Hải quân Mỹ tuần trước đồng loạt triển khai ba tàu sân bay tham gia các đợt huấn luyện, diễn tập ở những khu vực then chốt như Biển Đông và Đại Tây Dương. Giới quan sát cho rằng động thái này nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Nga và Trung Quốc, hai đối thủ cạnh tranh có sức mạnh quân sự tương đồng với Mỹ, theo Business Insider.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm 31/8 diễn tập cùng Nhóm Tác chiến Hộ tống số 4 thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) ở Biển Đông. Trong cuộc diễn tập này, JMSDF đã triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga cùng các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường.
Chuyên gia quân sự Alex Lockie cho rằng cuộc diễn tập là một phần trong chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do", nhằm ngăn tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.
Thông qua cuộc diễn tập, Mỹ dường như muốn phát đi thông điệp rằng nước này sẽ không bị đẩy khỏi Biển Đông, bất chấp sức ép từ đối thủ. Việc diễn tập cùng tàu chiến Nhật Bản cho thấy Mỹ sẽ không đơn độc nếu xung đột nổ ra trong khu vực.
Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm đồng minh trong khu vực, trong khi Mỹ đối phó với tham vọng bá quyền của nước này bằng cách tăng cường quan hệ với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để tạo thành "Bộ Tứ" tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trên phương diện quân sự, hải quân Mỹ cũng vừa lần đầu tiên tổ chức huấn luyện hiệp đồng chiến đấu trên tàu sân bay giữa tiêm kích tàng hình F-35C và các chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet. Việc đưa F-35C huấn luyện chiến đấu trên hàng không mẫu hạm sẽ tăng đáng kể uy lực cho các không đoàn tàu sân bay của Mỹ.
"Tiêm kích F-35C là khí tài lý tưởng để xóa sổ các tiền đồn quân sự trên những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại Biển Đông", Lockie nhận định. Các quan chức quân sự Mỹ cũng từng khẳng định hải quân nước này có thể dễ dàng hủy diệt các đường băng, cơ sở quân sự trên những hòn đảo giữa biển nếu xung đột nổ ra, ám chỉ đảo nhân tạo Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Cách Biển Đông nửa vòng Trái Đất, tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Harry S. Truman cũng diễn tập chung trên Đại Tây Dương với sự xuất hiện của phi đội F-35C. Nhiều khả năng cuộc diễn tập này nhằm vào Nga, nước đang tăng cường hiện diện hải quân ở Địa Trung Hải để khẳng định vị thế.
Tàu sân bay Lincoln và Truman diễn tập trên Đại Tây Dương cuối tháng 8. Ảnh: US Navy. |
Đợt diễn tập được tiến hành sau khi hải quân Mỹ tái thành lập Hạm đội 2 chuyên đối phó với Nga, cho thấy Washington muốn tăng cường ảnh hưởng tại các vùng biển gần Đại Tây Dương. Nga hiện chỉ có một tàu sân bay trong biên chế, khó lòng cạnh tranh với hạm đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ.
Việc đưa ba tàu sân bay đồng loạt diễn tập trên hai vùng biển chiến lược cho thấy hải quân Mỹ đã bắt đầu thay đổi chiến lược triển khai tàu sân bay của mình nhằm tăng khả năng sẵn sàng cho những cuộc xung đột tiềm tàng với các cường quốc hải quân như Trung Quốc và Nga.
Chiến lược này được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiết lộ hồi tháng 4, khi ông nói rằng các tàu sân bay cần được triển khai chớp nhoáng hơn và không theo kế hoạch định trước, nhằm giữ ưu thế bí mật và bất ngờ.
Trước đây, khi triển khai bất cứ chiếc nào trong 11 tàu sân bay trong biên chế, hải quân Mỹ đều công khai lịch trình, địa điểm hoạt động hay neo đậu của chúng từ nhiều tháng trước. Ông Mattis cho rằng với cách triển khai này khiến tàu sân bay Mỹ "không khác gì tàu buôn", khiến Washington đánh mất lợi thế chiến lược trên biển.
Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi cách tiếp cận, từ tập trung vào các nhóm khủng bố sang cạnh tranh toàn diện với những cường quốc trên thế giới như Nga và Trung Quốc.
Nga hiện nay liên tục triển khai tàu chiến đến Địa Trung Hải, nơi họ hiếm khi hiện diện trước chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Trung Quốc cũng thường xuyên thách thức tàu chiến và máy bay Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, giờ đây Lầu Năm Góc đã xem xét đối phó những vấn đề trên một cách nghiêm túc.
"Chúng tôi là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới và sẽ không chấp nhận việc thay đổi hiện trạng trên biển, dù có phải can dự vào môi trường phức tạp và cạnh tranh", chuẩn đô đốc John Wade, chỉ huy cụm tàu sân bay chiến đấu USS Abraham Lincoln, khẳng định.