Nạn nhân là anh T.T.V. (sinh năm 1976, ngụ tại thị trấn Dương Minh Châu). Tháng 10/2023, anh V. bị chó cắn ở tay trái, chảy máu ít. Sau đó, anh V. tự rửa vết thương bằng nước và đắp tỏi. Con chó được gia đình anh V. nuôi và sau đó được đem cho người quen.
Đến 24/3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chán ăn, sợ nước, mệt mỏi. Đến ngày 26/3, các triệu chứng của anh V. có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Đến 10h35 ngày 27/3, sau khi xuất hiện các triệu chứng với tiên lượng nặng, người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu.
Các bác sĩ đề nghị người nhà chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhưng thân nhân xin về vì bệnh tình đã quá nặng. Bệnh nhân tử vong sau đó.
Như vậy, bệnh nhân V. xuất hiện cơn dại sau 6 tháng bị chó cắn, không được tiêm ngừa dại ngay sau đó. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên của Tây Ninh trong năm 2024.
Trước tình hình trên, ngành Y tế Tây Ninh đã phối hơp với Trạm Chăn nuôi Thú y và Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu tiến hành điều tra, giám sát ca dại, gia đình và người thân của bệnh nhân.
Đồng thời, khu vực con chó bị dại cũng được lực lượng thú y kiểm soát, khoanh vùng và tiêm ngừa cho chó, mèo để tránh lây lan bệnh dại.
Theo Cục Thú y, năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố. Khoảng 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại.
Năm nay, tính từ 1/1 - 20/2, cả nước đã xảy ra 17 ổ bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố. Hậu quả, 18 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố.
Số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Trên địa bàn Tây Ninh năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca bệnh dại trên chó (thị xã Hoà Thành 3 ca, thành phố Tây Ninh 1 ca). 2 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) và xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu).
Thống kê từ Sở NN-PTNT Tây Ninh, ước tính chó mèo trên địa bàn tỉnh có khoảng 81.607 con. Chó, mèo là động vật nuôi phổ biến, chủ yếu để giữ nhà, làm thú cưng, tổng đàn thường xuyên thay đổi.
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến chó mèo dễ bị kích động cắn người. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo người dân nên tuân thủ quy định nuôi nhốt chó mèo theo trong khuôn viên quy định.
“Nếu đưa chó đi dạo hoặc ra nơi công cộng cần phải rọ mõm, đeo xích cổ và có người dắt. Ngoài việc tiêm ngừa dại cho vật nuôi thì chủ nuôi cần theo dõi sức khỏe chó nuôi, khi có dấu hiệu bất thường, đề nghị báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo.
Để kiểm soát bệnh dại, ngày từ năm 2023, UBND tỉnh đã đưa chỉ tiêu quản lý chó mèo và bắt chó thả rông, kiểm soát bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của UBND các cấp.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo. Theo đó, số hộ nuôi chó mèo được quản lý đạt > 90%. Số huyện, thị xã, thành phố giám sát được chó mèo nghi mắc bệnh dại cũng đạt > 90%...
Bị chó mèo cắn, phải làm gì để phòng dại?
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM, người không may bị chó mèo cắn, cào cần thực hiện các nguyên tắc phòng bệnh dại sau:
- Rửa vết thương với xà phòng và dưới vòi nước trong từ 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước.
- Bệnh chưa có thuốc đặc trị. Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vacxin phòng dại ngay sau bị chó cắn.
- Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam. Không sử dụng ớt bột, nước ép, nhựa cây... Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.
- Khi vật nuôi đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay. Nếu chó lạ thì phải thông báo cho người có thẩm quyền để tiêu hủy. Điều này giúp chặn đứng sự lây truyền bệnh sang người và vật nuôi khác.