Một hệ thống Pantsir-S1 do Nga sản xuất. Ảnh: RT. |
"Chỉ có hai lý do có thể giải thích việc tên lửa Israel dễ dàng bắn hạ Pantsir-S1. Thứ nhất là nó đã sử dụng hết đạn dự trữ. Thứ hai đơn giản là nó không được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu", RT ngày 11/5 dẫn nhận định của tướng Aytech Bizhev, cựu phó tư lệnh không quân Nga.
Trước đó, quân đội Israel (IDF) công bố video tên lửa nước này lao vào một hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Syria để đáp trả việc quân đội Damascus tấn công tiêm kích Tel Aviv đang thực hiện cuộc không kích nhắm vào mục tiêu Iran gần Damascus rạng sáng 10/5.
Theo ông Bizhev, một khi ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các tổ hợp Pantsir-S1 sẽ không bao giờ để mình bị hủy diệt như vậy. "Khi đó, nó liên tục giám sát máy bay địch và có thời gian phản ứng rất nhanh. Nó có thể bắn hạ tên lửa hành trình bằng pháo hoặc tên lửa đối không", ông nói.
Video do IDF công bố cho thấy không có hệ thống vũ khí nào của Pantsir-S1 hướng về phía tên lửa đang bay đến, trong khi việc kíp điều khiển ba người đang đứng ngoài xe là bằng chứng cho thấy hệ thống này không được báo động tại thời điểm bị tấn công.
Theo quân đội Nga, 28 tiêm kích của Israel đã phóng tên lửa hành trình từ ngoài không phận Syria để thực hiện cuộc không kích. Cuộc tấn công này nhiều khả năng được thực hiện từ vùng trời Lebanon, nơi có nhiều dãy núi có thể giúp tiêm kích và tên lửa Israel giấu mình trước radar của Syria.
Đại tá nghỉ hưu Mikhail Khodorenok đánh giá rằng việc tổ hợp Pantsir -S1 được triển khai một cách lộ liễu trên đường băng mà không có biện pháp ngụy trang nào cho thấy nó "chưa sẵn sàng tham gia cuộc chiến" và quân đội Syria đã phải trả giá cho sự bất cẩn này.