Gần 20 năm mòn mỏi đòi quyền lợi
Ngày 15/10/2001, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh với tổng diện tích tự nhiên hơn 5.000 ha, trong đó đất lâm nghiệp (gồm đất rừng tự nhiên và rừng trồng) là 5.551ha, đất nông nghiệp là 30,8ha; đất chuyên dùng là 5,9ha; đất ở 50,2ha và đất chưa sử dụng là 9,1ha.
Đây là dự án do UBND tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng - một khoản ngân sách khá lớn đối với tỉnh khó khăn như Hòa Bình ở thời điểm đó. Thế nhưng, công tác điều tra, khảo sát, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất đai và tài sản trên đất trong vùng dự án của cơ quan quản lý nhà nước của các Sở, ngành tỉnh Hòa Bình lại được triển khai rất thiếu trách nhiệm.
Bằng chứng là diện tích đất lâm nghiệp của hàng trăm hộ dân các xã Tân Pheo, Đồng Chum, Đồng Ruộng và Đoàn Kết (với ít nhất 530ha theo thống kê chưa đầy đủ), được UBND huyện Đà Bắc cấp sổ đỏ từ năm 1996 với thời hạn 50 năm chồng lấn với phạm vi quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh đã không được tỉnh Hòa Bình liệt kê và lên phương án thu hồi, hỗ trợ, bồi thường.
Trong sổ đỏ đất lâm nghiệp mà UBND huyện Đà Bắc cấp cho các hộ dân năm 1996 ghi rất rõ: Người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hưởng quyền theo các điều 73, 74, 75,76, 77, 78 và 79 Luật Đất đai năm 1993. Nghĩa là, họ được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao; hưởng các lợi ích từ việc bảo vệ, cải tạo đất mang lại; được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo và bồi bổ đất; được bồi thường thiệt hại về đất khi bị thu hồi;…
Ông Hà Văn Phời ở xóm Chàm, xã Tân Pheo, người từng nhiều năm làm lãnh đạo UBND và HĐND xã Tân Pheo, cho biết: Nếu nhà nước thu hồi đất thì phải có quyết định thu hồi, thông báo cho từng hộ dân kèm theo trích lục thửa đất trong diện thu hồi. Và có các chính sách hỗ trợ, bồi thường kèm theo. Tuy nhiên, gần 20 năm trôi qua, chúng tôi mất quyền lợi trên thửa đất của mình nhưng chẳng hề có một văn bản thu hồi đất hay nhận được một đồng bồi thường.
Ông Sa Văn Nghị, 64 tuổi ở xóm Thùng Lùng (xã Tân Pheo) chia sẻ, bao nhiêu năm qua chúng tôi kiến nghị lên các cấp chính quyền để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, nhưng chúng tôi cảm giác như “có một đường dây vô cảm từ xã lên huyện, lên tỉnh Hòa Bình!”
BQL Khu bảo tồn thừa nhận tình trạng nhiều thửa đất 2 sổ đỏ
Trao đổi với phóng viên NNVN, ông Bùi Văn Đoàn – Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh xác nhận, trong diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn thiên được giao có sự chồng chéo với diện tích đất trong sổ đỏ của người dân được nhà nước cấp theo Nghị định 02 của Chính phủ.
“Nguyên nhân là do từ khi quy hoạch rừng đến khi rà soát cấp quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ chưa đảm bảo”, ông Đoàn nói.
Cũng theo ông Bùi Văn Đoàn, nhà nước chưa có quyết định thu hồi sổ đỏ của người dân có diện tích đất chồng diện tích rừng của khu bảo tồn. Khi Ban quản lý khu bảo tồn rà soát, đại đa số người dân vẫn đang nắm giữ sổ đỏ và gửi bản phô tô cho chúng tôi. Theo thời hạn giao đất là 50 năm, thì những cuốn sổ đỏ của người dân vẫn đang có hiệu lực.
“Người dân đang có suy nghĩ mình có sổ đỏ thì được sử dụng tài sản trên đất, nên người dân có hành vi xâm hại, phát xén để làm nương hoặc khai thác các cây mà mình đã trồng trên đó, gây khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Tổng diện tích khu bảo tồn hơn 5.000 ha nhưng Ban Quản lý chỉ có 11 người, rất khó cho lực lượng kiểm lâm quản lý", ông Đoàn thừa nhận thực trạng.
Như vậy là đã rõ, trong câu chuyện này, UBND tỉnh Hòa Bình đã biết sai nhưng cố tình không xử lý. Từ đó, đẩy hàng trăm người dân Đà Bắc và Ban quản lý khu bảo tồn Phu Canh rơi vào tình cảnh “một mảnh đất có hai chủ” .