Mỗi năm, khi mùa xuân về, khi cây rừng bắt đầu nảy lộc, đâm trồi, khi “lúa đã bò lên nhà ngủ”, “tay chân đã hết đất”, người Chơro lại tiến hành cúng lễ tạ ơn Yang Bri, vị thần cai quản núi rừng, đã che chở họ suốt một năm dài dưới những tán cây, đã cho họ vô số những sản vật của rừng, đã đưa dòng suối từ rừng sâu ra, cho họ dòng nước mát lành…
Vị thần che chở
Chúng tôi về xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, nơi cư ngụ của tộc người Chơro vào những ngày mọi người đang tất bật chuẩn bị lễ cúng Yang Bri.
Tiếng ma la (một loại nhạc cụ hình dáng như cồng chiêng, nhưng không có núm, được vỗ tay) thúc giục, kéo khách qua ngôi Nhà Dài nằm cách bờ suối Sa Mách vài chục bước chân.
Không khí ở đây đang vô cùng náo. Những người đàn ông lo vót, chẻ lồ ô để xiên thịt, nấu cơm lam, còn phụ nữ cũng tất bật với những nồi to tướng, lửa cháy hừng hực, người khác đang giã mè đen với nếp làm piêng-bui (bánh dày).
Già làng Tơ Tơ, 80 tuổi, pho từ điển sống của người Chơro bảo, người Chơro theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, từ cây cối, sông suối, đất đá… đều có một vị thần (Yang) cai quản như Yang Mir (thần rẫy), Yang Va (thần lúa), Yang Dal (thần suối)…
Trong đó, thần rừng Yang Bri là một trong những vị thần quan trọng, vì thế, lễ cúng tế cũng do cả tập thể buôn làng cùng tổ chức, già làng chủ trì. Ngày xưa, nơi hành lễ là khoảng đất rộng dưới bóng gốc cây cổ thụ linh thiêng nhất của làng, nay lễ hội được tổ chức tại Nhà Dài.
Già làng Tơ Tơ
Ông Nguyễn Đình Biên, trưởng ấp Lý Lịch, xã Phú Lý cho biết, lễ cúng thần rừng được thực hiện trong nhiều ngày, nhiều người tham dự, rất tốn kém về thời gian, công sức cũng như tiền của nên đòi hỏi sự tham gia, đóng góp của cả cộng đồng.
Để tổ chức lễ được chu đáo, thông thường người Chơro lập ra một ban tổ chức lễ hội do một già làng làm chủ trì, các thành viên là những người cao tuổi có kinh nghiệm, uy tín, vai vế trong làng, dòng họ.
Nhiệm vụ của ban tổ chức lễ hội này vận động trong làng, trong dòng họ tiền bạc, thóc gạo, súc vật... và chịu trách nhiệm về tổ chức nghi lễ.
Ngày xưa, lễ hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch, nhưng quá trình hội nhập với người Kinh đã khiến tập tục có những thay đổi. Người Chơro cũng đó tết Nguyên đán và lễ hội cũng được tổ chức vào dịp này.
Bà Hồng Thị Lịch là nghệ nhân kèn lá của tộc người Chơro
“Lễ hội cúng Yang Bri không chỉ là nét văn hóa truyền thống rất đẹp của người Chơro, đã lưu truyền từ thời tổ tiên khai mở vùng đất đến nay, mà còn mang ý nghĩa rất thiết thực là gắn kết con người với nhau, sống tốt hơn. Lễ hội là dịp để con cháu có dịp tụ họp về, nghe cha ông mình kể để hiểu hơn về gốc gác, truyền thống của tộc mình, răn dạy con cháu biết trân quý, bảo những gì thiên nhiên ban tặng”, ông Nguyễn Đình Biên. |
Bà Hồng Thị Lịch, vợ già làng Tơ Tơ bảo, rượu trong lễ cúng Yang Bri gọi là xơ-tơm, đây không phải loại rượu bình thường, mà được làm rất kỳ công.
