Lý do mà chính quyền đưa ra là do thiếu kinh phí xây dựng các hạng mục quan trọng.
Dù đã hoàn thành hơn 4 tháng nhưng trường mầm non Nghĩa Thắng vẫn chưa được đưa vào sử dụng. |
Đây là công trình do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư với kinh phí 4,9 tỷ đồng trên diện tích 5.100m2 và được triển khai xây dựng trong năm 2018. Theo dự kiến, công trình sẽ được thi công trong vòng 8 tháng và đưa vào sử dụng bắt đầu từ năm học 2018 – 2019.
Cuối năm 2018, Trường mầm non Nghĩa Thắng hoàn thành các hạng mục: một dãy nhà 2 tầng với 4 phòng học và một số công trình phụ khác trên diện tích 567m2. Vậy nhưng, từ đó đến nay trường vẫn chưa thể tiếp nhận học sinh vào học cũng như không thấy xây dựng gì thêm mà cứ để phơi nắng phơi sương trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Chị Nguyễn Thị Linh (trú xã Nghĩa Thắng) cho biết, các bậc phụ huynh có con em đang ở độ tuổi học mầm non khi thấy trường mầm non Nghĩa Thắng được xây dựng khang trang thì rất vui mừng, hy vọng con mình sẽ được học tập trong điều kiện tốt hơn. “Vậy nhưng, khi trường xây xong mà mãi chưa sử dụng. Trong khi đó, điểm trường cũ con chúng tôi đang học cách nhà khá xa, cơ sở vật chất lại thiếu thốn”, chị Linh nói.
Qua quan sát, trường mầm non Nghĩa Thắng đã hoàn thành dãy nhà chính 2 tầng với 4 phòng học. Trước dãy nhà này là khu vực sân trường gồm một bãi đất trống mọc đầy cỏ dại, chưa có cây xanh và các trang thiết bị ngoài trời phục vụ làm sân chơi cho trẻ. Bên ngoài, tường rào bao quanh và cổng trường cũng được dựng lên sơ sài, tạm bợ. Người dân còn tận dụng phần sân bê tông trước cổng trường để phơi nông sản.
Trao đổi với Báo NNVN, ông Võ Sinh Quân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho biết, nguyên nhân mà trường mầm non Nghĩa Thắng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng là do chưa có kinh phí xây dựng các hạng mục còn lại, trong đó quan trọng nhất là hạng mục bếp ăn bán trú cho các cháu.
Theo ông Quân, hiện tại xã Nghĩa Thắng có 2 điểm trường mầm non nằm cách nhau khoảng 2 cây số nhưng mới chỉ có 1 điểm trường có bếp ăn. Do đó, thức ăn phải nấu từ điểm trường này mang qua điểm trường kia, rất bất tiện. Nếu chuyển các cháu xuống học tại điểm trường mới này thì cũng phải chuyển thức ăn từ điểm trường cũ qua, như vậy thì sẽ không đảm bảo chất lượng và phụ huynh cũng sẽ không yên tâm được.
Phía trước cổng trường được người dân tận dụng làm chỗ phơi lúa. |
“Chính quyền địa phương cũng đã có văn bản trình lên UBND huyện để đề xuất kinh phí xây dựng bếp ăn bán trú cho các cháu. Sau khi gửi văn bản đề nghị, huyện cũng đã tiếp nhận và về địa phương khảo sát, lên kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, vì đã gần cuối năm học nên UBND huyện đã thống nhất sẽ xây dựng và hoàn thiện công trình, nhằm đưa điểm trường mới đi vào hoạt động trong năm học sau”, ông Quân nói.