Mở đường cho nuôi biển xa bờ
Khánh Hòa nằm trung khu vực các tỉnh Nam Trung bộ có tần suất thiên tai khá cao, do vậy việc nuôi thủy sản bằng lồng bè gỗ, tre rất dễ bị thiệt hại.
Thực tế, cơn bão bão số 12 năm 2017 và cơn bão số 9 vào năm 2021 đã minh chứng về rủi ro này khi gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cơn bão số 12 là nỗi ám ảnh kinh hoàng của ngư dân, với sức gió cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn đã đánh tan tành lồng bè gỗ nuôi tôm, cá trên biển. Nhiều hộ nuôi phút chốc mất tiền tỷ, trở nên trắng tay chỉ sau một đêm.
Còn nhớ ngày ấy trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nơi tâm bão đi qua là nơi thiệt hại nặng nề nhất, bởi người dân nơi đây phát triển nuôi thủy sản bằng lồng bè gỗ thô sơ, không chống chịu được với sóng to gió lớn.
Trước thực trạng trên, làm sao giúp người nuôi thay đổi phương thức sản xuất để vừa thích ứng với thiên tai, vừa đảm bảo tài sản tôm, cá thả nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã trăn trở, nghiên cứu, đặt vấn đề thực hiện dự án xây dựng mô hình nuôi biển cá giò (hay gọi cá bớp) bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy trên địa bàn tỉnh. Sau đó, dự án này đã được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chấp thuận phê duyệt.
Theo đó, dự án được triển khai từ năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi HDPE. Trong đó, năm 2020, mô hình xây dựng 1 lồng, năm 2021 xây dựng 2 lồng và năm 2022 triển khai 3 lồng.
Trở lại khu vực nuôi Bãi Tranh, thuộc vịnh Vân Phong sau 3 năm triển khai mô hình, chúng tôi chứng kiến những lồng tròn HDPE được người nuôi áp dụng mang lại hiệu quả rất tích cực. Điều này thể hiện khi số lồng HDPE được ngư dân đầu tư để nuôi hải sản đã vượt rất nhiều so với con số ban đầu của dự án. Và, người dân cũng đã ý thức tự bỏ hàng trăm triệu đồng để tự đầu tư lồng HDPE nuôi thủy sản thích ứng với thiên tai.
Điển hình như ông Nguyễn Xuân Hòa, một người nuôi trồng thủy sản có thâm niên 22 năm ở Thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) chỉ sau một năm được dự án hỗ trợ một lồng nuôi HDPE vào năm 2020, đã quyết định đầu tư thêm một lồng tròn HDPE trị giá 180 triệu đồng, lồng có đường kính 10m, thể tích khoảng 500m3.
Hay anh Trần Ngọc Sỹ ở xã Vạn Lương (Vạn Ninh) vừa qua cũng đã nhân rộng thêm 1 lồng tròn HDPE (với đường kính 10m) sau khi được dự án hỗ trợ. Anh Sỹ cho biết sang năm 2023, sẽ tiếp tục đầu tư thêm lồng nuôi HDPE, từ đó giảm dần lồng gỗ để nuôi biển bền vững hơn.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết, định hướng, quy hoạch của Khánh Hòa phải đảm bảo nuôi từ 3 - 6 hải lý nên việc ứng dụng công nghệ nuôi lồng HDPE sẽ là xu thế và tất yếu. Từ hiệu quả mô hình nuôi lồng HDPE, sang năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai dự án về công nghệ nuôi lồng này. Trung tâm sẽ xây dựng mô hình nuôi tôm hùm trong lồng vuông HDPE để giúp cho nghề nuôi này phát triển ổn định tương tự như nuôi cá biển trong thời gian tới. Đây cũng như là cơ sở để các ngân hàng hỗ trợ vay vốn để sản xuất.
Đa lợi ích khi nuôi lồng HDPE
Hỏi về hiệu quả khi nuôi thủy sản bằng công nghệ lồng HDPE, các hộ nuôi áp dụng đều khẳng định hơn nhiều mặt so với lồng gỗ truyền thống.
Ông Nguyễn Xuân Hòa (Thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) chia sẻ, ngoài chịu sóng, gió tốt hơn thì lồng HDPE rộng lớn, có thể nuôi tại các vùng biển hở, xa bờ nên có chất lượng nước tốt, vì vậy cá nuôi ít bị bệnh hơn. Cùng với đó, lồng HDPE có kích cỡ phù hợp nên dễ chăm sóc và quản lý, từ đó đàn cá nuôi nhanh lớn, thu hoạch sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng (tùy vào thời tiết) so với lồng gỗ.
Hơn nữa, trước đây nếu nuôi lồng gỗ với cùng với sản lượng cần tới 3 lao động chăm sóc, nay nuôi lồng HDPE chỉ còn 2 lao động. Trong khi về kỹ thuật nuôi cá bằng lồng HDPE không khác gì mấy so với nuôi lồng bằng gỗ.