Khác với rượu thường dùng chỉ ủ bằng sắn (khoai mì), hay bắp, hoặc lúa rẫy, rượu xơ-tơm là kết tinh của gần 40 loại cây, rễ, lá rừng có vị thuốc.
Quá trình làm rượu, người phụ nữ phải tắm rửa sạch sẽ, phải để rượu ở nơi khô ráo, tinh thần phải vui vẻ, không được buồn giận ai. Nếu trái với những điều này, rượu ủ sẽ bị chua, sẽ bị Yang quở phạt!
“Lễ cúng Yang Bri được chuẩn bị trong hai ngày, ngày đầu tiên, mọi người chuẩn bị đồ vật làm lễ, tổ chức các trò chơi.
Chính lễ được tiến hành vào ban đêm. Khi lễ chính kết thúc, người ta kết một chiếc thuyền hoặc chiếc bè làm bằng bẹ chuối, để lên đó các thức cúng và cái đầu con dê, con heo, thả xuống suối tiễn đưa thần linh về, mọi người về tiếp tục ăn uống.
Cuộc vui có thể kéo dài nhiều ngày, đến khi hết rượu mới thôi”, già làng Tơ Tơ nói.
Ngày hội của sự gắn kết
Sau khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, trong tiếng bước chân rầm rập từ điệu múa xoang của các chàng trai cô gái, trong tiếng mala huyền hoặc, già làng Tơ Tơ trong sắc phục thổ cẩm truyền thống miệng lầm rầm bài khấn bằng tiếng Chơro.
Tôi hỏi ông Biên rằng nội dung khấn là gì? Ông Biên đáp: “Đại ý bài khấn là: Hôm này buôn làng làm lễ tạ ơn Yang Bri đã che chở dân làng, ban cho rừng có nhiều con thú, ban cho sông suối có nhiều tôm cá, ban cho cây cao bóng cả có nhiều chim chóc, tổ ong, ngăn không cho thần lửa đến phá hoại núi rừng… Mong thần cho dân làng sức khoẻ, làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, săn bắn được nhiều thú, nhiều chim, có của dư của để...”.
Sau phần lễ, dân làng vào hội vui
Sau lời khấn của già làng Tơ Tơ, khi lễ nghi cúng Yang Bri khép lại, khi phần lễ đã xong, lúc này người Chơro vào hội vui.
Họ cùng nhau ăn uống, họ mời rượu nhau trong tiếng sáo, tiếng kèn lồ ô hòa lẫn tiếng tiếng mala như gọi mời, thúc giục. Khi ánh mặt trời được thay bằng ánh lửa bập bùng, cũng là lúc mọi người đã chếnh choáng men rượu. Lúc này, những chàng trai, cô gái bắt đầu đứng lên, dập dìu trong điệu múa xoang và lời ca làm say lòng người.
Ông Nguyễn Đình Biên bảo, ông không phải người bản xứ, nhưng khi hòa mình trong không khí những ngày tế lễ này, ông cũng dâng tràn cảm xúc, và hiểu vì sao Yang Bri lại được kính trọng. Không chỉ che chở, ban sinh kế cho dân làng, lễ cúng Yang Bri còn là dịp để dân làng có dịp nối giữa quá khứ và hịên tại, giữa người trẻ với người già. Buổi lễ còn là cầu nối cho nhiều trai gái trong làng đến với nhau, và nên duyên chồng vợ.
Không khí lễ buổi tối
Một lần thả mình trong không khí lễ hội cúng Yang Bri, thả mình trong thế giới tâm linh huyền bí của người Chơro, được thưởng thức xơ-tơm, được ngắm những sơn nữ quyến rũ, căng tràn nhựa sống trong điệu nhảy xoang, được nghe tiếng mala huyền hoặc, chúng tôi như đã trở thành người bản xứ từ lúc nào không hay.