| Hotline: 0983.970.780

Tự ấp gà giống để nuôi thương phẩm

Thứ Năm 20/07/2023 , 12:37 (GMT+7)

Tự ấp gà giống để nuôi gà thương phẩm, cặp vợ chồng nông dân ở Bình Định ăn nên làm ra nhờ giảm được giá thành, chất lượng con giống được duy trì ổn định.

Trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Nguyễn Văn Trí, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Nguyễn Văn Trí, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Với tinh thần ham học hỏi, không cam chịu phận nghèo, anh Nguyễn Văn Trí ở thôn Hòa Tân, xã bãi ngang Mỹ Ðức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã tự chọn lọc, gây đàn giống gà ta bố mẹ, rồi học trên mạng cách đóng máy ấp trứng để tự sản xuất gà giống, nuôi thành gà thương phẩm.

Mô hình chăn nuôi gà kép kín của anh Trí đã cho anh thành công mỹ mãn nhờ kiểm soát được chất lượng con giống ngay từ đầu vào, gà nuôi không sinh dịch bệnh, chi phí thấp hơn so mua con giống về nuôi.

“Nếu mua máy ấp trứng có công suất ấp 10.000 trứng/lần sẽ mất hơn 40 triệu đồng, còn máy ấp 1 lần 15.000 trứng sẽ mất hơn 60 triệu đồng. Do ít vốn, tôi xem trên mạng thấy người ta dạy cách đóng máy ấp trứng, tôi theo dõi kỹ lưỡng để học theo. Máy ấp trứng tôi đóng mỗi lần ấp được 16.000 quả nhưng chi phí chỉ hơn 30 triệu đồng”, anh Trí chia sẻ.

Năm 2009, vợ chồng anh Trí khởi nghiệp gầy dựng cơ sở nuôi gà thịt thương phẩm. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, vợ chồng anh nhận thấy nuôi gà thịt thương phẩm có nguy cơ rủi ro do dịch bệnh rất lớn, chi phí đầu vào cao.

Vợ chồng anh Trí bàn tính hết nước, cuối cùng quyết định tự chọn tạo giống gà ta bố mẹ, đầu tư đóng máy ấp nở gà giống nhằm chủ động con giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình.

Đàn gà của anh Nguyễn Văn Trí không ngừng tăng trưởng.

Đàn gà của anh Nguyễn Văn Trí không ngừng tăng trưởng.

Đến nay, trang trại chăn nuôi rộng hơn 5.000m2 của gia đình anh Trí đủ năng lực nuôi đàn gà quy mô 7.000 con gà thịt thương phẩm, 3.000 gà giống bố mẹ, hiện anh đang nuôi thêm 1.000 con gà lấy trứng và 1.000 con cút.

“Ngoài ấp gà giống phục vụ chăn nuôi cho gia đình, nếu người chăn nuôi trong vùng có nhu cầu đặt hàng tôi cũng cho ấp nở và bán gà giống”, anh Trí cho hay.

Theo anh Trí, nuôi gà thịt thương phẩm là cách làm kinh tế phổ biến ở nông thôn. Tuy nhiên, nếu tính chi li thì trong giai đoạn này, người chăn nuôi phải chịu nhiều áp lực về chi phí đầu vào như giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh thường xuyên đe dọa nên phải tốn chi phí phòng bệnh nhiều hơn, giá bán sản phẩm bấp bênh nên nghề chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Ấy là chưa kể trong quá trình chăn nuôi nếu phải nhập giống về nuôi người chăn nuôi không kiểm soát được chất lượng con giống ngay từ đầu vào, dễ gặp rủi ro về dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Trí, đang cho đàn cút ăn. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Trí, đang cho đàn cút ăn. Ảnh: V.Đ.T.

“Vừa chăn nuôi tôi vừa tìm hiểu, học hỏi thêm để chủ động tiếp cận kỹ thuật và nắm bắt nhu cầu thị trường. 10 năm nay tôi miệt mài với phương thức chăn nuôi khép kín, tự ấp nở con giống gà ta lai để vừa tự đảm bảo nhu cầu chăn nuôi của gia đình vừa cung cấp cho bà con xung quanh. Kiểm soát được nguồn giống đầu vào, kết hợp với việc vừa nuôi gà thịt thương phẩm vừa nuôi gà lấy trứng, đến nay cơ sở chăn nuôi của gia đình tôi duy trì và phát triển ổn định”, anh Nguyễn Văn Trí chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Trí tâm sự: Năm 2009, hai vợ chồng chị thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng trẻ mới ra ở riêng nên vất vả trăm bề. Nhờ chính quyền các cấp tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận với các kênh thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ, tham gia các đợt tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.

Đặc biệt, vợ chồng chị được tạo điều kiện tiếp cận các gói vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ để có vốn đầu tư, phát triển dần nghề chăn nuôi gia cầm.

Khu nuôi gà lấy trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Trí. Ảnh: V.Đ.T.

Khu nuôi gà lấy trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Trí. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngày được vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn hộ nghèo để gầy đàn gà, vợ chồng tôi mừng húm, cũng nhờ đồng vốn ban đầu ấy mà giờ vợ chồng tôi có được trang trại chăn nuôi gia cầm như ngày nay”, chị Thu phấn khởi kể.

Từ đồng vốn xóa đói giảm nghèo ban đầu, nhiều năm qua vợ chồng anh Trí mở rộng dần quy mô, tăng số lượng đàn vật nuôi lên, tìm kiếm được khách hàng ổn định, nhờ đó việc làm ăn suôn sẻ.

Giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, sản phẩm khó tiêu thụ, vợ chồng anh Trí thiếu chi phí để tiếp tục duy trì mô hình thì lại được vay 100 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Mỹ để đầu tư mua thức ăn duy trì đàn gà, cải tạo chuồng trại để mở rộng diện tích khu nuôi gà lấy trứng.

“Chính quyền địa phương luôn dành cho những gia đình năng động, sáng tạo trong chuyện làm ăn như gia đình anh Trí sự quan tâm đặc biệt. Chúng tôi tin tưởng sự sáng tạo của họ sẽ tạo cảm hứng, tạo niềm tin phấn đấu cho nhiều hộ khó khăn khác trong địa phương. Sự thành công của họ cũng là động lực để chính quyền địa phương nỗ lực nhiều hơn trong giúp đỡ, hướng dẫn người dân mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình”, ông Đào Duy Nguyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức chia sẻ.

Xem thêm
Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.