“Lồng nuôi HDPE với thể tích vừa phải, phù hợp với nông hộ nên chỉ cần 2 người thao tác hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá thu hoạch, không cần máy móc cầu kỳ”, ông Hòa chia sẻ và cho biết thêm, thời gian qua, với 2 lồng tròn này, ông thả nuôi cá bớp và cá chim vây vàng.
Nếu nuôi cá bớp trung bình thả 2.500 con, sau 8 tháng nuôi sẽ thu hoạch khoảng 9 tấn. Còn nuôi cá chim thả 1,5 vạn giống, sau 6 tháng nuôi thu hoạch với sản lượng trung bình khoảng 7 tấn. Đó là thả với mật độ thưa, nếu thả dày năng suất còn cao hơn nữa. Với sản lượng trên và tùy theo giá cá mỗi năm, trung bình mỗi lứa nuôi cá bớp ông lãi từ 200 - 300 triệu đồng, còn cá chim lãi khoảng 200 triệu đồng/lứa/lồng.
Ông Phương Minh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết sau 3 năm triển khai mô hình lồng nuôi HDPE trên địa bàn huyện Vạn Ninh, người nuôi đều đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài lợi ích bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng, mô hình còn giúp người nuôi thích ứng thiên tai, hết lo ngại mưa bão đổ bộ gây thiệt hại. Đặc biệt, lồng nuôi thông thoáng, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, cũng như giúp năng suất cá tăng lên đáng kể.
Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, năng suất nuôi cá trong lồng HDPE có thể đạt từ 15kg cá/m3, trong khi nuôi lồng gỗ chỉ dưới 10kg cá/m3. Hơn nữa về độ bền của lồng HDPE cũng như tổng chi phí trong một chu kỳ nuôi đến khi lồng hỏng vẫn rẻ hơn lồng gỗ.
Theo đó, một lồng gỗ có kích thước 4 x 4 x 5m, thể tích khoảng 80m3 có chi phí đầu tư 10 triệu đồng/lồng, song tuổi thọ chỉ có 5 năm. Còn một lồng tròn HDPE có đường kính 10m, thể tích khoảng 500m3, tức gấp 6 lần lồng gỗ, nhưng tuổi thọ từ 20 đến 30 năm. Vì vậy tính ra trong vòng 20 năm, nếu nuôi 5 lồng gỗ phải mất hơn 200 triệu đồng, còn nuôi lồng HDPE chỉ 180 triệu đồng.
“Sau 3 năm triển khai mô hình, dù chưa có cơn bão đủ mạnh để đánh giá sức chống chịu của lồng HDPE, song bước đầu thấy rằng, các đối tượng nuôi trong lồng HDPE vẫn an toàn, thích ứng biến đối khí hậu và cá nuôi phát triển tốt hơn so với lồng gỗ. Điều đáng mừng hơn, hầu hết người nuôi đều tiếp thu và sẵn sàng đầu tư để chuyển đổi sang lồng HDPE”, ông Khánh khẳng định.
Hiện nay trên vịnh Vân Phong ngoài 6 lồng của dự án, người nuôi cũng đã bỏ tiền đầu tư lên đến trên 30 lồng HDPE, ngoài các lồng của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam và Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao trên vịnh Vân Phong. Trong khi đó, rất nhiều người nuôi cũng đang có dự định sang năm 2023 tiếp tục chuyển đổi dần sang lồng HDPE. Do đó cho thấy từ dự án khuyến nông triển khai nuôi thủy sản bằng lồng HDPE, đã giúp người dân ở Khánh Hòa thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với thiên tai.
Sớm chính sách để người dân chuyển sang lồng nuôi HDPE
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh đánh giá, qua triển khai mô hình nuôi thủy sản bằng lồng HDPE cho thấy có nhiều ưu thế hơn lồng gỗ, đó là có thể nằm độc lập, giúp vùng nuôi thông thoáng, tạo môi trường nuôi tốt hơn. Hơn nữa, lồng nuôi HDPE được đánh giá thân thiện với môi trường và có độ bền cao hơn rất nhiều so với lồng truyền thống.
Đặc biệt, với sức chống chịu sóng gió, lồng HDPE có thể đặt nuôi tại các vùng biển hở, xa bờ, giúp đàn cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, từ đó nâng cao được tỷ lệ sống. Với lợi ích kinh tế và tính bền vững, Phòng Kinh tế huyện khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình nuôi biển từ bè gỗ truyền thống sang nuôi bằng lồng HDPE nhằm giảm thiểu rủi ro khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, huyện đề xuất UBND tỉnh quan tâm, sớm ban hành chính sách và lộ trình hỗ trợ người dân chuyển đổi sang lồng HDPE.