| Hotline: 0983.970.780

Tương kính như tân

Chủ Nhật 03/03/2019 , 09:35 (GMT+7)

Một thiếu nữ, nghe bị cáp đôi, thấy uất ức như bị hàm oan. Còn hơn vậy, như nghe phải chuyện gớm ghê. Sâu xa vẫn tò mò, hóng hiếc, tìm hiểu. Rồi thành con gái, cây và nụ, mây và nước, nắng lành và mưa sáng, nhìn gì cũng vẩn vơ, cũng thấy đẹp.

Ai nói chuyện yêu thì đây đẩy nhưng con tim hay mất kiểm soát. Hình dung một người, hình dung một ngày, hình dung mọi thứ liên quan đến hai từ Đôi Lứa.

tinh-yeu091921732
Ảnh minh họa

Hăm hở yêu và cưới. Khi yêu hầu như mọi đôi đều giống nhau ở dấn bước, hân hoan, hờn giận. Nhưng bắt đầu có những cung bậc và tâm trạng không hoàn toàn giống nhau khi cưới. Hôn nhân ở Việt Nam thiêng liêng và nhiêu khê như người ta phải đi hái quả trong rừng. Rộn ràng lẫn xây xước. Đã hề gì, người lớn nhìn đôi trẻ với ánh mắt khoan dung, đã hề gì!

Những ngày tung tăng qua mau. Các mối quan hệ không đùa. Cơm áo gạo tiền lên tiếng. Người chồng nhanh chóng trần trụi trong mắt vợ. Thiếu lãng mạn, ít ân cần, nhiều tiếng động, anh đánh răng anh ho khạc, anh ngáy to, anh tắm lâu, anh không ý tứ với nắp bồn cầu mỗi khi bước ra… Vô vàn chi tiết và tiểu iết. 24/24 hằng mơ ước là đây mà. Nhưng người vợ cũng không ít nhược điểm phơi bày. Drap giường nhàu nguyên, tóc đầy nền nhà, em không biết luộc rau cho xanh ư em, sao, em chưa từng chợ búa ư, mẹ giành hết ư? Một năm đầu riêng tư giống như hai con người đang từ trên đọt cây bỗng rơi xuống mặt đất.

Giai đoạn mang thai thổi khí sắc vào cuộc sống suýt đều đều tẻ nhạt. Đứa con chào đời. Hân hoan còn hơn hồi cưới. Kỳ diệu người cha và người mẹ. Ý nghĩa làm người thực sự thanh cao và tuyệt vời. Nhưng đâu ai ngờ nuôi một đứa con và những đứa con từ khi đỏ hỏn nó vắt kiệt người ta đến thế nào. Người chồng tiếp tục trần trụi nhiều hơn trong mắt vợ, những cố tật vô phương thay đổi. Người vợ tiếp tục bị săm soi trong ánh mắt âm thầm bất mãn của chồng. Và cơm áo không tỉ tê than thở nữa mà thét gào. Nhiều lúc hai con người thấy như mình đang lóp ngóp dưới địa ngục.

Địa ngục trần gian dưới chân ta và chung quanh cho ta nhìn thấy các đôi khác, mỗi ngày. Hạnh phúc là gì? Bây giờ mấy chữ đó mới có sức nặng ám ảnh. Hạnh phúc là gì, hỏi bạn bè, chúng nó cũng nhàu nát và cố đùa vui “biết chết liền!”. Hỏi nhà tư vấn, nghe dặn phải bình tâm, ai cũng phải trải qua y như vậy. Hỏi cha mẹ, cha mẹ chép miệng “vợ chồng là duyên nợ”. Hỏi phật, phật dạy “đời là bể khổ”. Có người còn thốt lên như một khám phá trời đày “Hóa ra chỉ là để truyền giống ư, trai gái, đàn ông đàn bà, không có thiên mệnh nào khác ư?” Có người từng trải cười nửa miệng: “Hôn nhân là cái bẫy, hãy ăn cho hết miếng mồi đi đã, đừng mơ!”

Con cái đang lớn, đang dần rời xa vòng tay ba mẹ. Tuổi trung niên đánh tiếng trong từng tế bào đang chín. Chín và dậy hương. Ấy là hương của va đập, thỏa hiệp, đồng cùng, chấp nhận, chân tơ kẽ tóc. Nghe thấy hăm hở mới cuộn trào, thôi thúc. Đi em, gửi con cho nội ngoại, đi em. Đi tìm lại trăng mật ngày xưa mình nông cạn. Đi để làm mới cảm xúc và cảm giác. Sao đi được anh, đưa đón con như thế, học hành như thế như thế. Vậy thì em sẽ làm mới tại nhà, chiếc giường, tấm drap, những chiếc gối, bữa ăn ngon, buổi cà phê gần, nước hoa sau cữ tắm, âm nhạc, đèn dịu, du dương. Tuyệt trần!

Hạnh phúc là gì? Đã có thể tự trả lời. Hạnh phúc cũng đơn giản thôi mà. Như cánh đồng sau gặt. Như mây ở chân trời sau mưa dông. Như những lần ta phát khùng với nhau và sau đó, ngậm ngùi lao vào nhau. Như nước mắt luôn mặn và ấm. Biết đủ là đủ. Cho đi và chắc chắn sẽ có nhận về. Bây giờ cách đánh răng hơi thô của chồng là dương tính, tiếng ngáy của anh ấy cho thấy áp lực sinh nhai, sự luộn thuộm của anh ấy là mẫu số chung muôn thuở của “cái giống ấy”. Bây giờ, vợ đã thoăn thoắt, nghe tiếng chân của em trong nhà thấy thương quá, tiếng cáu gắt của em là mắm muối và dĩ nhiên, đêm đêm em ngọt ngào không chịu nổi em ơi!

Từ đó, con người bỗng nhận ra, hai là hai chứ không phải hai mà một, cách ví von ấy chỉ để nên thơ cuộc sống đôi lứa khi mới mào đầu mà thôi. Hai giới tính, hai con người, hai tiểu nền văn hóa, hai tính cách, hai túi tiền, hai trái tim. Chung nhau bền vững được là kỳ tích. Nhưng vẫn là kỳ tích phổ thông, nhiều người làm được sao ta không làm được?

Hiểu ra và bắt đầu biết sửa mình, nương nhau, từng ngày, từng tháng. Gừng cay và ấm, nhìn tóc bạc da mồi ở người bạn đời, thương không biết để dâu cho hết. Mẹ cha sinh dưỡng, chịu đựng ta là chính người này. Trong nghĩa có ân, ân và nghĩa. Già rồi mới biết chính kinh nghiệm sống sẽ mang chân lý Tương kính như tân về cho ta chứ không phải lời suông của thánh hiền.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm