| Hotline: 0983.970.780

U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng: Nơi an nghỉ những hài nhi vô danh

Thứ Hai 25/10/2021 , 08:15 (GMT+7)

Đó là tiếng khóc ai oán, hờn giận của những hài nhi còn chưa kịp sinh ra để chào đời mà đã bị tước đoạt sự sống.

Nghĩa trang hài nhi nằm hẻo lánh một góc rừng, trong khu vực bãi rác Đá Mài (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên).

Chết vùi trong “rác”

Hai tay thoăn thoắt chọn lọc những vật dụng có thể tái sử dụng được từ đống rác. Không ai trả lương cho những người nhặt rác ấy. Thu nhập của họ là tiền bán những đồ nhựa do mình chọn ra. Vậy nên cũng không ai có thể yêu cầu người nhặt rác phải phân loại kỹ càng các loại rác thải. Tuy nhiên, những con người lam lũ, bình thường ấy đã phát hiện được một điều rùng rợn. Đó là xác thai nhi hay thi thể của những em bé mới được sinh ra.

Chị Trần Thị Hà (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương) đã có hàng chục năm làm công việc nhặt rác. Rác thải chưa được phân loại từ đầu nguồn của toàn thành phố được chất lên xe tải chở về chút xuống bãi rác. Thực hiện việc chôn lấp, các xe ủi đẩy rác về phía cuối bãi.

Phân loại rác ở khu xử lý đầu vào.

Phân loại rác ở khu xử lý đầu vào.

Cầm chiếc móc sắt trên tay, chị Hà lăn lộn lao động trên bãi để tìm, chọn và lấy được càng nhiều vật dụng có thể bán được càng tốt. Lần ấy, khi chiếc móc sắt vừa găm vào một chiếc túi ni lông, như có linh tính, chị chợt nghĩ, rác gì mà sao lại nặng thế. Xé chiếc túi ra để kiểm tra bên trong, chị kêu “ối” một tiếng rồi vứt cả móc sắt lẫn lưng bao tải nhựa gom được mà chạy thục mạng. Trong chiếc túi ni lông ấy chứa một hài nhi. Khi định thần lại, chị cùng những người nhặt rác đã khâm liệm bé gái rồi an táng cho cháu bên sườn đồi.

Sẽ có những thi thể không được nhận ra sẽ bị máy ủi san vùi, chôn lấp cùng rác. Nhưng những người nhặt rác lại tin một điều như an ủi, như tâm linh. Đó là những bao bịch chứa thi thể em bé cứ bắn ra ngoài khi chạm vào gầu máy. Vậy nên, rất nhiều hài nhi đã được phát hiện ở đây.

Cuối tháng, rác của thành phố không đưa vào khu chôn lấp nữa mà lại được chuyển vào nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài. Nhóm người nhặt rác lại vào đứng trên những băng chuyền tải rác để thu gom phế thải. Hôm ấy, chị Hà nhớ là ngày 26/7 âm lịch năm 2017. Đang nhặt rác, chợt chị rùng mình rồi hô hoán mọi người tắt băng tải, giọng chị lạc đi. Trên băng tải có người chết!

Người điều khiển kịp thời tắt nguồn băng chuyển tải ngay trước khi thi thể nạn nhân lọt vào máy ép, xuống lò đốt.

Thi thể em bé được đưa xuống. Do quá trình cọ sát, va đập mà cơ thể đã bị trày xước, gãy vẹo nhiều bộ phận. Mức độ tàn nhẫn của tội ác không thể nào kể lại được. Cháu bé trai nặng khoảng 4 - 5kg bị cho vào ống quần để phi tang trong rác. Như tất cả những lần trước, chị Hà đun nước lá sả, lá bưởi, lá chè tươi để tắm táp, lau rửa sạch sẽ cho em bé rồi tiến hành khâm liệm và mai táng. Chị kể, thằng bé thích lắm, mặt mũi to; tóc đen, dài. Đó là em bé đã được sinh ra nhưng lại không được cho sống. Thương em bé, chị Hà ôm chặt cháu, lã chã hai hàng nước mắt.

Ngày mới vào bãi, gặp những sự việc như trên, chị Hà cũng run chân, run tay lắm. Chị nhiều tuổi hơn cả, trải nghiệm và cứng rắn nên bạo tay mà làm. "Mình làm phúc thôi mà. Chị em giờ cũng dạn dần ra và đồng hành cùng mình rồi", chị Hà nói.

Nghĩa trang hài nhi

Tiết thu bảng lảng, lối lên nghĩa trang hài nhi ở tận cùng bãi rác quánh đặc âm khí. Hoàng Tuấn Ngân là cán bộ phụ trách môi trường của Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên. Anh được phân công phụ trách hoạt động tại bãi rác.

Đưa chúng tôi theo đường mòn lên nghĩa trang, Ngân kể, năm 2018, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo 2 cơ quan là Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố Thái Nguyên và Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên khẩn trương thực hiện việc xây dựng nghĩa trang để quy tập mộ phần các hài nhi tại khu vực này. Công việc được triển khai nhanh chóng bằng nguồn quyên góp của tập thể cán bộ nhân viên 2 cơ quan và các nhà hảo tâm.

Nghĩa trang hài nhi nằm hẻo lánh một góc rừng, trong khu vực bãi rác Đá Mài (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên). Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nghĩa trang hài nhi nằm hẻo lánh một góc rừng, trong khu vực bãi rác Đá Mài (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên). Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nghĩa trang nhỏ tọa lạc trên triền đồi, nhìn xuống bãi rác phía dưới. Cổng của khuôn viên nghĩa trang được đặt một tảng đá lớn, khắc hàng chữ “Nghĩa trang hài nhi”. Cánh cổng nghĩa trang mở ra. Ở giữa nghĩa trang, phía trên cùng là cây hương có thập tự giá dành cho những thiên thần bị bỏ rơi theo Thiên Chúa giáo với dòng chữ “Nơi an nghỉ những hài nhi vô danh”. Bên cạnh là một cây hương khác dành cho đạo Phật.

Có hai hàng mộ được xây giật cấp trong nghĩa trang. Những ngôi mộ nhỏ rộng dài chỉ vài chục cm được xây kiên cố và sơn trắng. Trên mỗi ngôi mộ đều đặt một bát hương.

Lặng lẽ đặt hoa, thắp hương tại cây hương xong, Ngân nói, cùng với những ngày lễ, tết, thì tuần rằm, mồng một nào cán bộ của Ban cũng đến thắp hương cho các con.

Từ nghĩa trang nhìn xuống bãi chôn lấp rác khổng lồ phía dưới, chợt thấy quặn lòng khôn xiết. Nơi góc rừng, cuối bãi, ngoài những bé được quy tập về đây, liệu còn biết bao hồn đơn, phách chiếc thơ trẻ bị chôn vùi trong rác!? Kiếp cô hồn bơ vơ, mồ côi ấy liệu có thể nào siêu thoát được không?

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khỉ hoang dã xuất hiện nhiều nơi ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG Ít nhất tại 3 quận trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chính quyền địa phương đã ghi nhận có khỉ hoang xuất hiện, lục lọi đồ đạc và phá hoại cây cối, hoa màu.