Tỷ lệ che phủ rừng tăng 1,5 lần sau 30 năm
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến hết năm 2019, diện tích rừng cả nước đạt trên 14,6 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên trên 10,2 triệu ha, rừng trồng hơn 4,3 triệu ha.
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 xấp xỉ 42%. So với năm 2015, diện tích rừng tự nhiên tăng gần 117.000ha, rừng trồng tăng trên 430.000ha, tỷ lệ che phủ rừng tăng 1,05% (năm 2015 đạt 40,84%).
Nếu như năm 1945, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 43,8% thì năm 1976 còn 33,8%, năm 1990 giảm tiếp còn 27,2%. Như vậy, 30 năm qua, từ 1990 đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam tăng gần 15%, tức tăng hơn 1,5 lần. Dù đạt được kết quả vô cùng to lớn về tỷ lệ che phủ rừng, song cũng phải thừa nhận một thực tế là chất lượng rừng sau phục hồi tại nước ta chưa đạt như rừng nguyên sinh.
Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, theo Tổng cục lâm nghiệp số vụ vi phạm về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt qua các năm. Năm 2016 xảy ra trên 21.000 vụ, năm 2017 chỉ còn trên 16.500 vụ vi phạm. Năm 2018 tiếp tục giảm còn hơn 12.900 vụ, năm 2019 còn trên 10.700 vụ vi phạm.
Riêng 9 tháng đầu năm 2020, cả nước đã phát hiện 8.488 vụ vi phạm, giảm 1.226 vụ (tương ứng giảm 12%) so với 9 tháng năm 2019.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng, cháy rừng cũng giảm qua các năm. Nếu như năm 2016, thiệt hại gần 4.600ha (trong đó cháy rừng 3.194 ha, phá rừng 1.405 ha) năm 2017 thiệt hại 1.451 ha (trong đó cháy rừng 357 ha, phá rừng 1.094 ha).
Tiếp theo, sang năm 2018 chỉ còn thiệt hại 936 ha (trong đó cháy rừng 348 ha, phá rừng 588 ha). Năm 2019 thiệt hại 2.575 ha (trong đó cháy rừng 1.997 ha, phá rừng 578 ha) và 9 tháng năm 2020 thiệt hại 1.287 ha.
Rừng miền Trung chiếm 38% tổng diện tích cả nước
Số liệu thống kê cho thấy, tổng diện tích rừng hiện có khu vực miền Trung (gồm 14 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận) là trên 5,5 triệu ha, chiếm 38% diện tích rừng toàn quốc.
Cụ thể, tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung xấp xỉ 55%, đứng thứ 2 trong 8 vùng sinh thái (cao nhất là vùng Đông Bắc trên 56%).
Giai đoạn từ 2015 - 2019, diện tích có rừng khu vực miền Trung tăng trên 373.000ha (Một số tỉnh có diện tích tăng nhiều như: Quảng Nam tăng 30.000ha, Bình Định 51.000ha, Phú Yên 42.300ha, Quảng Bình 21.700ha, Thanh Hoá 15.000ha, Thừa Thiên Huế 12.600ha, Quảng Trị 10.700ha, Nghệ An 9.000ha), trong đó, rừng tự nhiên tăng 70.000ha, rừng trồng tăng trên 303.000ha.
Diện tích rừng bị thiệt thại do phá rừng, cháy rừng tại miền Trung cũng giảm qua các năm. Năm 2016 diện tích rừng bị thiệt hại 1.000ha rừng (cháy rừng 446ha, phá rừng 575ha), năm 2017 thiệt hại 415ha (cháy rừng 74ha, phá rừng 341ha), năm 2018 thiệt hại 315ha (205ha, phá rừng 110ha, năm 2019, thiệt hại 1.401 ha (cháy rừng 1.283 ha, phá rừng 118ha). Riêng 9 tháng năm 2020, diện tích rừng bị thiệt hại 481ha, trong đó cháy rừng 274ha, phá rừng 207ha.
Các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp xảy ra tại khu vực miền Trung được dư luận, báo chí quan tâm trong thời gian qua chủ yếu là khai thác từng cây cá thể nhỏ lẻ, vì vậy về cơ bản diện tích rừng tư nhiên không bị giảm.
Theo các chuyên gia, đặc điểm tự nhiên địa hình tại miền Trung là dốc, chia cắt mạnh, mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm. Nền địa chất ở một số nơi như Quảng Nam yếu, không ổn định do có nhiều đới đứt gãy địa chất, nên đất đá bị băm vằm, vỡ vụn.
Trong thời gian qua, tại khu vực này đã xảy ra nhiều rung chấn khiến nền đất bị băm nhỏ và tơi bở, địa hình đặc thù dốc đứng theo hướng chính từ Tây sang Đông với độ dốc phổ biến từ 20-40 độ. Bên cạnh đó, lượng mưa lớn, kéo dài, địa hình này dễ hút nước và đạt độ bão hòa nhanh, các mái dốc không giữ được được ổn định, dẫn tới sạt lở và sụt lún cục bộ.
Thực tế cho thấy, các vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều là những nơi phát triển rừng bình thường, độ che phủ lớn. Đặc biệt, trong 5 năm qua rừng tự nhiên ở miền Trung không những giảm mà tăng 70.000ha, do đó việc quy kết hiện tượng lũ lụt tại miền Trung vừa qua là do mất rừng tự nhiên không thực sự khách quan và thuyết phục.