| Hotline: 0983.970.780

Tuổi thơ xứ nghèo

Thứ Tư 25/01/2023 , 06:00 (GMT+7)

Ngày nào tôi cũng phải qua đò vượt sông đến trường, chân đát, nón lá, ngày mưa thì thêm cái tơi lá, trong túi quần đôi khi có một nắm bắp rang…

1 bai luong duy can

Tranh Nguyễn Hiển.

Từ nhỏ tôi đã là một đứa con trai yếu đuối cả thể xác lẫn tâm hồn. Chín tuổi tôi mồ côi cha. Lúc ấy mẹ tôi mới ba mươi tuổi.

Giặc Pháp đổ bộ lên Quảng Bình. Mẹ tôi từ Hoàn Lão ôm ba con chạy giặc. Em út của tôi lúc ấy mới hai tháng tuổi. Rúc bờ rúc bụi, từ làng Lăm Liêu, vượt đường 1 đến Lý Nhân Bắc, Lý Nhân Nam, rồi men theo bờ biển đến cửa Nhật Lệ và thuê đò về đến Trung Bính, quê mẹ.

Một tuổi thơ thật nghèo khổ. Tôi học trường làng rồi sang phố học lớp Nhất, trong một ngôi đình bỏ hoang. Thầy dạy là thầy Trần Kỷ, anh con bác một đứa bạn cùng lớp tên là Trần Văn Thông, đứa bạn sau này gắn bó với tôi thật lâu dài.

Mỗi ngày học hai buổi, trừ chiều thứ Năm, thứ Bảy. Buổi trưa, phải ở lại trường, cả bọn chúng tôi chỉ có một cách thay thế bữa ăn trưa: đánh bi hoặc đánh đáo trên cái sân nhỏ trước cửa lớp dưới bóng cây vông cổ thụ.

Hết bậc tiểu học, tôi chỉ có một nơi để học tiếp: Trường Trung học Chơn Phước Phượng - một trường của Nhà dòng Thiên chúa, với một dãy nhà sát bờ sông bên cầu Mụ Kề. Ngày nào tôi cũng phải qua  đò vượt sông đến trường, chân đát, nón lá, ngày mưa thì thêm cái tơi lá, trong túi quần đôi khi có một nắm bắp rang…

Điều gay go nhất đối với tôi lúc này là: hàng tháng phải đóng học phí. Tôi mãi không thể quên những lần bị gọi lên văn phòng rồi bị đứng trước cửa lớp, chỉ vì cái tội chưa có tiền đóng học phí. Rồi còn cái mặc cảm tồi tệ, học kém bạn bè trong lớp. Nguyên do là mấy đứa bạn ấy, đứa nào cũng học thêm ở nhà, nên đến lớp, bài học nào chúng nó cũng thuộc, bài tập nào chúng cũng làm nhoay nhoáy!

Học cả một năm, tôi cũng không biết được thế nào là le, la, les… trong tiếng Pháp, thế nào là a, an, the… trong tiếng Anh. Rồi thế nào là chứng minh hình học, thế nào giải phương trình…Nhiều lần tôi có ý định bỏ học, nhưng lần nào cũng bị mẹ mắng: "Tiền học thì rồi sẽ có. Không thể bỏ học được. Tao đã từng thế với cha mày rồi". Nhưng học mà kém thua thế này thì nhục quá. Làm sao bây giờ?

Tôi làm sao có tiền để đi học thêm? Chỉ có một cách là tự mình học lấy thôi! Thế là tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình. Trước hết là lấy vở chép bài tiếng Pháp ra xem lại thật kỹ từng chữ, từng câu, từng bài, rồi từ bài này sang bài khác.

Trời ơi! Sao đến giờ tôi mới nhận ra? Có khó khăn gì đâu chứ! Le, la, les… hay a, an, the… Rồi những trò chứng minh hình học, giải phương trình… toàn là trò chơi.

Tôi tiến vùn vụt, đến lúc tháng nào tên tôi cũng xếp hạng không nhất thì nhì lớp. Tối nhớ những lần tôi mặc chiếc quần cao trên mắt cá chân đến cả tấc, hai chân không, đứng dưới cột cờ, chụp ảnh để đưa lên bảng danh dự của trường.

Hồi trước, mỗi ngày hai lần đi bộ qua thành phố, nhìn thấy những ngôi nhà phố giàu sang, rồi những con người trong những ngôi nhà giàu sang ấy, tôi thực sự dửng dưng, bởi vì có hai thế giới khác nhau. Thực ra ngôi nhà mẹ con tôi ở lúc ấy chỉ là cái chuồng heo bỏ không của bà ngoại tôi, được thuê người đổ đất san nền, lợp mái, chắn che lại. Tôi chưa bao giờ tủi thân vì chuyện này. Tôi học giỏi cho mẹ tôi vui là được.

Của đáng tội, sau này có lần tôi mê một người ở cái tầng cao ấy. Bi kịch là đúng rồi!

1 bai luong duy can 2

Tranh Nguyễn Hiển.

Hồi tôi học ở Huế, có một cô bé, con một ông quan to, có vẻ thích tôi. Nhưng thôi, đó chỉ là một trò đùa!

Năm 1953, tới cùng hai bạn cùng lớp (hai người kia là dân Quảng Trạch) là ba thí sinh cùng vào Huế để dự kỳ thi vấn đáp. Điều đặc biệt là vé máy bay khứ hồi do ông tỉnh trưởng mua, còn chi phí ăn ở là do trường chịu. Thật chưa từng có: cả một ban giám khảo xuất hiện chỉ để kiểm tra ba thằng học trò Quảng Bình! Tất nhiên cả ba đứa đều mãn nguyện.

Trong ba đứa ấy, sau năm 1954, chỉ có một đứa ở lại Quảng Bình. Sau năm 1975, ba đứa gặp nhau tại Sải Gòn, một đứa là bác sỹ quân y, một đứa là sỹ quan vừa xong đợt cải tạo!

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?