng ông Nam - 43 tuổi, trưởng ấp Bà Tứ do trẻ nhất trong nhóm nên được “ưu tiên” cai quản địa bàn rộng lớn và “hóc” nhất. Ông Nam nói: "Ấp tôi rộng tới 1.160 ha, xung quanh toàn sông suối hiểm trở và dân nhập cư tạm trú đến làm ăn, sinh sống rất nhiều. Vì thế, chúng tôi cứ phải coi việc thiên hạ là việc của nhà mình ấy chứ. Nhiệt tình vẫn được xem là tiêu chí số 1 anh ạ”.

Trưởng ấp có cần bằng cấp?

Chúng tôi hỏi vị Phó Chủ tịch xã Cây Trường:

- Ngoài nhiệt tình ra, chẳng lẽ 4 trưởng ấp chẳng được đào tạo gì sao anh?

- Có chứ nhưng chút ít thôi, một năm các ông ấy được tập huấn nghiệp vụ… 3 ngày để làm trưởng ấp.

Chúng tôi lại hỏi trực tiếp các trưởng ấp: “Các bác được nhân dân bầu làm trưởng ấp dựa theo tiêu chí nào?”. Theo ông Hường thì: "Phải là người có hộ khẩu tại xã, có uy tín trong nhân dân”. Còn theo ông Tân thì: “Đầu tiên là phải có sự nhìn nhận của cấp trên, sau đó mới được giới thiệu gặp gỡ dân để dân chọn ra 2 người bầu chức danh trưởng ấp. Trước khi có chức danh, phải trải qua 3 cuộc họp toàn dân, rồi hiệp thương 3 lần, sau đó mới bầu chính thức. Có nghĩa là phức tạp lắm! “Vậy tiêu chí học thức bỏ qua sao, các bác?”. Đúng rồi, ở đâu cũng thế cả. Như ông Văn và ông Nam học hết lớp 9, ông Hường học hết có lớp 8, còn anh Tân khá hơn cũng chỉ hết lớp 10. Vậy mà cả 4 người mấy khóa liên tiếp được bầu hết phó ấp, rồi lại đến trưởng ấp, uy tín đầy mình.

"Vậy các chú, các anh thấy nhiệt tình là đủ rồi, không cần thêm yếu tố nào khác cho vị trưởng ấp sao?". Đâu có - ông Tân nói - Đừng có nghĩ chúng tôi ít học, bảo thủ mà không biết suy tính, không biết nghĩ cái gì hay dở đâu nhé. Tôi là tôi mong nhất thế hệ sau này có lớp đào tạo trưởng ấp, có bằng cấp gắn với thực tế địa phương thì quá tuyệt vời. Đặc biệt là việc đào tạo cho trưởng ấp nắm chắc pháp luật thì họ mới tự tin để hướng dẫn đúng cho bà con được. Cứ như bây giờ, khi người dân có tranh chấp liên quan đến pháp luật tìm đến trưởng ấp, thì chúng tôi chỉ có nước đứng mà… ú ớ thôi.

"Ý kiến chú Văn thì sao?". Vị trưởng ấp già nhất trong nhóm trầm tư: “Ngày xưa thì cứ nhiệt tình là xong tất, còn bây giờ khác rồi, không chỉ cứ mãi dựa vào nhiệt tình hay kinh nghiệm được đâu. Nếu nhiệt tình, kinh nghiệm được kết hợp bài bản với đào tạo thì chắc chắn vị trưởng ấp sẽ là động lực quan trọng đấy!”.

“Còn về chuyện “nhạy cảm” hơn: Phụ cấp cho trưởng ấp thì sao?”. Ông Hường bày tỏ: “Rõ là chẳng cần kêu, ai cũng biết tiền phụ cấp đang quá thấp. Chúng tôi làm trưởng ấp vì nhiệt tình, chứ để nói vì cuộc sống gia đình mà làm thì chúng tôi không bao giờ dám nhận. Có những thời điểm nhiều việc, cả tuần trời, ngày cũng như đêm chúng tôi tối mặt tối mũi để lo chuyện của ấp, của xã, không có thời gian làm bất cứ việc gì khác, thử hỏi mấy trăm nghìn có đủ? Vì thế, phụ cấp cũng phải thay đổi chứ”.

Chúng tôi hỏi ông Tân - Trưởng ấp Ông Thanh: “Các chú, các anh có thấy trưởng ấp cần phải được trao thêm quyền không?". Ông Tân nói: “Theo tôi thì không cần thiết vì đã có bộ máy xã lo rồi mà. Tôi ngại rằng, nếu trưởng ấp cứ như bây giờ, không được đào tạo bài bản và không hiểu biết về pháp luật thì quyền lực sẽ là con dao hai lưỡi, có thể sẽ xảy ra rất nhiều chuyện phức tạp không lường trước được đâu”.

Dù gì đi nữa, ông Hường cũng cho rằng, chí ít trưởng ấp cũng còn khá hơn mấy ông tổ trưởng phía dưới. Ông Hường nói: “Dưới trưởng ấp là có các tổ trưởng tổ tự quản, trực tiếp giúp việc cho ấp. Vậy nhưng, họ chẳng có quyền lợi gì, một đồng trợ cấp hay một lít xăng cũng không có. Vì thế, hầu hết các tổ trưởng làm… cho vui, rảnh hay nhiệt tình thì làm, còn không thì cứ mặc kệ, hiệu quả công việc nhiều khi không cao”. Hiện ấp ông Tân có 8 tổ, ấp ông Hường có 6 tổ, ấp ông Nam 7 tổ và ấp ông Văn 3 tổ, tổng cộng có tới 24 ông tổ trưởng đang chịu cảnh ăn cơm nhà 100% để vui vui lại đi… “vác tù và hàng tổng”!

Chúng tôi hỏi 4 trưởng ấp cùng một câu: “Các chú, các anh không sống bằng tiền phụ cấp, thì đang sống bằng nguồn gì?”. Tất cả đều trả lời là sống dựa vào cây cao su. Nhà ông Tân có hơn 20 ha trồng cao su, ngoài ra còn thuê thêm hơn 10 ha nữa để xâm canh, tổng thu nhập 1 tỷ đồng/năm.

Còn lại, nhà ông Nam, ông Hường và ông Văn đều có trong tay trên 1 ha cao su/người làm nguồn thu nhập chính nuôi gia đình và an tâm lo chuyện làng, chuyện xóm. Họ được coi là những người khá giả trong xã vì thu nhập bình quân của 5.000 dân nơi đây chỉ có 16 triệu đồng/người/năm, dưới cả mức trung bình của cả nước là 1.000 USD (trên 20 triệu đồng)/người/năm.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.